Hôm 2/4, Yuyun, một nữ sinh 14 tuổi ở Indonesia, đang từ trường về nhà trên đảo Sumatra thì gặp một nhóm thanh niên. Chúng ép nữ sinh vào một khu rừng, thay phiên nhau cưỡng hiếp rồi giết nạn nhân. Hai ngày sau, người dân thấy thi thể không mặc quần áo của Yuyun với nhiều thương tích.
Công chúng sử dụng mạng xã hội để đòi công lý cho Yuyun. Ngày 25/5, Tổng thống Joko Widodo đã phản ứng với một sắc lệnh nhằm ban hành những hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những kẻ cưỡng hiếp trẻ em. Những hình phạt ấy bao gồm tử hình, "thiến của quý" bằng hóa chất và án tù 20 năm. Trước đây các tòa án chỉ phạt kẻ hiếp dâm trẻ em tối đa 15 năm tù, Economist đưa tin.
Tòa án chỉ có thể xử rất ít vụ cưỡng dâm phụ nữ ở Indonesia do những bất cập trong luật pháp. Ảnh: Jakarta Post. |
Các chính trị gia và người dân Indonesia hoan nghênh sắc lệnh của tổng thống. Nhưng một số người lại không tỏ ra hào hứng.
Hiệp hội Bác sĩ Indonesia tuyên bố biện pháp "thiến của quý" bằng hóa chất vi phạm đạo đức nghề nghiệp của họ. Ủy ban Quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ (KP) ủng hộ án tù lâu hơn, nhưng phản đối thiến và hành quyết bởi họ cho rằng đó là hành vi tra tấn. Một nghiên cứu cho thấy biện pháp trên sẽ không làm giảm nguy cơ tái phạm, mà còn khiến hắn tội phạm trở nên điên cuồng hơn.
Một bộ phận dư luận Indonesia đổ lỗi cho những nạn nhân của hành vi hiếp dâm, cho rằng họ thu hút sự chú ý của đàn ông bằng cách mặc những trang phục hở hang. Vài nạn nhân phải kết hôn với kẻ đã cưỡng hiếp họ.
Yohana Yembise - Bộ trưởng Phụ nữ và Trẻ em Indonesia, cho rằng cha mẹ của Yuyun cũng có lỗi trong vụ án mạng, bởi lẽ ra họ không nên để em về nhà một mình.
Một cuộc biểu tình phản đối tình trạng hiếp dâm phụ nữ tại thành phố Jakarta, Indonesia hồi tháng 9/2015. Ảnh: CNN. |
Mức độ thực thi sắc lệnh "thiến của quý" của kẻ hiếp dâm trẻ em vẫn chưa rõ ràng. Người dân trình báo phần lớn vụ cưỡng dâm tới cảnh sát. Nhưng tòa án chỉ xét xử vài vụ và rất ít vụ dẫn tới án tù.
Hiện tại luật Indonesia quy định cưỡng dâm là hành vi giao hợp cưỡng bức giữa hai bộ phận sinh dục khác giới. Vì thế, để tòa án có thể xét xử một vụ hiếp dâm, cảnh sát phải cung cấp bằng chứng y khoa về tinh trùng và lời khai của hai nhân chứng.
Mặc dù vậy, Kartika Jahja, một ca sĩ và là người phát động phong trào “Thắp nến cho Yuyun” trên mạng xã hội và giới truyền thông, cho rằng ít nhất sắc lệnh của tổng thống khiến bạo lực tình dục trở thành một đề tài chính thống trong các cuộc nói chuyện. Những người đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ muốn nhân cơ hội để vận động Quốc hội thông qua một dự luật chống bạo lực tình dục với định nghĩa rộng hơn về cưỡng dâm.
Dự luật mới sẽ mang tới sự hỗ trợ lớn cho các nạn nhân. Song nhiều người lo ngại sắc lệnh của tổng thống có thể khiến tình hình tồi tệ hơn. Andy Yentriyani, một nhà hoạt động xã hội, cảnh báo rằng rất có thể sắc lệnh sẽ khiến nhiều nghị sĩ cảm thấy việc chống hiếp dâm trẻ em đã hoàn thành và Quốc hội không cần thảo luận về bạo lực tình dục nữa.