"Năm nay nhiều thí sinh được cộng từ 2-3 điểm ưu tiên. Những thí sinh ở thành phố không có điểm cộng, bị đẩy xuống dù đã cố gắng từng 0,25 điểm. Chỉ 0,25 điểm thôi cũng thay đổi cuộc đời cả một con người. Như vậy, bố mẹ giàu cũng là cái tội hay sao?".
Đó là tâm sự của một học sinh về chính sách cộng điểm ưu tiên khi thi đại học, được đăng trên trang K54 FTU2 - Hỗ trợ tân sinh viên.
Theo người này, những trường hợp học sinh gặp khó khăn nên hỗ trợ, khuyến khích chứ không nên cộng điểm quá nhiều. Gần 5.000 lượt like (thích) và hàng trăm bình luận chia sẻ vấn đề này.
Hình ảnh được các thí sinh lan tỏa về cộng điểm ưu tiên. |
Chính sách cộng điểm ưu tiên được bàn luận sôi nổi sau 10 ngày các trường nhận hồ sơ xét tuyển (danh sách trúng tuyển được cập nhật ít nhất 3 ngày một lần trên website), điểm ưu tiên được thông báo công khai.
Một bạn đọc cũng gửi câu hỏi về tòa soạn Zing.vn: “Tại sao năm nay Bộ GD&DT cộng rất nhiều điểm ưu tiên? Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi cạnh tranh từng 0,25 điểm, nhưng lại có người được cộng 2-3 điểm?”.
Độc giả này cho rằng, mỗi nơi có những khó khăn riêng: "Bạn được cộng điểm vì đạp xe 20 km mỏi chân đến trường. Tôi không được cộng điểm vì phải dậy từ 5h sáng rồi sau đó đứng hai tiếng tê chân trên xe vì không có chỗ ngồi, và đón liên tục 3 chuyến xe buýt mới tới được lớp".
Bàn về cộng điểm ưu tiên cho học sinh vùng miền, đối tượng chính sách, bạn Đỗ Phúc (sinh ra ở Khánh Hòa, vào Sài Gòn học tập) chia sẻ trên một diễn đàn: “Vẫn biết sự cố gắng của cả 2 bên đều ngang nhau, nhưng công bằng mà nói, các bạn thành phố có đường đua bằng phẳng hơn. Dân tỉnh lẻ phải chạy qua ao, hồ, sông, suối, để đuổi kịp các bạn về mặt kiến thức. Họ phải bỏ công sức hơn nhiều".
Theo Phúc, giả sử điểm gốc của hai người đều là 25, nhưng học sinh thành phố được học thầy cô giỏi, môi trường tốt. Nhiều vùng nông thôn gặp rất nhiều khó khăn, phần lớn học sinh tự học suốt 12 năm phổ thông.
Phúc cho rằng, nếu không đỗ, các bạn ở thành phố lớn có thể chọn trường khác, nhưng học sinh nông thôn "chỉ còn một cách là chôn vùi tương lai bên ruộng lúa, nương rẫy". Việc cộng điểm cũng để động viên, khuyến khích và tăng cơ hội cho những học sinh này.
Đỗ Phúc đưa ra quan điểm cá nhân: Công bằng không có nghĩa ngang nhau. Mỗi đối tượng có điều kiện khác nhau sẽ được đối xử khác nhau.
Bạn Phạm Ngọc Danh nêu ý kiến, cộng điểm ưu tiên là chính sách công bằng năm nào cũng sử dụng, còn những trường hợp không xứng đáng vẫn được ưu tiên thì không thể tránh, vì áp dụng cho số đông.
Độc giả Tiến Nguyễn đưa ra quan điểm, để có quyết định này, Bộ GD&ĐT đã cân nhắc kỹ. Đây là chính sách hợp lý vì sự phát triển về văn hóa, kinh tế, xã hội của mỗi vùng miền khác nhau.
"Cộng điểm là đúng"
PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, cho rằng, cộng điểm ưu tiên là chủ trương năm nào cũng có của Bộ GD&ĐT, tại sao bây giờ các bạn mới thắc mắc?
"Theo tôi, chế độ cộng điểm ưu tiên là đúng đắn, bởi sự phát triển về văn hóa, kinh tế, xã hội của mỗi vùng khác nhau. Ở các thành phố, ai cũng được đi học và có điều kiện học tập tốt. Tuy nhiên, điều kiện học tập của học sinh nông thôn rất khó khăn...", thầy Cương nói.
Theo PGS Văn Như Cương, chính sách chế độ ưu tiên nhằm bù đắp sự thiệt thòi của học sinh. Các em học ngành y, sư phạm để sau này làm giàu cho quê hương, góp phần phát triển chung của đất nước.
Thầy Cương cũng cho rằng không thể “cào bằng” trong vấn đề này. Học sinh thành phố không nên tỵ nạnh với các bạn nông thôn, nếu không sẽ trở thành ích kỷ.
Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, chính sách ưu tiên theo khu vực được cộng tối đa 1,5 điểm, giữa mỗi khu vực ưu tiên chênh lệch 0,5 điểm đối với thang điểm 10.
Các khu vực tuyển sinh được phân chia như sau:
Khu vực 1 (KV1) gồm: Các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015 và các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015 theo quy định hiện hành.
Khu vực 2 - nông thôn (KV2-NT) gồm: Các địa phương không thuộc KV1, KV2, KV3.
Khu vực 2 (KV2) gồm: Các thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã; các huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1).
Khu vực 3 (KV3) gồm: Các quận nội thành của thành phố trực thuộc trung ương. Thí sinh thuộc KV3 không thuộc diện hưởng ưu tiên khu vực.
Ngoài ra, thí sinh có thể được cộng điểm ưu tiên theo đối tượng: Con của người có công với cách mạng, người khuyết tật nặng... Người có nhiều diện ưu tiên theo đối tượng chỉ được hưởng một diện ưu tiên cao nhất.