Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Trạng thái bình thường mới’, 'bán cách ly' - cuộc sống sau Covid-19

Thay đổi tâm lý lớn nhất dịch bệnh tạo ra là sự kết nối giữa người với người. Việc hỏi thăm hàng xóm, quan tâm người nghèo, nấu ăn cho bạn bè và người thân sẽ diễn ra nhiều hơn.

Zing trích dịch bài viết trên The New York Times, đề cập đến những dự đoán của các nhà khoa học về "trạng thái bình thường mới" mà con người sẽ đạt được sau khi đại dịch Covid-19 chấm dứt.

Ở thời điểm này, một yếu tố vô cùng quan trọng bên cạnh việc đối phó với dịch bệnh là định hình cuộc sống sau cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.

Những thay đổi trong cách chúng ta suy nghĩ, cư xử và kết nối với nhau bây giờ đều góp phần tạo nên “trạng thái bình thường mới”.

Các nhà xã hội học đã nghiên cứu về ảnh hưởng của dịch bệnh và chủ trương giãn cách xã hội kéo dài. Theo đó, họ đưa ra một vài dự đoán về những điều mà con người cần thích nghi trong những tháng tới đây.

Trang thai binh thuong moi anh 1

Khung cảnh vắng vẻ trước Tòa thị chính Paris giữa thời dịch. Ảnh: TNYT.


Một thế giới “bán cách ly”

Nghiên cứu của đại học Harvard ước tính sẽ mất khoảng 2 năm để cho ra đời một loại vacxin đặc hiệu có thể dập tắt hoàn toàn virus corona. Cho đến khi đó, cuộc sống hàng ngày trên toàn thế giới được đảm bảo bởi nỗ lực quản lý cộng đồng của các chính phủ.

Hoạt động tụ tập đông người vẫn nên được hạn chế. Một báo cáo bởi Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, cho biết các cuộc tụ họp sau đại dịch nên có giới hạn dưới 50 người.

Điều này sẽ ngăn cản nhiều đám cưới, sự kiện thể thao hoặc các buổi hòa nhạc diễn ra. Nó cũng hạn chế mật độ di chuyển bằng phương tiện công cộng ở các thành phố lớn.

Nhiều trung tâm, phòng tập thể dục, nhà hàng, quán bar có thể phải giảm lượng khách hàng được phép phục vụ. Câu chuyện tương tự sẽ xảy ra với các khu văn phòng, nhà máy, xí nghiệp.

Trang thai binh thuong moi anh 2

Thời kỳ giãn cách xã hội, mọi người dân ưu tiên ở nhà tại São Paulo, Brazil. Ảnh: TNYT.

Ngành du lịch có khả năng bị hạn chế và kiểm soát chặt chẽ. Đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm để kiểm soát sự bùng phát dịch trở lại ở tất cả các quốc gia.

Tính nghiêm ngặt trong giãn cách xã hội có thể sẽ được giảm bớt hoặc tăng cường ở mỗi địa phương sao cho phù hợp với áp lực chính trị hoặc kinh tế và số trường hợp dương tính.

Tuy vậy, nghiên cứu cũng cho rằng phần lớn quyết định thực thi giãn cách xã hội vẫn phụ thuộc vào ý thức của người dân các quốc gia.

Dù các chính phủ vẫn liên tục đưa ra những thông điệp hướng dẫn, nhưng cả nhân viên lẫn khách hàng sẽ không quay lại nếu họ tự nhận thấy điều đó là không an toàn.

Thói quen cảnh giác tránh lây nhiễm

Khi áp lực của dịch bệnh vượt quá tầm kiểm soát, hay thậm chí là cả sự hiểu biết của chúng ta thì các quy tắc chung của xã hội sẽ được thay đổi nhanh chóng.

Sim Kang, một bác sĩ tâm thần tại Viện Sức khỏe Tâm thần Singapore, nhận định: “Cuộc sống của người dân toàn cầu đã thay đổi khi đại dịch SARS bùng phát hồi 2003. Họ thay đổi thói quen, cảm giác quen thuộc, tìm sự tự do và kết nối theo cách mới hơn. Dù có không ít điều tiêu cực xảy ra như lo âu, trầm cảm, tức giận, các nhà khoa học cũng thấy rằng ý thức tự chủ và khả năng kiểm soát cũng tăng lên".

Trang thai binh thuong moi anh 3

Địa điểm chính dành cho Thế vận hội Mùa hè Olympic 2020 tại Tokyo, nay đã bị hoãn lại. Ảnh: TNYT.

Cụ thể, mọi người đã xây dựng được thói quen theo dõi lịch trình làm việc của mình, chú ý hơn đến chế độ ăn uống, vệ sinh và thường xuyên đọc tin tức hàng ngày.

Tương tự như vậy, thói quen đeo khẩu trang khi ra đường vẫn còn phổ biến ở các nước từng bị dịch SARS và MERS tấn công.

Kể cả sau khi Covid-19 đã trong tầm kiểm soát, thói quen phòng tránh dịch bệnh có thể sẽ lưu lại trong tâm trí chúng ta rất lâu về sau.

Chẳng hạn, nhiều người sẽ vẫn có phản xạ giữ khoảng cách, quan tâm tới sát trùng, giữ sạch sẽ sau khi sử dụng các dụng cụ nơi công cộng.

Sự đoàn kết trong cộng đồng

Sự thay đổi tâm lý lớn nhất mà bối cảnh khủng hoảng tạo ra có lẽ là sự kết nối tuyệt vời giữa người với người.

Một vài ví dụ điển hình phải kể đến là hỏi thăm sức khỏe hàng xóm, quan tâm và hỗ trợ người nghèo, nấu ăn cho bạn bè và người thân.

Trang thai binh thuong moi anh 4

Sự thay đổi tâm lý lớn nhất mà bối cảnh khủng hoảng tạo ra có lẽ là sự kết nối tuyệt vời giữa người với người. Ảnh: TNYT.


Tiến sĩ Sim cho biết, trong đại dịch SARS, mọi người đã chăm sóc cho nhau theo những cách mà trước đây họ chưa từng làm. Điều này đang một lần nữa lặp lại, ngay cả ở Singapore, một thành phố nổi tiếng với tinh thần cạnh tranh và sự độc lập.

Dipali Mukhopadhyay, một nhà khoa học chính trị của Đại học Columbia, là người nghiên cứu cách các cộng đồng đối phó với các cuộc xung đột. Cô nói rằng khi khủng hoảng nổ ra, con người sẽ tự thiết lập tính đoàn kết ở mức độ cao thông qua những cách khác nhau.

Tiến sĩ trẻ cho hay, cô đang nhìn thấy ở New York, các khu phố đang thiết lập lại các tổ chức tình nguyện hỗ trợ cộng đồng.

Điều này cho thấy mọi người, theo bản năng, đang chuyển sang đề cao lợi ích tập thể so với lợi ích cá nhân.

Trang thai binh thuong moi anh 5

Người dân Munich (Đức) đã quen với việc giữ khoảng cách an toàn khi ra đường. Ảnh: TNYT.

Dần chấp nhận thực tế và khắc phục

Trong giai đoạn đầu tiên của dịch bệnh, mọi người thường cảm thấy bị giằng xé giữa việc muốn chống lại thực tế hoặc thích nghi với nó.

Họ có thể dằn vặt bản thân khi cố gắng duy trì nhịp sống trước đây hoặc đếm ngược từng ngày để trở lại cuộc sống bình thường.

Sự tự do chỉ đến thông qua việc chấp nhận thực tế khắc nghiệt và tập thích nghi với nó.

Điều đó có nghĩa là đừng nên lên kế hoạch cho các sự kiện như buổi hòa nhạc hoặc đám cưới vội, nếu bạn không muốn tự mang lại niềm thất vọng. Du lịch, cơ hội kinh doanh, thậm chí các mối quan hệ có thể phát triển theo hướng ngắn hạn hơn.

Tổn thương tâm lý sau khủng hoảng có thể được biểu hiện qua nhiều cách khác nhau.

Tuy vậy, bài báo khẳng định rằng sau cùng, chúng ta có khả năng thích nghi với mọi tình huống.

“Cho dù nó tệ đến đâu, bạn cũng sẽ thích nghi được. Con người có bản năng sinh tồn mạnh mẽ để sống tốt trong những điều kiện thử thách nhất”, Dipali Mukhopadhyay nói.

10 khoảnh khắc lấy đi nước mắt của người dân khắp thế giới mùa dịch

Nhân viên y tế bật khóc khi từ biệt đồng nghiệp qua đời vì Covid-19 hay người cha chỉ dám gặp con gái qua cửa kính là những hình ảnh khiến người xem xúc động.

Ánh Nguyệt

Bạn có thể quan tâm