Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hồng Oanh xác nhận sáng 10/9, một nhóm phụ huynh đến Sở gửi đơn kiến nghị không áp dụng chương trình Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục.
Phụ huynh lo không biết dạy con thế nào
Theo nội dung đơn kiến nghị những người này, họ không chấp nhận cho con mình học theo chương trình Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục với lý do họ không dạy và kiểm tra được con mình đã học và tiếp thu đến đâu.
Bên cạnh đó, những phụ huynh này cho rằng, họ không hỗ trợ được con mình vì không biết về phương pháp này.
Đơn kiến nghị của phụ huynh. |
Nội dung đơn kiến nghị cũng cho rằng: “Nội dung sách có quá nhiều điểm không phù hợp cho lứa tuổi cấp 1”. Đồng thời, trong đơn kiến nghị, các phụ huynh yêu cầu “phải trưng cầu ý nguyện phụ huynh để lựa chọn trương trình học cho con mình.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết Sở sẽ yêu cầu hiệu trưởng các trường tiểu học giải thích cho phụ huynh hiểu rõ.
Theo ông Oanh, chương trình này đã được Tiền Giang áp dụng 3, 4 năm rồi, không thể vì ý kiến của mấy người, đòi trở lại chương trình cũ mà thay đổi được.
Ông Oanh cũng cho biết đã đề nghị các phụ huynh này ghi lại tên trường và tên con em họ để sắp xếp gộp lại để dạy theo chương trình cũ nếu thực sự có nhu cầu.
Điểm khác trong sách Công nghệ giáo dục
Ông Nguyễn Đức Hữu - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT - cho hay học sinh lớp 1 học theo Công nghệ giáo dục sẽ được học tách âm với tiếng trên phương diện ngữ âm học. Từ đó, các em nắm chắc ngữ pháp và không viết sai.
Sau giai đoạn đánh vần, học sinh sẽ đọc thành thạo, đáp ứng được yêu cầu mục tiêu chương trình tiếng Việt. Đó là cách nhận diện trực quan, đơn giản nhất của học sinh.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Loan - Trung tâm Công nghệ Giáo dục NXB Giáo dục Việt Nam - giải thích khi học, học sinh sẽ phải học thông qua các khái niệm khoa học.
Với phương pháp học này, học sinh sẽ học cấu trúc ngữ âm của tiếng, không phải đi từ chữ rồi trở lại âm như chương trình hiện hành mà công nghệ giáo dục quan điểm đi từ âm đến chữ, tức là đi từ trừu tượng đến cụ thể. Từ khái niệm khoa học, học sinh sẽ phân tích những khái niệm đó và dần dần sẽ hiểu được cụ thể.
Lấy dẫn chứng cụ thể, bà Loan chỉ rõ: Với từ "ke" sẽ đánh vần theo âm nên tiếng “ke” đánh vần là /cờ/-/e/-/ke/. Khi học cách phát âm này, học sinh sẽ được học luôn luật chính tả là âm “cờ” đứng trước âm “e” sẽ được ghi bằng chữ “k”.
Với phần nguyên âm đôi, tiếng Việt có 3 nguyên âm đôi là “iê”, “uô” và “ươ”. Trong đó, âm /ia/ có 4 cách viết “iê”, “ia”, “yê”, “ya”; âm /uô/ có 2 cách viết “uô” và “ua”; âm /ươ/ có 2 cách viết “ươ” và “ưa”. Ví dụ tiếng “yêu” được đánh vần là /ia/-/u/-/yêu/, vần “uôi” được đánh vần là /uô/-/i/-uôi/. Đây là cách đánh vần theo âm thay vì theo chữ ghi lại như trước kia là /y/-/ê/-/u/-/yêu/ hay /u/-/ô/-/i/-/uôi/.
Thực tế, từ năm 2000, sách giáo khoa cải cách và tài liệu của GS Hồ Ngọc Đại đều dùng c, k, q để ghi cho âm "cờ". Còn trước năm 2000 vẫn đọc c với âm "cờ" khi đánh vần: ca đánh vần "cờ a ca", công đánh vần "ô ngờ ông cờ ông công", đọc k với âm "ka" khi đánh vần: keo đánh vần : "e o eo ka eo keo", không đọc q với âm nào mà gọi tên là "quy" hay "cu" chỉ đọc khi viết qu với âm "quờ", khi đánh vần: quý đánh vần "quờ y quy sắc quý".
Ưu, nhược điểm tài liệu Công nghệ giáo dục
Nói về ưu điểm của tài liệu T iếng Việt 1 này, ông Nguyễn Đức Hữu đánh giá là thiên dạy về ngữ âm. Quá trình dạy học chú trọng dạy cả chữ và ngữ âm. Nhất là trong việc dạy học sinh đánh vần theo cách học vừa rồi có thể thấy, học sinh nắm rất chắc về ngữ âm và biết cách viết.
Đối học sinh lớp 1, chúng ta đừng quan niệm dạy ngữ âm học là một điều gì đó lớn lao quá và quả thực khi lên đại học, nhiều sinh viên học những môn ngữ âm ấy cũng có thể gặp phải những khó khăn.
Nhưng với những học sinh lớp 1, học theo kiến thức trong bộ tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục là tách âm ra với tiếng và dạy trên phương diện ngữ âm học.
Ví dụ trong chuỗi lời nói: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”, trong tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đã tách ra thành tiếng để học sinh nhận diện được trong chuỗi lời nói có bao nhiêu âm tiết, hay nói khác đi là nói có bao nhiêu tiếng.
Trên cơ sở đó, học sinh nắm chắc ngữ pháp và viết không bị sai. Sau giai đoạn đọc vần, học sinh sẽ đọc thành thạo, đáp ứng được yêu cầu mục tiêu chương trình tiếng Việt.
“Tôi nghĩ, đây là cách dạy cho học sinh cách nhận diện trực quan nhất, đơn giản nhất chứ không như một số ý kiến nói rằng, nó quá khó cho học sinh, nhất là với học sinh lớp 1. Đây cũng là một trong các ưu điểm của tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục” - ông Hữu cho biết.
“Còn đối với điểm hạn chế, trước khi thẩm định, trong tài liệu Tiếng Việt Công nghệ giáo dục có những từ ngữ khó hiểu cho học sinh hay những bài tập đọc khá dài, Hội đồng thẩm định đã yêu cầu khắc phục. Tôi cũng rất hy vọng tài liệu này trong năm học 2018-2019 đến được với các trường tiểu học hết sức nhẹ nhàng và thoải mái” - ông Hữu nói.