Năm 21 tuổi, theo lời rủ rê của bạn bè, Supin đến lập nghiệp ở Pattaya. Trước khi tới đây, cô từng làm bồi bàn trong nhà hàng ở Bangkok. Tuy nhiên, do đồng lương ít ỏi không đủ giúp Supin trang trải sinh hoạt phí và phụ giúp gia đình.
Số phận các cô gái trong "lồng kính"
Gánh nặng trụ cột gia đình đè nặng trên vai, Supin đồng ý với lời đề nghị công việc ở Pattaya từ một người bạn. “Ban đầu, tôi làm việc trong quán bar. Lúc đó, tôi chỉ phục vụ đồ uống. Dần dần, có vài người ngỏ ý muốn tôi giúp họ "vui vẻ". Lần đầu kiếm được 58 USD/ngày, tôi nhận ra công việc này có thể nuôi sống tôi và gia đình”, Supin chia sẻ về những ngày bắt đầu dấn thân với nghề.
Nhà hoạt động xã hội Thanadda "Ning" Swangnetr, người từng có quá khứ lầm lỡ trong nhà chứa, khẳng định gánh nặng tài chính đẩy cô vào con đường mại dâm.
Cuộc sống nhộn nhịp về đêm ở các khu phố này thu hút nhiều du khách.
Ảnh: Getty.
|
“Tôi đã mang thai ngoài ý muốn và cần rất nhiều tiền để nuôi con. Tuy nhiên, do không có bằng cấp trong tay, tôi chỉ còn biết làm công việc phục vụ đồ uống tại quán bar ở Pattaya”, Ning nói.
“Ban đầu, tôi bị giam trong nhà kính. Khách hàng thoải mái lựa chọn gái mại dâm như những món hàng. Tôi không được ‘lọt vào mắt xanh’ trong một tuần liền và từng nghĩ rằng công việc này không phù hợp với mình. Tuy nhiên, sau đó một hướng dẫn viên du lịch đề nghị tôi phục vụ anh ta và trả 115 USD, đó là khoản tiền rất lớn vào năm 1985", Ning tâm sự.
Ning nói rằng đồng tiền đã làm mờ mắt cô. Do cần tiền gửi về cho gia đình, phục vụ những thú vui tiêu khiển của bản thân như mua sắm, đi vũ trường và tận hưởng cuộc sống theo cách của riêng mình nên cô chấp nhận làm việc đó.
Họ kiếm đâu con số 27.000 lao động tình dục?
The Sun và Daily Mail, 2 tờ báo của Anh, gần đây đăng tải bài viết liên quan đến Pattaya. Họ cho rằng nơi đây là “thủ phủ mại dâm của thế giới” và “Sodom và Gomorrah thời hiện đại”. Điều này làm dấy lên sự phẫn nộ trong giới chức Thái Lan, đặc biệt là Thủ tướng Prayut Chan O - cha. Ông đã kêu gọi đàn áp thẳng tay các cơ sở mại dâm trái phép ở Pattaya, coi đây là nỗi nhục với đất nước chùa Vàng.
Ngày 21/2, giới chức thành phố Pattaya tổ chức họp báo về chính sách mới, Pattaya Happy Zone (Khu sung sướng Pattaya), với mục đích mọi hoạt động mại dâm trong khu vực này đều nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền địa phương.
Theo chính sách đó, Pattaya Happy Zone nằm trong con phố đi bộ tai tiếng, ồn ào, đảm bảo an ninh trật tự và sự an toàn cho khách du lịch.
Pol Col Apichai Krobpetch, sĩ quan cảnh sát thành phố, khẳng định Pattaya không phải là trung tâm thương mại tình dục như một số tờ báo Anh phản ánh và đó là những thông tin bịa đặt. "Không có nhiều gái mại dâm ở Pattaya đến vậy. Họ kiếm đâu được con số 27.000 lao động tình dục. Phụ nữ Thái quan hệ tình dục với khách nước ngoài là vấn đề cá nhân. Tôi có thể đảm bảo rằng Pattaya vẫn là một địa điểm du lịch thu hút và tin cậy”, ông cho hay.
Nạn hối lộ
Trong khi đó, nhà hoạt động xã hội Surang Janyam, Giám đốc Tổ chức hỗ trợ y tế và đào tạo nghề cho gái mại dâm (SWING), cho rằng cần chấp nhận sự thật rằng nạn mại dâm phổ biến và công khai ở Thái Lan. Xã hội nên làm quen với việc lao động tình dục là một phần của xã hội và họ cũng là những người có nhân phẩm, tự trọng.
“Chúng ta không thể khuất mắt trông coi và vờ nghĩ rằng Thái Lan không có nạn mại dâm. Con số ước tính được công bố trên tờ Daily Mirror là hoàn toàn không chính xác. 27.000 công nhân tình dục đang hành nghề ở Pattaya là quá thấp. Con số thực tế cao hơn rất nhiều”, Surang chia sẻ.
Cô nói: “Xóa bỏ nạn mại dâm sẽ không giải quyết tận gốc được vấn đề khi chính phủ không có bất kỳ động thái thích đáng để cải thiện tình hình kinh tế đang dần đi xuống, buộc nhiều cô gái phải bán thân để trang trải cuộc sống".
Hiện, Pattaya có 27.000 gái mại dâm, 1.000 quán bar, hộp đêm, phòng massage cùng vô vàn những nhà chứa bất hợp pháp. Ảnh: Mirror.
|
Giám đốc tổ chức Empower, Chantawipa Apisuk, người đã nghiên cứu về vấn đề này trong suốt 30 năm, cho rằng đã có nhiều nỗ lực để giải quyết tình trạng mại dâm nhưng đều vô ích. Bà đưa ra giả thuyết rằng thay vì thủ tiêu ngành thương mại tình dục, chính phủ nên giúp đỡ, hỗ trợ gái "bán hoa". Trong khi mại dâm vẫn là vấn đề chưa đi tới hồi kết, bà Chantawipa lo ngại sẽ còn nhiều trở ngại phía sau.
“Mại dâm Thái Lan là hình ảnh phản chiếu của nạn hối lộ. Chủ nhà chứa sẽ phải đút lót cho cảnh sát để bôi trơn cho các hoạt động phi pháp. Nếu mại dâm được công nhận hợp pháp, liệu cảnh sát sẽ “làm tiền” bằng những thủ đoạn gì khác nữa? Đừng quên đó là một phần lớn thu nhập của chúng ta cũng bắt nguồn từ loại hình kinh doanh này”, Chantawipa nhận định.
Ning hoàn toàn đồng ý với việc hợp pháp hóa mại dâm nhưng mối quan tâm lớn nhất của cô là lao động tình dục sẽ được gán mác và thậm chí bị bêu rếu.
“Người Thái có cái nhìn tiêu cực với công việc này. Tôi có nhiều người bạn vẫn làm gái "bán hoa". Họ bị lạm dụng, thậm chí, thiệt mạng vì bị đánh đập. Họ cũng sợ khi phải báo cáo với cảnh sát bởi những việc làm đều phi pháp. Dù làm bất kỳ ngành nghề nào, những cô gái đó nên được pháp luật bảo vệ”, Ning chia sẻ.