Mỗi sáng, chị Nguyễn Phương Mai (sinh năm 1989, Hà Nội) bị đánh thức bởi tiếng chim chóc ríu rít trên mái ngói và tia nắng sớm chiếu qua cửa sổ.
Sau khi vệ sinh cá nhân, vợ chồng chị ra vườn cho gà và cá ăn. Xong đâu đấy, chị vào bếp chuẩn bị bữa sáng cho các con.
Ăn sáng xong, bé lớn 7 tuổi ngồi học bài, 2 em nhỏ 4 và 2 tuổi chơi cùng nhau. Chị Mai vừa chơi với con, vừa tranh thủ ra vườn hái chút rau đủ ăn cho cả ngày.
Chiều mát, 3 con ra sân chơi đùa, đạp xe, tắm mát trong khi người mẹ trẻ chuẩn bị bữa tối. Cuối ngày, cả nhà ra võng nằm hóng mát, ăn mít, nhãn hái từ vườn.
Gia đình chị Mai “bỏ phố về quê” 3 tháng nay để tránh dịch. |
Nhịp sống này gắn liền với gia đình chị Mai hơn 3 tháng nay. Từ ngày trường học đóng cửa, vợ chồng chị quyết định rời thủ đô, về ở hẳn trong ngôi nhà nhỏ trên đồi tại Hòa Bình, cách Hà Nội một tiếng chạy xe.
“Vợ chồng mình xây căn nhà này với mong muốn cho các con một nơi rộng rãi, gần gũi thiên nhiên để có tuổi thơ đầy ắp trải nghiệm. Ngày trước, gia đình mình chỉ về đây dịp cuối tuần. Đợt rồi nghỉ dịch lâu, mình cho các con về hẳn để không bị gò bó trong nhà”, chị Mai nói với Zing.
Ngôi nhà trên đồi
Hơn một năm trước, lúc mới về Hòa Bình xây nhà, vợ chồng chị Mai phải san lại nền vì đất đồi không bằng phẳng. Ở vùng quê vốn không tiện nghi như thành phố, nước sinh hoạt được lấy từ giếng khoan, muốn đi chợ phải ra huyện cách gần 10 km.
Bù lại, cuộc sống nơi đây dễ chịu, xóm làng gần gũi và thân thiện nên gần như cuối tuần nào gia đình chị cũng về nghỉ.
Từ khi về ở hẳn để tránh dịch, hàng ngày, mọi hoạt động của 5 thành viên đều quanh quẩn từ nhà ra sân.
“Mẹ ngoài chăm con, có thêm thời gian vào bếp làm bánh trái. Bố làm việc online, rảnh thì ra ao câu cá cải thiện bữa ăn. Ba con thì chơi cùng nhau, nắng thì ở trong nhà xem hoạt hình, đọc sách, chơi lego. Mát trời, các bé lại chạy ùa ra sân chơi, đạp xe hay ra vườn tưới cây, nhặt trứng gà giúp mẹ”, chị Mai kể.
Ngôi nhà của chị Mai nằm trên đồi, xung quanh là khu vườn rộng để trồng rau, cây ăn trái, thả cá, nuôi gia cầm. |
Ngày trước, khi công việc và chuyện học tập của cả nhà vẫn ở Hà Nội, chị Mai nhờ hàng xóm giúp trông nom, chăm sóc vườn tược. Nhờ đó, nhà chị có rau củ, trái cây, thịt cá, gà, vịt và trứng ăn quanh năm.
Hiện tại, vườn nhà chị Mai sum suê mướp, mồng tơi, ngót, cải, cà tím, đậu bắp, đỗ, su su, gấc, nhãn, xoài, mít, đu đủ và vài chục gốc bưởi diễn lâu năm. Dưới ao, chồng chị thả các loại cá chép, chim, rô phi, trắm, có con nặng tới 6,7 kg.
Ngoài tự cung, tự cấp thực phẩm, chị Mai mua thêm ở hàng quán nhỏ quanh nhà để đa dạng bữa ăn cho các con. Với một số đồ không kiếm được, mỗi lần chồng về Hà Nội trước khi giãn cách, chị đều viết ra giấy để anh mua.
Nhờ trồng trọt, chăn nuôi, gia đình chị Mai phần nào tự túc thực phẩm trong mùa dịch. |
Sống chậm lại
Ban đầu, việc sống chậm những ngày dịch có chút khó khăn với gia đình chị Mai khi sinh hoạt gần như thay đổi hoàn toàn.
Vợ chồng chị vốn quen với nhịp sống đi lại, giao lưu với nhiều người. Trong khi đó, 3 con nhỏ ở độ tuổi thích đi chơi, khám phá nên dễ thấy nhàm chán khi phải ở yên trong nhà.
Ngày nào, con trai lớn của chị Mai cũng hỏi mẹ: “Bao giờ con mới lại được đi học, đi chơi cùng các bạn?”. Trước khi giãn cách, cậu bé thỉnh thoảng vẫn xin mẹ cho theo bố về Hà Nội một hôm để qua chơi với bạn.
“Dần dần, cả nhà mình quen với cuộc sống mới và biết cách sắp xếp hợp lý hơn. Hai anh lớn có thể tự chơi, tự ăn uống, mẹ chỉ phải trông nom em út. Tranh thủ lúc con ngủ, mình lại vào bếp làm bánh hoặc bữa phụ cho các con. Buổi chiều, khi các con tắm, mẹ tranh thủ tập aerobic”, chị kể.
Rau củ, trái cây, hoa được chị Mai thu hoạch ở vườn nhà. |
Với chị Mai, cuộc sống hiện tại trôi qua bình yên và nhẹ nhàng. Gia đình chị có thêm nhiều thời gian dành cho nhau khi cùng chơi đùa, ăn uống. Được vận động, chạy nhảy nhiều, các con chị trở nên bạo dạn hơn. Người mẹ trẻ cũng có thêm thời gian cho sở thích cá nhân như trồng hoa, làm vườn, nấu ăn.
“Mỗi ngày, các con đều rất vui vẻ và không hay ốm vặt như trước. Các bé thích nhất là buổi tối được đi bắt đom đóm hoặc chơi trốn tìm cùng các bạn nhỏ trong xóm. Vợ chồng mình rất hài lòng, chỉ có đôi khi nhớ người thân, bạn bè mà không thể gặp gỡ được”, chị nói.
Vợ chồng chị Mai làm xuất nhập khẩu gỗ công nghiệp. Thời điểm chưa giãn cách xã hội, chồng chị vẫn tranh thủ đi về Hà Nội - Hòa Bình để thu xếp công việc ở văn phòng. Chị Mai làm việc với đối tác nước ngoài nên có thể ở nhà giao dịch qua điện thoại và email.
Từ khi ở hẳn nhà và hạn chế xe đi lại, vận chuyển hàng hóa, công việc của họ có chút ảnh hưởng.
“Mình mong dịch sớm được kiểm soát để các con được quay lại trường học, cha mẹ cũng trở lại với công việc. Còn ý định 'về vườn' ở hẳn có lẽ phải 10-20 năm nữa”, chị Mai cười nói.
3 con trai của chị Mai được sống gần gũi với thiên nhi khi ở nhà tránh dịch. |