Cụ thể, có đại biểu cho rằng áp dụng hình phạt tử hình đối với tội phạm ma túy, tham nhũng cũng không thể làm loại tội phạm này giảm đi. Ông Trần Văn Độ, Phó chánh án TAND Tối cao, cho rằng trong Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tử hình đối với hành vi tham ô từ 1,5 tỷ đồng trở lên nhưng thực tế thì xử lý tham nhũng được quá ít, áp dụng hình phạt tử hình càng ít hơn.
Tính nghiêm minh của pháp luật thể hiện ở chỗ, quy định của pháp luật phải được đưa ra áp dụng trên thực tế.
“Mọi hành vi tham nhũng cấu thành tội phạm phải được xử lý. Chứ không phải là quy định thật nghiêm khắc nhưng tội phạm lại ít hoặc không được đưa ra xử lý”, ông Độ nói.
Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải VN, Nguyên Cục trưởng Cục hàng hải, Bộ GTVT) bị tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản. |
Mặt khác các tội tham ô, nhận hối lộ là những tội danh mang tính chất kinh tế, có tính chất vụ lợi. Biện pháp trách nhiệm đối với tội phạm này cũng phải mang tính kinh tế, để một phần thu hồi lại tài sản bị chiếm đoạt.
Ông Độ chỉ ra hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đều không quy định hình phạt tử hình đối với tội phạm có tính chất kinh tế. Do đó, theo ông Độ, ngoài hình phạt chính nghiêm khắc cần thiết, Bộ luật Hình sự cần quy định các biện pháp cần thiết, khả thi để thu hồi lại tài sản bị chiếm đoạt hoặc nhận bất chính. Vì vậy dự thảo Bộ luật Hình sự lần này cần xem xét có nên giữ lại hình phạt tử hình hay không.
Tuy nhiên ý kiến khác cho rằng nên giữ lại hình phạt tử hình đối với tội phạm này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tính răn đe, thể hiện thái độ kiên quyết chống tham nhũng. Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng tham nhũng là quốc nạn, bởi tội phạm này không chỉ làm mất tiền bạc của Nhà nước mà còn làm đảo lộn mọi giá trị xã hội và đảo lộn trật tự trong các cơ quan Nhà nước.
Hội thảo, do Ủy ban Tư pháp Quốc hội và Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc tổ chức, sẽ tiếp tục thảo luận vào hôm nay với nội dung góp ý về Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).