Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh cãi về kỷ luật nam sinh xúc phạm nhóm nhạc BTS trên mạng

Một số giáo viên cho rằng nam sinh ở TP.HCM xúc phạm nhóm nhạc BTS phải bị kỷ luật song hình thức xử lý nên nhân văn, mang tính giáo dục hơn.

N.H.M.Q., học sinh lớp 8, trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình, TP.HCM) bị kỷ luật, phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường vì lập trang anti, đăng hình ảnh, bài viết có nội dung thô tục, xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS.

Clip ghi lại cảnh nam sinh đọc lời xin lỗi trước toàn trường được chia sẻ lên nhiều diễn đàn, gây ra hai luồng ý kiến trái chiều về cách xử lý của nhà trường. Nhiều người cho rằng trường xử nghiêm để răn đe. Trong khi đó, số khác nhận xét hình thức xử lý này chưa hợp lý.

Là cú giáng mạnh vào tâm lý học sinh

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), nói ông đồng ý phải xử lý kỷ luật nam sinh vì yêu, ghét là quyền cá nhân mỗi người nhưng không được dùng ngôn từ, hình ảnh thóa mạ người khác trên mạng xã hội.

nam sinh xuc pham nhom nhac BTS anh 1
M.Q. bị đình chỉ học, hạ hạnh kiểm, phải lao động công ích và đọc kiểm điểm trước trường. Hình ảnh nam sinh đọc bản kiểm điểm và xin lỗi được quay lại và đưa lên mạng. Ảnh cắt từ clip.

Tuy nhiên, ông cho rằng hình thức bắt học sinh đọc bản kiểm điểm công khai là hơi quá và chưa có tính giáo dục cao.

Bên cạnh đó, nam sinh này bị quay clip, đăng lên Facebook, cũng là bị bêu xấu trước cộng đồng mạng. Cách xử lý của trường đã biến M.Q. thành học sinh cá biệt trong mắt bạn bè.

Việc để lộ danh tính, gương mặt em cũng có thể dẫn tới nguy hiểm nếu người quá khích xem video.

“Bắt học sinh đọc kiểm điểm trước toàn trường là giáng đòn rất mạnh vào tâm lý. Nó quá nặng với một đứa trẻ. Xem clip, tôi rất đau lòng và thương em. Nếu thần kinh yếu, trẻ có thể bỏ học hoặc làm chuyện nghiêm trọng. Do đó, trường nên giáo dục học sinh theo cách nhân văn hơn”, thầy Phú nêu quan điểm.

Ông cho rằng trong trường hợp em có hành vi ứng xử không đúng trên mạng, trường cần mời gia đình, học sinh lên nói chuyện, phân tích đúng sai để em hiểu, tự gỡ bài đăng. Việc vi phạm xảy ra trên mạng xã hội thì em đăng lời xin lỗi lên mạng, thay vì đứng đọc trước toàn thể học sinh.

Cô Trần Thị Thơm, Phó hiệu trưởng trường THPT Tenlơman (TP.HCM), cũng không đồng tình với việc xử lý nam sinh trước toàn trường. Việc xử lý kỷ luật đã có quy định, hình thức tùy quan điểm mỗi trường, song người làm giáo dục nên suy xét đến tâm lý học sinh.

Nhà trường bắt học sinh xin lỗi công khai có hai mặt. Học sinh có thể sợ, không dám tái phạm. Nhưng phương pháp này cũng tác động xấu đến tâm lý. Cá nhân cô Thơm ưu tiên hình thức xử lý nhân văn hơn, đó là mời học sinh lên nói chuyện để em thay đổi.

Trường đau đầu vì cách học sinh ứng xử trên mạng

Thực tế, N.H.M.Q. không phải học sinh duy nhất có cách ứng xử thiếu văn hóa trên mạng xã hội. Thời gian gần đây, nhiều vụ đánh nhau xảy ra do xích mích trên Facebook. Đây cũng là cơn đau đầu của thầy cô giáo. Phó hiệu trưởng trường THPT Tenlơman thừa nhận chuyện này xảy ra ở nhiều trường học với mức độ khác nhau.

“Trường nào cũng có, làm sao tránh được. Quan trọng, trường làm thế nào để các em không tái phạm hoặc học sinh biết nhắc nhở bạn, báo giáo viên khi thấy nội dung xấu. Tôi muốn lan truyền giáo dục nhân cách, đạo đức cho các em theo chiều sâu”, cô Thơm chia sẻ.

nam sinh xuc pham nhom nhac BTS anh 2
Nhiều vụ học sinh đánh nhau xảy ra vì mâu thuẫn trên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip.

Để làm được điều đó, trường Tenlơman có bộ phận trao đổi, để học sinh tự nguyện gỡ bài. Ngoài ra, sáng thứ hai hàng tuần, thầy cô chia sẻ với học sinh về tác hại từ việc cư xử không đúng mực trên mạng. Trường cũng mời chuyên gia tâm lý về nói chuyện, đồng thời nhắc nhở giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng mạng xã hội thông minh, có văn hóa.

Cô Thơm quan niệm cần thiên về giáo dục tâm lý để học sinh tâm phục khẩu phục. Các quy định nghiêm ngặt, cách xử lý cứng nhắc có thể mang lại tác dụng ngay lúc đó, nhưng về lâu dài lại không hiệu quả bằng.

Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du Huỳnh Thanh Phú cho biết trường đang xử lý 4 học sinh vì mâu thuẫn, có lời lẽ không hay với nhau trên Facebook.

Ông khẳng định việc kiểm soát mạng xã hội của học trò rất khó, đặc biệt nhiều trường hợp không để lộ danh tính. Nhà trường cần cố gắng nắm bắt kịp thời, xử lý để các em xin lỗi, xóa bài, làm hòa, không để mâu thuẫn.

“Trường có hơn 1.000 học sinh, không thể nghĩ tất cả đều tuyệt vời được. Giáo viên cần biết để ngăn chặn sự việc đi xa, nhất là khi nhiều vụ đánh lộn đã xảy ra vì mâu thuẫn trên Facebook”, ông Phú nói.

Trường Nguyễn Du chú trọng giáo dục, trang bị cho học sinh kiến thức, văn hóa ứng xử trên mạng, nhận diện đúng sai, không để bị dụ dỗ, lôi kéo. Nội dung này được truyền tải qua tiết học môn Giáo dục Công dân, các buổi trao đổi của giáo viên chủ nhiệm cùng chương trình giáo dục kỹ năng sống và việc mời chuyên gia tâm lý về trao đổi.

Ông Phú cũng trăn trở về việc dạy học môn Ngữ văn khi người học không được bồi dưỡng tâm hồn, trở nên xơ cứng, hạn chế về mặt vốn từ, dẫn đến lời nói không hay, chửi bới người khác.

“Đây là vấn đề chúng ta cần xem lại. Không dạy được các em nói lời hay là mình thua”, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du nêu quan điểm.

Ngoài ra, ông Phú cho rằng giới trẻ cũng chịu ảnh hưởng từ người lớn khi phụ huynh, giáo viên vẫn lên mạng, nói xấu nhau. Do đó, trong việc giáo dục trẻ ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội, gia đình và nhà trường cần làm gương, cố gắng, kiên trì để trẻ hiểu, không phải thấy khó mà bỏ.

Ngày 5/11, trường THCS Ngô Quyền (Tân Bình, TP.HCM) quyết định hình thức kỷ luật với nam sinh N.H.M.Q. Theo đó, em bị đình chỉ học 4 ngày, xếp hạnh kiểm từ trung bình đến yếu cho học kỳ 1, phải lao động công ích và đọc kiểm điểm trước trường.

Việc M.Q. đọc kiểm điểm được quay clip, đăng lên fanpage của trường. Thông tin kỷ luật em được nhiều diễn đàn đăng lại.

Cách xử lý của trường khiến cộng đồng mạng tranh luận gay gắt. Chiều 6/11, fanpage Trường THCS Ngô Quyền bị khóa.

Nam sinh ở TP.HCM bị kỷ luật vì xúc phạm nhóm nhạc BTS

Đại diện trường THCS Ngô Quyền (TP.HCM) cho biết một học sinh lớp 8 phải xin lỗi trước toàn trường vì đã xúc phạm nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc trên mạng xã hội.

9 cau chuyen giao duc tuan qua hinh anh

9 câu chuyện giáo dục tuần qua

0

Thầy giáo 55 tuổi làm học sinh mang bầu ở Kiên Giang bị đình chỉ công tác, kiểm tra trình độ học sinh lớp 2 "xin xuống lớp 1" là hai trong số những sự kiện đáng chú ý tuần qua.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm