Tại kỳ thi Đình diễn ra năm Kỷ Hợi cách đây 360 năm, dưới triều vua Lê Thần Tông, người đỗ đầu là Nguyễn Quốc Trinh, một danh sĩ triều Lê được nhân dân tôn kính.
Anh em đăng khoa, làm quan đồng triều
Nguyễn Quốc Trinh (1624-1674), quê ở xã Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay là xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Ông có em trai là Nguyễn Đình Trụ (1627-1703). Theo tiểu sử của dòng họ, vì nhà nghèo, anh em ông đi học muộn. 17 tuổi, Nguyễn Quốc Trinh mới được học chữ thánh hiền. Khoa thi năm Bính Thân (1656), hai anh em ông cùng đi thi, lúc đó Nguyễn Đình Trụ đã 30 tuổi, Nguyễn Quốc Trinh 33 tuổi. Khóa đó lấy đỗ 6 vị Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, Nguyễn Đình Trụ đứng đầu.
Tương truyền, trong khoa thi ấy, Nguyễn Quốc Trinh nói với em trai rằng: “Năm nay đỗ đầu thuộc về em, anh khoá tới nêu tên trên bảng vàng cũng chưa muộn”.
Quả đúng như vậy, ba năm sau, ở khoa thi tiếp theo, Nguyễn Quốc Trinh lại đề tên ứng thí. Lần này, ông đỗ đầu trong danh sách Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, tức ngôi vị trạng nguyên. Năm đó, ông 36 tuổi.
Tranh vẽ minh họa Trạng Nguyệt thi với sứ thần Cao Ly. Nguồn: Báo Bình Phước. |
Do ngôi làng Nguyệt Áng quê ông có tên Nôm là làng Nguyệt nên dân gian gọi Nguyễn Quốc Trinh là Trạng Nguyệt.
Khi làm quan, Nguyễn Quốc Trinh đổi tên là Nguyễn Quốc Khôi, nên dù trong văn bia tiến sĩ ghi tên ông là Trinh, những phần ghi chép về ông trong bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư đều ghi tên ông là Nguyễn Quốc Khôi.
Nguyễn Đình Trụ làm quan trong triều Lê, được bổ chức Hàn lâm Hiệu thảo. Nguyễn Quốc Trinh làm quan đến Tả Thị lang (tương đương chức thứ trưởng ngày nay) bộ Lại, tước Liêm Trì tử, có nhiều công lao trong việc bang giao.
Vị sứ thần lập công lớn
Theo sử sách, vào đời vua Lê Huyền Tông, niên hiệu Cảnh Trị năm thứ 5 (1667), Nguyễn Quốc Trinh được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc), cùng các sứ thần Nguyễn Công Bích, Lê Vinh. Tháng 2/1669, đoàn sứ thần của Nguyễn Quốc Trinh về nước. Ông được thăng chức Tả thị lang bộ Lễ, tước Ngọc Trì tử.
Tháng 4 năm Cảnh Trị thứ 8 (1670), ông cùng Hữu thị lang bộ Lại Đặng Công Chất được gọi vào hầu kinh diên để giảng sách cho vua Lê Huyền Tông, lúc đó mới 17 tuổi.
Sau khi vua Huyền Tông mất năm 1671, vua Lê Gia Tông lên ngôi. Sau đó, ông được giao làm Hữu thị lang bộ Hộ, rồi Tả thị lang bộ Lại.
Nguyễn Quốc Trinh không chỉ là một vị sứ thần có công lao. Trong thời gian làm quan, ông đã trải qua lần lượt các chức Thị lang từ bộ Lại, bộ Hộ đến bộ Lễ. Sau đó, ông được chúa Trịnh Tạc đưa vào phủ chúa giữ chức Bồi tụng, tức phó tể tướng.
Viết 100 danh thần Trung Quốc bằng hai câu thơ
Nguyễn Quốc Trinh để lại nhiều giai thoại về sự ngay thẳng, khảng khái khi làm quan và tài ứng đối khi đi sứ. Có chuyện kể rằng chúa Trịnh Tạc muốn thử xem lòng người có phục không, đã sai quân lính đắp một cái đài ở Thăng Long đặt tên là Thu Thiên.
Chúa hỏi Nguyễn Quốc Trinh nhận xét đài ấy thế nào, ông trả lời: “Xây đắp thế nào chẳng được, nhưng lòng thiên hạ không vui đâu”.
Chúa giận hỏi rằng: “Thiên hạ trăm nghìn người, một mình ông làm sao biết được trăm nghìn bụng”. Nguyễn Quốc Trinh ung dung đáp: “Thiên hạ là tôi đây, lòng tôi không vui thì biết lòng thiên hạ”.
Chúa Trịnh Tạc không nói gì, đến tối, một cơn bão nổi lên, sét đánh gãy mấy cây cột đài, chúa đành bỏ, không cho dựng đài tiếp nữa.
Về chuyến đi sứ sang nhà Thanh, Nguyễn Quốc Trinh cũng để lại giai thoại về việc được vua Khang Hy thử tài.
Vua Khang Hy cho sứ thần Đại Việt và Cao Ly thi viết vào hai chiếc thẻ tre tên 100 danh thần của Trung Quốc. Sứ thần Đại Việt Nguyễn Quốc Trinh thản nhiên ngồi chơi, chờ đến sát giờ mới viết đôi câu đối “Khổng môn thất thập nhị hiền, Vân Đài nhị thập bát tướng”. Nghĩa là: “Cửa Khổng có bảy mươi hai người hiền. Vân Đài ghi tên hai mươi tám tướng giỏi”.
Câu đối có ý nghĩa là các học trò của Khổng Tử nổi tiếng tài giỏi nhất có 72 người, còn thời Hán Vũ đế xây Vân Đài khắc tên 28 danh tướng triều Hán. Hai câu này cộng lại là đủ 100 người tài giỏi của Trung Quốc. Vua Khang Hy đọc xong, tấm tắc khen ngợi tài năng và trí thông minh của sứ thần Đại Việt.