Mới đây, trên mạng xã hội, hình ảnh chụp trang sách Thực hành kỹ năng sống khiến dư luận xôn xao.
"Hàng ngày ngoài giờ học, Nam thường sang nhà hàng xóm chơi với các bạn và đợi mẹ đi làm về. Anh Dũng, con bác hàng xóm rất hay bày trò cho Nam và các bạn chơi. Nam rất quý anh Dũng. Một hôm, chỉ có hai anh em ở nhà. Dũng nói muốn chơi một trò chơi. Dũng muốn Nam sờ vào chỗ kín của anh ta còn anh ta sẽ sờ vào chỗ kín của Nam. Dũng nói đây sẽ là một bí mật đặc biệt giữa hai người".
Đây là tình huống trong cuốn sách Bài tập thực hành kỹ năng sống do Lưu Thu Thủy (chủ biên) và Trần Thị Thái Hà, Đào Văn Vi đồng tác giả biên soạn; Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm ấn hành.
Ngoài tình huống số 2 này, trong sách có bài bài tập ứng xử cần thiết khi học sinh cảm thấy sợ hãi do có người muốn đụng chạm hay xâm hại tình dục.
Tình huống "sờ vào vùng kín" trong cuốn sách nhận được nhiều ý kiến bình luận. Chị Nguyễn Phương - một phụ huynh tại Hà Nội - chia sẻ quan điểm, câu chuyện xung quanh chuyện dạy trẻ kỹ năng sống trong đó có việc bảo vệ mình khỏi xâm hại tình dục có thể còn lạ lẫm ở ta, nhưng lại là kĩ năng quen thuộc ở nhiều quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản... Việc dạy những kỹ năng này vào sách là cần thiết đối với bậc tiểu học, có thể là sớm hơn. Tuy nhiên, cần có cách diễn đạt để giúp trẻ hiểu được nội dung mà không kích thích trí tò mò. Điều này phụ thuộc cách sử dụng từ linh hoạt mà tinh tế.
Trang sách được cộng đồng mạng lan tỏa. |
Là người mẹ, chị Phương cho biết, cần dạy con ý thức rằng trên cơ thể có những "điểm kín" mà không ai được phép đụng chạm vào, trừ người thân khi vệ sinh cho con. Nếu có ai chạm vào, nhất là khi không có người khác bên cạnh, là hành vi xấu chứ không phải thể hiện tình yêu thương; cần phản đối một cách kiên quyết.
“Ở góc độ phụ huynh, tôi cho rằng, tình huống trong sách dẫn chứng chưa thực sự uyển chuyển về mặt ngôn ngữ” – chị Phương nói và nhận định, có thể nguy hiểm hơn nếu trẻ vì tò mò mà bày tình huống này thành trò chơi.
Trong khi đó, phụ huynh Phạm Tâm nêu: "Nếu dạy thực hành kỹ năng sống thì phải đưa những tình huống cụ thể vào sách. Tôi đồng tình với cách viết sách như thế này, chúng ta không nên lảng tránh".
Không phải cái gì cũng mang vào sách
Cô Thùy Linh – giáo viên tiểu học tại Hải Dương chia sẻ: “Tình huống này bất ổn. Bình thường, chúng tôi cũng dạy cách học sinh bảo vệ thân thể khỏi bị xâm hại nhưng không kể chuyện như thế này. Tôi thường nhắc nhở học sinh theo cách đơn giản: Không chỉ các bạn gái dễ bị lợi dụng mà có thể cả bạn nam. Vì vậy, khi đi tắm ở bể bơi hay thay đồ ở những nơi công cộng, các con chú ý không cho người khác động chạm vào người. Nếu xảy ra, các con nhớ hét lên”.
Tranh vẽ minh họa của Bùi Quang Tân. |
Cô giáo tiểu học này cho biết, tình huống tâm lý trước tiên phải phù hợp trẻ tiểu học, các em còn rất ngây thơ. Trong cuốn sách này, đọc lên còn thấy sạn, trẻ con sẽ như thế nào?
“Chúng ta chỉ nên nhắc nhở chung, không nên dùng câu chuyện quá cụ thể như vậy để dạy học trò” – cô Linh chia sẻ.
TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội nói, không nên đưa tất cả những tình huống về giới tính ra mổ xẻ. Điều này sẽ mang lại hiệu quả giáo dục không cao. Trẻ em có thể gặp hàng ngàn tình huống khác nhau trong cuộc sống, mổ xẻ hết các con sẽ không thể nhớ được mà xử lý. Với giáo dục giới tính, tốt nhất là nên dạy trẻ nguyên tắc để tự ứng dụng một cách sáng tạo trong các tình huống cụ thể.
Liên quan vấn đề trên, ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin, ông đã trực tiếp kiểm tra vụ việc.
NXB Đại học Sư phạm cho biết, theo một nguồn thống kê có 95% dư luận phụ huynh cho rằng cách viết của sách không vấn đề gì. NXB sẽ sắp xếp trả lời PV sau.