TS Giáp Văn Dương không ủng hộ trường chuyên, lớp chọn, nhưng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp lại có nhiều lý lẽ để bảo vệ sự cần thiết tồn tại trường chuyên, lớp chọn.
Cuộc tranh luận bắt nguồn từ câu chuyện về sự tự do của những trang nhật ký trong cuốn sách “Nhật ký chuyên văn” (NXB Trẻ ấn hành).
TS Giáp Văn Dương nhận xét, trong cuốn sách, học sinh được viết, được thể hiện mình, được thầy giáo chủ nhiệm cho phép, và các bạn thích viết gì cũng được. Khi các bạn ấy viết xong thì không bị đọc, rồi bắt phải sửa là em phải viết thế này, thế khác…
Các bạn viết xong, chuyền tay nhau đọc, và sau này xuất bản thành sách. Tôi thấy có những chi tiết rất thú vị, bởi nó không bị “kiểm duyệt”. Đấy là sự tự do thể hiện.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (phải) và TS Giáp Văn Dương tranh luận nảy lửa về trường chuyên, lớp chọn. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Trường chuyên, lớp chọn là “bản án chung thân”!
Được độc giả gợi mở bằng câu hỏi gửi đến TS Giáp Văn Dương rằng: Anh có ủng hộ trường chuyên lớp chọn hay không?
TS Giáp Văn Dương thẳng thắn trả lời: “Tôi không ủng hộ trường chuyên, lớp chọn, mà ủng hộ một môi trường giáo dục tự do. Trường chuyên, lớp chọn giới hạn sự “tự do trở thành” của mỗi người. Tôi đã từng gặp nhiều học sinh, từng học trường chuyên, lớp chọn, và giờ rất lệch lạc, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống”.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp phản bác lại ý kiến đó khi nêu quan điểm ủng hộ trường chuyên, lớp chọn. Chị nói rằng, ở một góc độ nào đó các bạn trẻ nên có sự chuyên và sự chọn ngay từ khởi điểm ban đầu.
“Nếu sự chuyên và sự chọn đó có tính cá nhân của bản thân các bạn thì sẽ rất tốt. Bởi nếu bố mẹ, họ hàng, gia đình…tìm cách nào đó, sắp xếp cho bạn vào một chỗ nào đó mà bạn không thích, sẽ rất dở. Nên nếu bạn theo đuổi học trong một môi trường chuyên ngành, theo sở thích nào đó, chuyên và chọn do mình lựa, thì sẽ rất may mắn”.
TS Giáp Văn Dương vẫn bảo vệ quan điểm không ủng hộ trường chuyên lớp chọn, bởi trường chuyên, lớp chọn cũng như những lời phán xét của cha mẹ, thầy cô rằng “con giỏi văn lắm!”, “con có năng khiếu về hội họa!”…đều là “bản án chung thân” đối với nhiều bạn trẻ.
TS Giáp Văn Dương phân tích: “Gọi là “bản án chung thân” bởi các bạn ấy nghĩ rằng họ chỉ giỏi cái đó, chỉ làm được lĩnh vực đó.
Như bạn Nguyễn Hoàng Điệp học chuyên văn từ lớp 6 ở thì đó là “bản án chung thân” dành cho bạn, và nó giới hạn tất cả sự tự do trở thành người khác. Bạn không trở thành doanh nhân, không trở thành nhà khoa học, mặc dù suy cho cùng thì chúng ta chưa biết cái nào sẽ tốt hơn”.
Ông nói tiếp: “Khi bạn đeo bản án đó, nếu bạn thành công, trở thành một đạo diễn nổi tiếng, nhà văn nổi tiếng, thì bạn sẽ thấy hạnh phúc. Nhưng khi bạn thất bại, thì bạn sẽ cảm thấy cuộc đời mình không còn giá trị gì nữa, bởi lĩnh vực mình luôn nghĩ là mình giỏi nhất mà còn thất bại thì mình sẽ không còn đủ tự tin để làm những việc khác. Cho nên, quan điểm của tôi là chúng ta không nên đeo cho người khác một “bản án chung thân", là phải học trường chuyên, lớp chọn mà cần tạo ra sự tự do trở thành cho con người”.
“Tự do trở thành” vẫn tồn tại ở trường chuyên, lớp chọn
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp vẫn không “nhượng bộ” khi đưa ra nhiều lý lẽ không đồng tình với quan điểm của TS Giáp Văn Dương: “Tôi hiểu điều anh Dương chia sẻ, tôi nghĩ anh có lý trong việc không đồng ý với trường chuyên, lớp chọn. Hôm nay tôi được làm quen với khái nhiệm “tự do trở thành”. Trước đây tôi chưa bao giờ dùng cụm từ này.
Phản bác lại quan điểm trường chuyên, lớp chọn giới hạn sự tự do trở thành của học sinh, đạo điễn Nguyễn Hoàng Điệp lập luận: “Riêng trong lớp tôi học ngày đó, không ai có “mưu đồ” “tự khoanh vùng”, tự khiên cưỡng mình và tự ép mình trong một cái khuôn rằng “mình chỉ trở thành người này”.
Nếu bạn đi dạo tất cả các lớp chuyên ở trường Amsterdam, bạn sẽ thấy đầu ra vô cùng đa dạng. Tôi học chuyên văn, tôi không ra để làm nhà văn, bạn tôi học chuyên Anh, không ra để làm phiên dịch…Tôi nhớ không nhầm học sinh trường chuyên ở Hà Nội có mặt ở hầu hết các lĩnh vực, các chuyên ngành, các vai trò, các vị trí khác nhau trong xã hội.
Bản thân trong các trường chuyên cũng có sự đa dạng rồi, đó là sự phân chia chuyên tự nhiên, chuyên xã hội…Nên tôi cho rằng, sự tự do trở thành hoàn toàn tồn tại ở trường chuyên, lớp chọn, thậm chí nhu cầu đó còn mạnh mẽ hơn”.