Hàng trăm thanh niên lao vào giằng quả bông may mắn tại lễ hội làng Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) dẫn tới nhiều hình ảnh hỗn loạn, không đẹp, chiều 3/3.
|
Chiều 3/3 (mùng 6/2 âm lịch), hội làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) với tục giằng bông diễn ra. Hàng nghìn người đã đổ về tham dự.
|
|
Cây bông dài 1,2 m là vật thiêng chính của lễ hội, được tuyển chọn từ thân cây tre giữa khóm, không kiến, không muội, đủ ngọn, lá và đứng thẳng. |
|
Nghi lễ giằng bông gây chú ý nhất nhưng nhiều năm nay đã bị biến tướng và trở thành cuộc tranh giành đến mức bạo lực. |
|
Trên khoảng sân đình rộng chưa đầy 500 m2, hàng trăm thanh niên bao vây để giằng. Họ quan niệm rằng những ai đoạt hoặc chạm vào cây bông sẽ sinh quý tử và là niềm tự hào của làng xóm, gia đình. |
|
Đó là lý do nhiều người quyết liệt lao vào tranh giành. |
|
Nhiều tiếng chửi tục văng ra, có thanh niên bị ăn quả đấm, hoặc cái tát dọa dẫm. |
|
Cán bộ xã, dân phòng và thành viên ban tổ chức lễ hội phải nhảy vào can thiệp nhưng không ngăn nổi những "cái đầu nóng". |
|
Và người của lực lượng an ninh cũng bị chống đối. |
|
Có người bị vật ngửa cổ ra. Một người dân cho biết có nhiều nhóm thanh niên xóm này làng kia không thích nhau lợi dụng ngày này để chọc ngoáy và chơi đểu nhau. |
|
"Cũng không hẳn vì cây bông may mắn mà họ phải giẫm đạp bạo lực như vậy", anh nói.
|
|
Khán giả đứng vòng ngoài cũng có khá nhiều thanh niên trong làng. |
|
Phụ nữ, trẻ em cũng tò mò tìm các điểm cao để xem giằng bông. |
|
Những thanh niên đi dép bị tụt lại sau "cuộc chiến". May mắn, không có ai bị đổ máu. |
|
Sau khoảng 30 phút, cuộc giành giật cây bông kết thúc. Người chiến thắng nhanh chóng mang “chiến lợi phẩm” về nhà trong sự tiếc nuối của hàng trăm thanh niên thua cuộc.
|
Theo nhiều bô lão trong làng, tục giằng Bông có từ thời tướng Lý Phúc Man trong một lần đi qua đã chọn vùng đất này làm nơi đóng quân và tiện cho việc rèn luyện binh lính. Khi ấy, ngài đã mang ngọn tre dài khoảng 1,2 m để quân sĩ tranh tài nhằm chọn ra một người khỏe mạnh và mưu trí nhất đi dẫn binh lính xông pha ra trận mạc.
Nhưng cũng có truyền thuyết cho rằng lễ hội này xuất hiện vào những năm 40 (SCN), sau khi Hai Bà Trưng tự vẫn trên dòng sông Hát nhằm tránh rơi vào tay giặc, nhân dân trong làng đã lập đình thờ. Hiện nay trong đình làng vẫn còn lưu giữ yếm thắm, áo đào. Hai bên thanh phong có hai hình phượng hoàng, lúa và binh khí.
Lễ hội giằng Bông xưa, nhà nhà ai nấy đều nô nức ra đình chọn cho mình một vị trí thuận lợi để xem hội. Riêng thanh niên trai tráng trong làng thì háo hức hơn hẳn. Họ tập trung đầy đủ trong sân chỉ chờ thời khắc khai hội để bắt đầu việc giằng bông của mình.
Sau khi thực hiện đầy đủ các nghi lễ cần thiết bao gồm lễ lấy văn, lễ tế và cuộc thi chấm bánh lễ hội mới bắt đầu, bao gồm hai phần. Phần một là trao lộc nhà Thánh cho những người tham gia. Cụ từ trong làng sẽ bưng ra một đĩa xôi trắng sau đó tung xuống để những người tham gia phía dưới bắt lấy.
Theo một cụ cao niên, tục tung xôi này như thể động viên, khích lệ và tăng cường sức khỏe cho binh sĩ thời xưa. Sau màn trao lộc, cây bông mới chính thức được mang ra. Người mang bông ra phải là người có sức khỏe, múa và quay cây bông sao cho đúng hướng, đủ cả hai bên lối đi của đình. Khi ấy chỉ chờ có hiệu lệnh là các trai tráng trong làng sẽ thi nhau giằng lấy cho được thứ may mắn này. Người nâng lên, kẻ hạ xuống, tất cả tạo thành một bầu không khí vô cùng rộn ràng.