Trước đây, học sinh không được sử dụng điện thoại trong lớp. Quy định tại điều lệ mới được Bộ GD&ĐT ban hành: "Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép".
Như vậy, học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên.
Học sinh trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) sử dụng điện thoại phục vụ học tập. Ảnh: THPT Nguyễn Du. |
Dùng điện thoại đúng cách sẽ hỗ trợ học tập hiệu quả
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), đánh giá đây là một bước đột phá.
Ông cho hay 5 năm nay, trường THPT Nguyễn Du có tiết dạy cho phép học sinh dùng điện thoại thông minh ngay trên lớp.
Để quản lý, trường đặt ra nội quy về sử dụng điện thoại trong giờ học. Ngoài giờ học cho phép, giáo viên phát hiện học sinh lén sử dụng thì điện thoại sẽ có biện pháp xử lý.
Học sinh sử dụng điện thoại giúp mang hơi thở cuộc sống, thời đại vào lớp học - Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú
“Chúng ta hãy nhìn cả mặt tích cực và tiêu cực để cùng bàn luận đưa ra cách sử dụng, quản lý đúng. Mọi người không nên chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực để không thực hiện. Hơn nữa, chúng ta nên đặt niềm tin vào học sinh, quản lý của giáo viên. Việc sử dụng điện thoại trong một số giờ học đem lại hiệu quả tốt”, hiệu trưởng này bày tỏ quan điểm.
Ông Phú nói thêm giáo viên, phụ huynh nên xem đây là công cụ hỗ trợ cho việc học tập thiết thực, việc sử dụng điện thoại như “cuốn sách điện tử”.
Ví dụ, khi học Địa lý đến nội dung về các cơn bão, các hiện tượng thời tiết cực đoan, học sinh có thể truy cập Internet để có thông tin mới nhất, hình ảnh trực quan nhất.
Theo ông, những gì học sinh tìm kiếm được trên điện thoại còn phong phú hơn nội dung sách giáo khoa. Vì thế, hiệu trưởng trường Nguyễn Du cho rằng sử dụng điện thoại giúp mang hơi thở cuộc sống, thời đại vào lớp học.
Tương tự, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Lịch sử, trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), ủng hộ quy định này.
Thực tế, thầy Du đã cho học sinh sử dụng điện thoại từ hai năm trước với mục đích thảo luận nhóm khi làm dự án và làm bài kiểm tra qua Google Form.
Theo thầy, khi thảo luận nhóm về đề tài cần tìm kiếm thông tin, học sinh sử dụng điện thoại để lên mạng tra cứu. Giáo viên tham gia hướng dẫn nên có thể kiểm soát lớp học.
Khi làm bài kiểm tra, đúng giờ, học trò dùng điện thoại truy cập Internet. Em nào làm xong, muốn làm việc khác phải nộp điện thoại lại cho giáo viên.
Thầy Du cho rằng học sinh chỉ dùng sử dụng điện thoại với mục đích học tập. Khi được giáo viên cho phép, các trường có biện pháp quản lý, điện thoại sẽ là công cụ hỗ trợ học tập rất hiệu quả.
“Nhiều người đang nhầm tưởng quy định cho phép học sinh dùng điện thoại mọi lúc, mọi nơi trong trường học rồi phản đối. Điều này không đúng”, thầy Đăng Du chia sẻ.
Sự quản lý của giáo viên rất quan trọng khi học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp vì mục đích học tập. Ảnh: H.T.P. |
Quản lý thế nào?
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Ngữ văn, trường THCS Nguyễn Du (TP.HCM) cũng nhấn mạnh vấn đề quản lý học sinh khi cho phép học sinh dùng điện thoại với mục đích học tập.
Thầy cho biết tại trường THCS Nguyễn Du, học sinh không được mang điện thoại lên lớp. Chỉ khi có kế hoạch sử dụng điện thoại trong tiết học, giáo viên đăng ký với ban giám hiệu.
Giáo viên phải đăng ký cụ thể về thời gian, số lượng điện thoại, học sinh nào được mang điện thoại vào lớp, báo cáo kế hoạch dạy học cho ban giám hiệu.
Theo thầy, lợi ích lớn nhất của việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là mở rộng cách thức giáo viên sử dụng phương pháp dạy học và tổ chức tiết học.
Có điện thoại, bài tập của học sinh không chỉ đơn giản là thông tin thu thập được trên mạng. Đó có thể là hình ảnh các em chụp được, video các em quay lại.
Điện thoại có kết nối Internet giúp thầy và trò cùng tham gia các hoạt động học tập có tính tương tác cao. Các em có thể dùng điện thoại để phát biểu trong lớp, làm bài trắc nghiệm, tham gia trò chơi.
“Tất cả kết quả đó sẽ được thể hiện rõ trên máy tính của giáo viên bằng sự hỗ trợ của một số trang web chuyên về dạy học”, thầy Bảo cho hay.
Nhưng giáo viên cũng thừa nhận lợi ích của việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong tiết học phụ thuộc rất nhiều vào ý tưởng dạy học và khả năng quản lý của giáo viên.
Do đó, nếu cho phép học sinh sử dụng điện thoại với mục đích học tập, Bộ GD&ĐT nên có hướng dẫn cho các trường, giáo viên cách quản lý hiệu quả.
Là phụ huynh, chị Mai Liên (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cảm thấy lo lắng trong việc quản lý con sử dụng điện thoại. Phụ huynh này cho biết con trai chị, học lớp 7, dễ mất tập trung. Do đó, bình thường, họ không cho phép con dùng điện thoại, tránh xao nhãng.
Tuy nhiên, với quy định mới, chị Liên thông tin thời gian tới có thể chị mua điện thoại, cho con mang đến trường.
“Đành rằng giáo viên không bắt buộc em nào cũng phải dùng điện thoại. Nhưng nếu các bạn khác có thể lên mạng tra cứu hoặc học nội dung gì liên quan điện thoại, con mình không có sẽ thiệt thòi”, chị Mai Liên tâm sự.
Phụ huynh nói thêm chị hiểu trong thời đại công nghệ, việc cho học sinh sử dụng điện thoại là điều cần thiết. Tuy nhiên, cá nhân chi cho rằng việc con mình dùng điện thoại hại nhiều hơn lợi.
Chị Liên mong muốn giáo viên tăng cường quản lý, tránh trường hợp con dùng điện thoại sai mục đích. Gia đình thường xuyên nhắc nhở con, đồng thời yêu cầu con cho phép ba mẹ kiểm soát việc sử dụng điện thoại.
Lo ngại gian lận
Về việc cho học sinh dùng điện thoại trong lớp, TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo, khẳng định công cụ nào được đưa vào sử dụng để học tập đều có mặt lợi và mặt hại.
Theo ông, việc học sinh có thể dùng điện thoại trong lớp để phục vụ học tập, khi được giáo viên cho phép giúp các em có kỹ năng thông tin.
Quy định mới cho phép giáo viên kết hợp bài giảng có phần mềm hỗ trợ học tập và dạy như tài liệu có nội dung số.
Ý tưởng đổi mới là tốt nhưng tổ chức thực hiện ý tưởng sao cho phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, nhu cầu của người học, giáo dục học sinh hình thành nhân cách hiệu quả là điều thách thức - TS Hoàng Ngọc Vinh
Điện thoại giúp học sinh tìm kiếm thông tin hỗ trợ cho bài học dễ hơn. Ngoài ra, công cụ này giúp việc thông báo tình hình sức khỏe hoặc những vấn đề an ninh cho người thân, nhân viên an ninh trường học.
TS Hoàng Ngọc Vinh cũng nêu một số mặt hại của việc cho học sinh dùng điện thoại trong lớp.
Cụ thể, học sinh có thể lơ đãng vì mải dùng điện thoại hay vụng trộm nhắn tin, coi thông tin đen mà giáo viên không kiểm soát được.
Các em giảm tương tác với nhau để học hỏi và hình thành thói quen hợp tác - năng lực rất cần cho ng học và người lao động tương lai.
Thêm vào đó, khi học sinh dùng điện thoại, người lớn khó kiểm soát bạo lực qua mạng xã hội qua tin nhắn đe dọa, chửi nhau.
Ngoài ra, ông cho rằng quá lạm dụng công nghệ có thể dẫn đến làm nghèo tư duy của người học khi không đủ kỹ năng thông tin, mất khả năng đào sâu suy nghĩ vì có thông tin kiểu "mỳ ăn liền".
Quy định mới cũng có thể dẫn đến việc khó kiểm soát gian lận khi kiểm tra, đạo văn. Bên cạnh đó, dùng điện thoại nhiều khiến mắt nhanh lão hóa. Không ít phụ huynh lại dở khóc dở cười vì vấn đề tài chính và kiểm soát con cái.
Do đó, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng cần cân nhắc cẩn trọng trước khi cho học sinh dùng điện thoại trong lớp học. Việc này đòi hỏi phải nghiên cứu và đánh giá tác động dự báo rủi ro theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Ý tưởng đổi mới là tốt nhưng tổ chức thực hiện ý tưởng sao cho phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, nhu cầu của người học, giáo dục học sinh hình thành nhân cách hiệu quả là điều thách thức, đòi hỏi phải có nghiên cứu cẩn trọng”, ông nhấn mạnh.