Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh luận về chân dung vua Quang Trung

Tái tạo chân dung đích thực của vua Quang Trung vẫn là bài toán chưa có lời giải với các nhà nghiên cứu lịch sử, bởi những tư liệu về nhà vua đã bị phá hủy gần hết.

Theo bài viết Đã tìm ra chân dung chính thức của vua Quang Trung?, đăng trên báo Tuổi Trẻ, nhà nghiên cứu, TS Nguyễn Duy Chính vừa công bố bài viết có tính hệ thống lại quá trình xuất lộ và tìm kiếm hình ảnh chân dung vua Quang Trung của học giới nước ta từ xưa đến nay.

Cụ thể, ông Chính tìm kiếm được hai tư liệu hình vẽ vua Quang Trung trong chuyến đi Bắc Kinh dự lễ thọ vua Càn Long này, một trong bộ tranh "Thập toàn phu tảo", và một bức trong bộ tranh đồ sộ "Bát tuần Vạn thọ thịnh điển".

Cả hai tư liệu này đều vẽ vua Quang Trung từ xa, vẽ chung với các nhân vật khác, nên không rõ nét chân dung.

Cũng liên quan chủ đề này, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức viết trên trang cá nhân của mình: "Gần đây, một người bạn Trung Quốc gửi cho tôi bức tranh chân dung Quang Trung, hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh. Bức tranh này có ghi rõ An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của Quang Trung khi ở bên nhà Thanh). Lai lịch tường tận của bức tranh cần đợi những khảo cứu chuyên sâu hơn. Ít nhất, cho tới thời điểm hiện tại, bức tranh này vẫn tiệm cận với 'sử thực' hơn cả".

Chan dung vua Quang Trung anh 1
Bức hình vẽ vua Quang Trung do Trần Quang Đức công bố. Ảnh: Nguyễn Duy Chính.

Những tranh cãi

Quang Trung là vị kiệt xuất trong lịch sử dân tộc ta, nhưng vương triều Tây Sơn của ông tồn tại quá ngắn ngủi. Sau khi sụp đổ, các vua đầu triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng đã ra lệnh truy tìm và tiêu hủy toàn bộ sách vở, tư liệu liên quan nhà Tây Sơn.

Những người liên quan đa phần phải bỏ trốn, mai danh ẩn tích nên các tư liệu về vua Quang Trung gần như không còn, gây nhiều khó khăn cho các nhà nghiên cứu sau này muốn tái tạo lại chân dung của ông.

Chính vì không có tư liệu nên đến nay, hình ảnh về vua Quang Trung gần như không có sự thống nhất. Do đó, nếu đúng bức tranh của tác giả Trần Quang Đức công bố là chính xác, nó sẽ mở ra một hướng nghiên cứu mới, chấm dứt những tranh cãi, bí ẩn về tướng mạo của vị vua vĩ đại mà rất nhiều người muốn biết.

Vấn đề đặt ra là liệu bức tranh của tác giả Trần Quang Đức công bố có đúng vẽ vua Quang Trung thật hay không thì cần được các nhà sử học nghiên cứu thêm. Bởi lẽ, một số sách cho rằng vua Quang Trung không sang Trung Quốc.

Theo một số tài liệu lịch sử, sau khi đại thắng quân Thanh vào Tết Kỷ Dậu 1789 Ngô Thì Nhậm tổ chức đoàn sứ bộ sang Yên Kinh trao trả tám trăm tù binh và cầu phong. Hoàng đế Càn Long chấp nhận nhưng lại mời đích thân vua Quang Trung sang triều kiến nhân lễ mừng thọ bát tuần của mình.

Đến tháng 11, vua Càn Long cử sứ bộ mang chiếu sang Thăng Long phong cho Nguyễn Huệ làm An Nam quốc vương. Lúc này, Ngô Thời Nhậm đã tùy nghi chọn người giả làm vua Quang Trung để tiếp chiếu.

Đến đầu năm Canh Tuất (1790), vua Quang Trung sai Ngô Thì Nhậm tổ chức sứ đoàn sang Trung Quốc mừng thọ vua Càn Long. Đoàn sứ bộ gồm hơn 150 người, ngoài vua giả còn có Nguyễn Quang Thùy (con trai vua), Ngô Văn Sở, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Duật...

Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí (hồi 15), người đóng giả vua Quang Trung là Nguyễn Quang Thực, võ tướng người Nghệ An. Trong khi sách Đại Nam chính biên liệt truyện của Quốc Sử quán triều Nguyễn lại cho biết nhân vật đóng giả vua là cháu bên vợ của vua Quang Trung tên Phạm Công Trị.

Theo các nhà nghiên cứu, sách Hoàng Lê nhất thống chí đã chép nhầm, người đóng giả vua Quang Trung chính là Phạm Công Trị.

Sách này còn chép rằng: “Khi quốc vương tới Yên Kinh, vua Thanh mừng lắm, không hề biết là Quang Trung giả. Lúc quốc vương vào yết kiến, vua Thanh cho ăn yến với các vị thân vương, lại ban ơn đặc biệt cho làm lễ ôm gối, hệt như tình cha con trong nhà. Lúc quốc vương lạy tạ về nước, vua Thanh sai thợ vẽ bức truyền thần mà ban cho, ân lễ rất trọng hậu, thực là một cách đối đãi khác thường từ nghìn xưa hiếm có”.

Ngoài hai bộ chính sử trên, nhiều nguồn sử liệu khác cũng khẳng định vua Quang Trung đã cho người đóng giả sang Trung Quốc bái kiến Càn Long.

Ngoài ra, chuyện vua Quang Trung đi sứ thật hay không cũng cần phải xem xét kỹ vì trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, chưa có bất kỳ vị vua nào của nước ta đi sứ sang phương Bắc. Vấn đề này hiện còn nhiều quan điểm khác nhau. 

Chan dung vua Quang Trung anh 2
Bức tranh "Thập toàn phu tảo" vẽ vua Quang Trung và hai bồi thần đang hành lễ bệ kiến vua Càn Long. Ảnh từ bài viết của Nguyễn Duy Chính.

Chân dung vua Quang Trung trong lịch sử

Sau khi vua Quang Trung qua đời, triều đình Tây Sơn sụp đổ, hầu như tất cả tư liệu của nhà Tây Sơn đều bị tiêu hủy. Chân dung vua Quang Trung vì thế cũng chỉ được miêu tả qua sử sách của nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn.

Theo cuốn Tây Sơn thuật lược mô tả, “tóc của Huệ quăn, mặt có mụn, một con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn thì ánh mắt soi sáng cả chiếu, lúc lâm trận chế thắng, uy danh lẫm liệt cho nên mới bình định được phương Bắc và dẹp yên được phương Nam, hướng đến đâu thì không ai hơn được…”.

Chính sử nhà Nguyễn là sách Đại Nam chính biên liệt truyện cũng xác định đúng như thế: “Nguyễn Văn Huệ là em Nguyễn Nhạc, tiếng nói như chuông, mắt lập lòe như ánh điện, là người giảo hoạt, đánh trận rất giỏi, người người đều sợ Huệ”.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân - người sống ở Huế và có rất nhiều công trình nghiên cứu về vua Quang Trung - thì tại chùa Bộc (Hà Nội) có một bức tượng cổ và đôi câu đối: Động lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vụ / Quang trung hóa Phật, tiểu thiên thế giới chuyển phong vân.

Nó có nghĩa là Trong hang không bụi, lưu nêu cột giữa non sông rộng lớn / Giữa sáng thành Phật, chuyển gió mây trong thế giới cỏn con

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng pho tượng trên là tượng vua Quang Trung. Hai câu đối ngụ ý ca ngợi vua Quang Trung anh hùng cái thế, nhưng để tránh bị nhà Nguyễn phá hoại, tượng Quang Trung ấy được ẩn mình trong một tượng phật. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng pho tượng ấy là một di sản văn hóa đáng quý.

Ngoài những tư liệu ít ỏi trên, tất cả hình vẽ, chân dung của vua Quang Trung đều được đời sau tự vẽ lại.

Quang Trung đại phá quân Thanh Chiến thuật tránh nơi mạnh, đánh chỗ yếu, dương đông kích tây, bất ngờ thể hiện tài năng quân sự đỉnh cao của Quang Trung.

Vua Quang Trung và cuộc cải cách lịch sử về chữ viết

Dưới thời trị vì của vua Quang Trung, lần đầu tiên loại chữ viết do người Việt sáng tạo được dùng trong văn bản hành chính.

Hoàng đế Quang Trung và chuyến đi sứ đặc biệt trong lịch sử

Không chỉ là thiên tài quân sự bách chiến bách thắng, Quang Trung - Nguyễn Huệ còn tạo ra chuyến đi sứ có một không hai trong lịch sử ngoại giao nước nhà.



Nguyễn Thanh Điệp

Bạn có thể quan tâm