“Ai là triệu phú” là game show hấp dẫn của VTV3 vào mỗi tối thứ 3 hàng tuần và được cho là “gừng càng già càng cay” khi đứng vững trong lòng người xem nhờ tính trí tuệ và gay cấn.
Trong chương trình tối 9/9, cô gái Trần Trúc Anh mất 12 triệu đồng và dừng lại ở câu hỏi số 9 với nội dung: “Định lý Vi-et được áp dụng trong lĩnh vực nào?”.
Điều gây tranh cãi là 2 trong số 3 sinh viên trả lời câu hỏi đến từ ĐH Ngoại thương, Học viện Ngân hàng... những trường đầu vào là các thí sinh học khối A, D – đều sai khi trợ giúp cho câu hỏi này. Bên cạnh ý kiến phê bình về trình độ của các sinh viên thuộc tổ tư vấn tại chỗ, một số khán giả lại băn khoăn, phải chăng do câu hỏi không rõ ràng nên người trả lời đã bị nhầm lẫn. Câu hỏi đúng hay sai?Bạn Dũng Trí phân tích, câu hỏi là "Định lý Vi-et được áp dụng trong lĩnh vực nào?", nghĩa là đang hỏi ứng dụng của định lý này, chứ không phải xuất xứ của định lý.
“Vi-et là định lý của toán học về nghiệm của phương trình bậc hai. Nó được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực như vật lý - dùng để giải các bài toán công suất mạch xoay chiều - hay hoá học, địa chất... Như vậy, câu hỏi của chương trình sẽ có hơn một đáp án đúng, vì định lý này được áp dụng trong cả ba môn: toán, lý, hoá”, Trí chia sẻ.
Theo anh, câu hỏi nên được sửa lại là: "Định lý Vi-et xuất phát từ lĩnh vực nào? " hoặc "Định lý Vi-et thuộc về lĩnh vực nào?" sẽ chính xác hơn cho một chương trình truyền hình quốc gia.
Ý kiến này nhận được hơn 700 lượt like ủng hộ của các độc giả khác. Một bạn tên Chiến tỏ sự đồng tình: "Xuất phát từ toán học nhưng 'áp dụng' thuộc lĩnh vực tự nhiên. Toán chỉ là công cụ và vật lý sử dụng nó để tính. Nhưng khi nhìn qua mà không suy nghĩ sẽ nói ngay là toán học, còn suy nghĩ đắn đo rồi thì sẽ chọn là khoa học tự nhiên..."
Nhiều người cho rằng câu hỏi về định lý Vi-et mâu thuẫn từ nội dung. Ảnh: Khám phá |
Tuy nhiên, suy nghĩ này bị phản bác bởi nhiều người, bởi dù áp dụng định lý này vào các lĩnh vực vật lý, hóa học nhưng bản chất Vi-et vẫn thuộc toán học.
Bằng hiểu biết của mình, Văn Sơn gửi bình luận khá dài, phân tích rằng định lý Vi-et phát biểu về mối quan hệ giữa tổng và tích hai nghiệm phương trình bậc hai với các hệ số của chúng trong toán học. Và khi áp dụng Vi-et vào vật lý hay hóa học thì phải toán học hóa các phương trình vật lý, phương trình hóa học đó. Tức là phải chuyển đổi phương trình vật lý, phương trình hóa học đó thành phương trình toán học, sau đó dùng Vi-et để giải quyết chúng.
“Giải quyết xong rồi lại chuyển đổi về các phương trình vật lý hay hóa học ban đầu để lấy kết quả cuối cùng. Công đoạn đó là áp dụng toán học vào vật lý hoặc hóa học để giải quyết vấn đề”, Sơn biện luận.
Chung nhận định, Duy Anh cho hay, vật lý cũng như rất nhiều môn tự nhiên, các kiến thức của môn đó chỉ giúp xác định mối liên hệ giữa các dữ kiện, chẳng hạn lập được phương trình nhưng giải phương trình thế nào thì lại phải nhờ vào toán học. Vì thế đáp án “Toán học” mới chính xác. Duy Anh nhận định thêm: “Điều đáng nói ở đây là chúng ta chỉ học vẹt, không hiểu bản chất của vấn đề!”
Không chắc chắn thì đừng trả lời
Rất nhiều khán giả chương trình thắc mắc vì không hiểu sao cả ba sinh viên đều cùng trả lời sai câu này - một kiến thức từ thời phổ thông mà các em học sinh lớp 9, lớp 10 đều có thể trả lời đúng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người thông cảm cho việc quên kiến thức, nhất là với lối học theo cách "trả bài" như hiện nay.
Bạn Phan thể hiện quan điểm về cách học chỉ mang tính đối phó của học trò: "Ở Việt Nam, tất cả học trò đều rất rành khái niệm 'trả bài'. Trả bài là sao? Là đứng lên trước lớp đọc lại vanh vách những gì thầy cô đã dạy, nhưng do dạy một cách 'vẹt hóa' nên sau khi 'trả bài' thì học trò cũng quên ráo luôn. Đến cuối năm thì toàn bộ bài của cả năm đem trả lại cho thầy cô hết, chẳng ai còn nhớ đã học thuộc lòng những thứ gì".
Nhận mình là người học khá giỏi môn toán, thi đại học được 9 điểm toán nhưng Nam Nguyễn vẫn thú nhận là mình không nhớ định lý Vi-et áp dụng cho môn nào, và chỉ nhớ mang máng là môn toán: “Mình chỉ nhớ giải phương trình bậc 2 cách tính delta và tính nghiệm chứ không nhớ đó chính là định lý Vi-ét”.
Điều mọi người trách các bạn sinh viên này là dù không chắc chắn về đáp án nhưng vẫn giơ tay xin trợ giúp. Và vì tin tưởng vào đáp án mà cả 3 bạn cùng trả lời, Trúc Anh đã không lựa chọn phần trợ giúp khác mà lấy đó làm câu trả lời cuối cùng.
“Các bạn không biết mà nói càn, để người khác phải lãnh hậu quả từ sai lầm của mình”, Nguyễn Quân bức xúc.
MC Lại Văn Sâm đã nói rất rõ: “Ai biết thì giơ tay”, vì vậy, nhiều người không đồng tình khi các bạn sinh viên muốn thể hiện sự hiểu biết nhưng lại lộ ra lỗ hổng kiến thức của mình.
MC Lại Văn Sâm cho rằng nhiều trường hợp tổ tư vấn trả lời sai. (Ảnh: Khám phá) |
Thanh Phước tiếc nuối cho người chơi và thể hiện sự không vui với tổ tư vấn: “Nếu các bạn không biết thì ngồi im thôi, đằng này lại giơ tay tư vấn cho người ta. Lỗi không biết thì mình không nói, mà là lỗi ở đây là không biết mà còn nói”.