Tuy không phải người làm búp bê đầu tiên ở Việt Nam, họa sĩ Hoàng Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn được nhiều người biết tới với bộ sưu tập búp bê mặc trang phục của 54 đồng bào dân tộc Việt Nam. Sau 26 tháng xây dựng ý tưởng, chắt lọc chi tiết, anh đã cho ra mắt những mẫu búp bê đầu tiên. |
"Khi nhận ra phục trang của đồng bào rất hấp dẫn, từ màu sắc đến kiểu cách, tôi đã quyết định thu nhỏ lại theo góc nhìn của bản thân để phục trang dân tộc tới nhiều người hơn. Qua quá trình chắt lọc, cắt ghép, chi tiết hóa, một bộ phục trang trên người búp bê đã ra đời. Ngoài ra, khi nhìn ngắm những mẫu búp bê Nhật Bản, Hàn Quốc, tôi đau đáu tại sao không thử đưa phục trang Việt Nam vào những cô búp bê để bạn bè quốc tế biết nhiều hơn đến văn hóa Việt”, anh nói. |
Trước khi bắt tay vào thực hiện, anh Hoàng Anh đã dành ra 2 năm để đi thực tế tại các bản làng của người Việt. Nhờ đó, anh thu thập được chất liệu sáng tác, đồng thời tạo cảm hứng tạo ra sản phẩm búp bê. Những sản phẩm búp bê dân tộc do chính tay anh làm ra được trưng bày ở vị trí thu hút, bắt mắt nhất tại phòng khách. |
Năm 2011, anh bắt tay vào chế tác trang phục dân tộc thu nhỏ. 60 bộ trang phục của 45 dân tộc khác nhau đã được thực hiện sau nhiều năm họa sĩ Hoàng Anh theo đuổi con đường đã chọn. |
Từng đường nét khuôn mặt, họa tiết trên trang phục, anh Hoàng Anh đều phải tìm hiểu kỹ qua tư liệu ở thư viện, bảo tàng dân tộc học và qua thực tế. "Việc học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước rất quan trọng thay vì dựa vào ai đó. Khi ấy, việc tự mày mò, tự làm mới mình và ghi nhận ý kiến phản hồi rất quan trọng. Chẳng hạn, khuôn mặt của búp bê không phải hình trái xoan mà phải bầu bĩnh", anh chia sẻ. |
Sản phẩm búp bê có 2 cỡ là 25 cm và 35 cm. Mẫu 35 cm có nhiều họa tiết mà họa sĩ muốn gửi gắm hơn, giá từ 3,5-4 triệu đồng. |
Không gian làm việc nhỏ gọn của người họa sĩ. Căn nhà vừa là xưởng vẽ, vừa là kho chứa vải, vừa là nơi lưu giữ nét đẹp truyền thống dân tộc Việt Nam. |
Một số dân tộc có nhiều phục trang khác nhau như người Dao, người Mông... Trang phục của dân tộc Dao chính là những tác phẩm nghệ thuật rực rỡ, tinh tế, chuyển tải quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh của cộng đồng thông qua các hoa văn, họa tiết thêu, in trên đó. Mỗi nhóm (ngành) Dao đều có trang phục riêng, được thêu dệt rất cầu kỳ. |
Trang phục của dân tộc Mông độc đáo với nhiều kiểu may khác nhau tùy vào 4 nhóm người là Mông trắng, Mông hoa, Mông đen và Mông xanh. Trong ảnh, từ trái qua phải là trang phục của dân tộc Mông hoa Bắc Hà, Mông xanh và Mông hoa Sơn La. Trang phục đồng bào Mông hoa có phần đặc sắc, nhiều màu hơn, váy thường là váy màu chàm, gấu váy thường được thêu nhiều họa tiết. Họ mặc áo xẻ nách, trên vai, ngực được cạp thêm một tấm vải màu thêu hình hoa văn ốc. Dân tộc Mông xanh mặc váy hình ống, dưới gấu thêu hoa văn hình chữ thập nhỏ trong các hình vuông. Áo xẻ ngực thẳng về phía bên trái và cài một cúc lại, cánh tay được đắp thêm các mảnh vải màu đỏ và được thêu hoa văn. |
Pà Thẻn là dân tộc ít người với dân số khoảng 5.000 người, sinh sống chủ yếu tại Hà Giang và Tuyên Quang. Bộ nữ phục của dân tộc Pà Thẻn bao gồm khăn, áo, thắt lưng, váy, yếm. Nữ thường để tóc dài vấn khăn quanh đầu, hai đầu khăn có đính hai chùm tua rua màu vàng, đỏ. Khăn có hai loại là khăn quấn trong màu đen và khăn quấn ngoài màu đỏ. Phụ nữ Pà Thẻn đội khăn quấn thành nhiều vòng trên đầu, quấn thành mái xòe rộng như mũ, hoặc lối đội khăn tạo thành mái nhô ra hai bên mang tai. |
Ngoài các trang phục dân tộc Việt Nam, áo dài truyền thống cũng được tái hiện lại trên mẫu búp bê. Họa sĩ Hoàng Anh dự định trong thời gian tới hoàn thành đầy đủ bộ búp bê 54 dân tộc Việt Nam và một số bộ khắc họa người dân vùng cao phục vụ thị hiếu và nhu cầu của du khách. "Búp bê không đơn thuần là quà tặng mà còn là cầu nối văn hóa, giới thiệu phục trang đồng bào đến gần hơn bạn bè quốc tế", anh khẳng định. |