Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh chấp đường kẻ sọc giữa adidas và Thom Browne

adidas kiện Thom Browne vì chi tiết kẻ sọc. Thương hiệu thể thao không lường trước được cách nhà mốt Mỹ sử dụng mẫu họa tiết này.

Họa tiết 3 đường kẻ sọc trở thành yếu tố đặc trưng của adidas. Ảnh: adidas.

Vogue Business đưa tin đại diện của adidas và Thom Browne xuất hiện tại tòa án Manhattan vào ngày 3/1 để giải quyết vụ kiện liên quan đến họa tiết kẻ sọc.

adidas yêu cầu Thom Browne bồi thường hơn 860.000 USD. Bên cạnh đó, thương hiệu Đức đòi thêm 7 triệu USD - số tiền thương hiệu này cho rằng tương đương với lợi nhuận nhà mốt Mỹ kiếm được từ việc kinh doanh sản phẩm kẻ sọc.

Ai sở hữu đường kẻ sọc?

Tại tòa án, luật sư của adidas cáo buộc Thom Browne bắt chước chi tiết kẻ sọc. Họ chỉ ra rằng những đường kẻ sọc giống nhau đến mức người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn sản phẩm của 2 thương hiệu.

Trong khi đó, đại diện nhà mốt Mỹ nhấn mạnh người mua không bị nhầm lẫn. Thom Browne có đối tượng khách hàng khác biệt hoàn toàn với adidas.

adidas kien Thom Browne anh 1

Thom Browne vướng phải vụ kiện với adidas liên quan đến việc sử dụng họa tiết kẻ sọc. Ảnh: GQ.

Năm 1949, adidas lần đầu sử dụng họa tiết 3 sọc trên một đôi giày chạy bộ. Đến năm 1952, sản phẩm có chi tiết này xuất hiện ở Mỹ. Nhà thiết kế Thom Browne coi trang phục thể thao của trường đại học ở Mỹ thành nguồn cảm hứng.

Đơn kiện được nộp vào tháng 6/2021. Nhãn hàng Đức sử dụng độc quyền chi tiết kẻ sọc trên giày dép từ năm 1952, quần áo vào 1967. Hãng đã giải quyết tranh chấp liên quan đến họa tiết này với Skechers, Juicy Couture và Marc Jacobs.

Năm 2005, Thom Browne ra mắt sản phẩm có chi tiết 3 sọc. Thương hiệu Mỹ đồng ý ngừng sử dụng họa tiết khi adidas liên hệ vào năm 2007. Sau đó, Thom Browne tung ra thiết kế có 4 đường sọc, để không vướng phải các cuộc chiến pháp lý với nhãn hiệu thể thao.

Luật sư Robert T Maldonado, bên phía Thom Browne, cho biết thương hiệu thời trang xa xỉ đã đồng ý thay đổi họa tiết 3 sọc thành 4 đường kẻ vào năm 2007. Tuy nhiên, đến năm 2008, nhãn hiệu thể thao mới tiếp cận nhà mốt Mỹ để giải quyết.

Khoảng thời gian dài giữa các lần khiếu nại tạo cơ sở cho sự bào chữa của luật sư phía Thom Browne. "Thom Browne không đồng ý việc trì hoãn, kéo dài cả thập kỷ", ông Maldonado nói.

Việc thêm sọc đã xảy ra trước đó

Họa tiết 3 sọc đặc trưng trên giày của adidas có nguồn gốc từ 2 đường kẻ được khâu 2 bên mẫu phụ kiện, theo L'Officiel. Các sọc đảm bảo cấu trúc giày và tượng trưng cho sự song hành của 2 anh em Dassler Adolf và Rudolf.

Cuộc tranh cãi dữ dội dẫn đến sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa 2 anh em. Năm 1948, Rudolf thành lập Puma. Một năm sau, adidas ra đời.

Adolf Dassler muốn giữ chi tiết sọc như yếu tố đặc biệt trong biểu tượng của adidas. Tuy nhiên, ông không được phép sử dụng đặc trưng của thương hiệu gia đình. Vì vậy, vị doanh nhân quyết định thêm sọc thứ ba.

adidas kien Thom Browne anh 2

adidas từng liên hệ với Thom Browne về việc sử dụng họa tiết kẻ sọc vào năm 2007. Ảnh: Hypebeast.

Ý tưởng của Adolf Dassler đã được thương hiệu thể thao Phần Lan - Karhu - sử dụng trong các thiết kế. Vì vậy, ông quyết định mua bản quyền họa tiết từ Karhu.

Trong khi những đường kẻ sọc trở thành yếu tố đặc trưng trên giày, quần áo thể thao của adidas, họa tiết này được Thom Browne sử dụng để tạo điểm nhấn cho các bộ suit, áo phông, áo phao...

Thom Browne được thành lập vào năm 2003 bởi nhà thiết kế cùng tên. Các sản phẩm của nhà mốt Mỹ có mức giá đắt đỏ. Họ hướng đến nhóm đối tượng khách hàng có điều kiện tài chính, những người đam mê thời trang cao cấp.

Chưa rõ kết quả

Jeff Trexler, phó giám đốc tại Viện Luật Thời trang, chỉ ra rằng: "Theo cách bên phía adidas giải thích, sau khi Thom Browne đồng ý không sử dụng chi tiết 3 sọc, thương hiệu Đức không lường trước được việc nhà mốt Mỹ sẽ chuyển sang 4 đường kẻ".

Trexler đồng ý với quan điểm của Thom Browne về việc hai thương hiệu hướng đến đối tượng khách hàng khác nhau.

"Thom Browne là thương hiệu xa xỉ, không bán quần áo theo phong cách năng động", Jeff Trexler nói. Ông nhận thấy sự phủ sóng của dòng sản phẩm đồ thể thao từ Thom Browne đã dẫn đến vụ kiện.

Việc 2 thương hiệu không phải đối thủ cạnh tranh trực tiếp được các bên đồng ý. Luật sư phía adidas cho biết công ty Đức chưa tiếp cận Thom Browne vì họ không coi nhãn hàng Mỹ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Tuy nhiên, vấn đề trở nên nghiêm trọng vì Thom Browne lấn sân sang lĩnh vực trang phục thể thao.

"Xét từ các vụ kiện đã có trước đó, nguyên đơn với nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được ủng hộ hơn một logo tương tự xuất hiện sau đó", Trexler nói.

Ông cho rằng việc adidas tiếp cận Thom Browne về vấn đề sử dụng họa tiết 3 sọc không giúp ích gì nhiều trong vụ kiện. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc adidas tự động giành chiến thắng.

Trexler khẳng định: "Thom Browne là nhà thiết kế lâu đời trong lĩnh vực sang trọng, không phải là thương hiệu thời trang nhanh hay bên chuyên làm hàng giả". Yếu tố này có thể ảnh hưởng đến phán quyết.

Adidas kiện Thom Browne

Nhà mốt Thom Browne vướng vào vụ kiện với adidas liên quan đến việc sử dụng họa tiết kẻ sọc. Thương hiệu thể thao đòi bồi thường hơn 860.000 USD.

Kylie Jenner, Miley Cyrus mặc gợi cảm dịp năm mới

Kylie và Kendall Jenner đón năm mới cùng vợ chồng Justin Bieber. Trong khi đó, Miley Cyrus ăn diện gợi cảm trong đêm nhạc chào năm mới.

Thời trang sao Việt năm 2023 tiếp tục gợi cảm và hoài cổ

Trong năm 2023, phong cách gợi cảm nhưng nữ tính được các nhà thiết kế, stylist ưa chuộng. Kiểu trang phục này nhiều khả năng sẽ đồng hành cùng nhiều sao Việt.

Sách hay dành cho các tín đồ thời trang

Thanh lịch kiểu Pháp là một trong ba tác phẩm đình đám về chủ đề phong cách Pháp - Parisian Chic. Quỷ cái vận đồ Prada mang lại cái nhìn cận cảnh vào thế giới của tạp chí và thời trang. Dress Code đưa ra những cách kết hợp thường ngày cho những bộ trang phục bình dị.

Giai Kỳ

Bạn có thể quan tâm