Naver đưa tin trong một tiết mục của chương trình Hoa hậu Hong Kong tổ chức hôm 30/8, các vũ công ở hậu cảnh đã mặc trang phục na ná hanbok của người Hàn Quốc. Sự việc khiến một bộ phận công chúng xứ kim chi đặt câu hỏi về mục đích của ban tổ chức chương trình khi để những hình ảnh này lên sóng.
Bình luận trên mạng xã hội Hàn Quốc viết: "Không phải trang phục cổ truyền của Trung Quốc là xường xám hay sao? Hy vọng họ không cố ăn cắp văn hóa Hàn Quốc".
Cư dân mạng Hàn Quốc cũng phát hiện ra trang phục giống hanbok còn được các a hoàn trong một số phim cổ trang Trung Quốc sử dụng. Điều này khiến người Hàn phật lòng, cho rằng quốc phục của họ bị mô tả trên phim như phục trang của tầng lớp tôi đòi.
Hình ảnh các vũ công mặc hanbok trong chương trình Hoa hậu Hong Kong. Ảnh: TVB. |
Gần đây, trên mạng Internet, người dùng từ nhiều diễn đàn trực tuyến và mạng xã hội Hàn Quốc liên tục đặt câu hỏi: “Có phải Trung Quốc đang cố chiếm đoạt hanbok không?”.
Trang phục truyền thống Hàn Quốc liên tục xuất hiện trên các chương trình truyền hình của quốc gia đông dân nhất thế giới như cuộc thi sắc đẹp, phim dài tập, thậm chí sự kiện trình diễn thời trang, với mật độ ngày càng dày đặc.
Như trong bộ phim truyền hình Thành Hóa thập tứ niên lên sóng trong năm nay, nhân vật chính đội một chiếc mũ và băng đô (wangjin) có hình dạng tương đồng với kiểu mũ (gat) và băng đô truyền thống của đàn ông Hàn Quốc thời Joseon.
Bằng chứng phim truyền hình Trung Quốc lạm dụng trang phục truyền thống Hàn Quốc bị phát hiện. Ảnh: Naver. |
Một vài người dùng mạng Trung Quốc nhận xét về Thành Hóa thập tứ niên: “Tôi đã nghĩ đây là phim cổ trang Hàn Quốc, bởi quần áo của nhân vật chính quá tương đồng với Hàn phục thời Joseon và Goryeo”.
Trong một bộ phim truyền hình khác mang nhan đề Thiếu chủ, đi chậm thôi, các nhân vật tỳ nữ đều mặc trang phục giống hanbok. Điều này càng khơi sâu mối nghi ngờ nhà làm phim cố tình mô tả hanbok là trang phục truyền thống của tầng lớp hạ lưu ở Trung Quốc.
Nối tiếp làn sóng chỉ trích của cư dân mạng, các chuyên gia văn hóa đã tìm hiếu và đưa ra nhận định. Sau khi nghiên cứu kỹ quần áo và phụ kiện trong những hình ảnh gây tranh cãi được lan truyền trên Internet, họ xác nhận đây chính là trang phục đặc trưng của người Hàn Quốc.
Các chuyên gia văn hóa đồng tình việc chiếc băng đô nhân vật nam sử dụng trong Thành Hóa thập tứ niên cũng như chương trình biểu diễn gần đây là một phụ kiện trong trang phục thời Joseon. Wangjin, còn được biết đến với tên gọi manggeonin tại Hàn Quốc, được nam giới đeo trước trán để ngăn tóc xổ ra khi búi tóc và đội mũ.
Dù wangjin từng được sử dụng vào thời Minh, phiên bản băng đô của người Trung Quốc trông rất khác của người Hàn. Wangjin của người thời Minh là một tấm lưới rộng hơn, giống như chiếc mũ, thay vì băng đô buộc ngang đầu như người Hàn thời Joseon.
Manggeon (trái) và wangjin (phải). Ảnh: Naver. |
Kim So Hyun, chuyên gia nghiên cứu về trang phục truyền thống tại Đại học Phụ nữ Baehwa, giải thích: “Manggeon của người Hàn được thiết kế để đàn ông đeo trước trán, trong khi wangjin của Trung Quốc trông giống một chiếc mũ được khoét lỗ”.
Các chuyên gia cũng đồng quan điểm việc trang phục của các vũ công trong chương trình Hoa hậu Hong Kong và bộ phim cổ trang Thiếu chủ, đi chậm thôi rất gần với hanbok truyền thống từ thời Joseon. Cách mặc váy bên dưới áo (jeogori) cũng xuất hiện lần đầu tiên dưới thời Joseon vào thế kỷ thứ XII. Họ cũng chỉ ra phần cổ áo của jeogori là đặc trưng riêng có tại Hàn Quốc và khó thấy ở Trung Quốc.