Khoảng một tuần trước, các quan chức tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc tuyên bố: "Việc đàn ông nông thôn già đi nhưng chưa lập gia đình không còn là câu chuyện cá nhân mà đã trở thành vấn đề toàn xã hội".
Họ cũng cho biết đang làm nhiều biện pháp để "khuyến khích phụ nữ trẻ ở lại quê hương của mình".
Thậm chí, trang tạp chí của địa phương còn xuất bản bài viết tuyên truyền với tiêu đề "Mang lại hơi ấm trên giường ngủ cho những người đàn ông có tuổi ở nông thôn là một việc làm cần thiết", theo Sixth Tone.
Người dân nông thôn mang theo những chiếc mền màu đỏ trong lễ cưới ở huyện Zhashui, tỉnh Thiểm Tây vào tháng 4/2019. Ảnh: People Visual. |
Bài báo nêu trên đã vướng sự phản đối kịch liệt của không ít độc giả tại Trung Quốc. Nhiều người cho rằng dường như bài viết đã làm giảm giá trị của người phụ nữ, coi họ không hơn "một vật giữ ấm trên giường".
Không những thế, từ ngữ thiếu tôn trọng của tác giả dành cho phụ nữ đã gây phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội.
"Vậy phụ nữ chỉ là máy sưởi trên giường thôi sao?", một độc giả bình luận.
Một ý kiến khác lại nhận xét nếu chính quyền quá lo lắng về "chiếc giường lạnh" thì việc lắp đặt bình nước nóng xem ra khả thi hơn so với việc áp đặt quy định cho phụ nữ.
Còn theo Sixth Tone, chính quyền tỉnh Hồ Nam đang nhìn nhận vấn đề hôn nhân tại địa phương một cách đầy định kiến.
Không quan trọng giới tính hay độ tuổi, con người không phải là công cụ phục vụ các mục tiêu chính sách. Phụ nữ không phải là người "giữ ấm giường" và nếu các nhà hoạch định chính sách xem xét vấn đề hôn nhân nông thôn qua lăng kính gia trưởng, thực dụng thay vì quan điểm của cả hai giới, họ sẽ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Một đám cưới tại ngôi làng ở Chiêu Khánh, tỉnh Quảng Đông vào ngày 29/3/2017. Ảnh: People Visual. |
Từ Luật Hôn nhân năm 1950 (đạo luật đầu tiên được Trung Quốc thông qua) cho đến Bộ luật Dân sự 2020, luật pháp đã thừa nhận quyền bình đẳng giới cùng quyền tự do kết hôn hoặc không kết hôn của người dân. Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền này còn nhiều bất cập bởi xã hội vẫn tồn tại người mang tư tưởng chế độ phụ hệ phong kiến và chú trọng đặc quyền nam giới.
Thực trạng cho thấy người trẻ Trung Quốc ngày càng ít hào hứng với hôn nhân. Đây là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt. Tuy nhiên, tỉnh Hồ Nam đã đưa ra giải pháp đi ngược lại cam kết bình đẳng trong bộ luật.
Giúp đỡ những người đàn ông nông thôn không thể đồng nghĩa việc áp đặt chính sách lên người phụ nữ.
Theo một nghiên cứu do Liên đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc công bố mới đây, gần 44% phụ nữ Trung Quốc cho biết không có ý định kết hôn hoặc "không chắc chắn" về chuyện hôn nhân trong tương lai của mình. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nam giới là gần 25%.
Những lý do được phụ nữ đưa ra chính là áp lực trong việc làm mẹ và không sẵn sàng để chung sống một người bạn đời tiêu chuẩn thấp.