Trong vụ việc ĐH Đông Đô, kết luận của Cơ quan điều tra an ninh đã xác định có 193 trường hợp được cấp bằng nhưng không qua đào tạo. Viện kiểm sát đã đề nghị cơ quan chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức và viên chức đối với 193 trường hợp được cấp bằng trái quy định.
Việc nên hay không công khai danh tính 193 cá nhân này nhận được nhiều luồng ý tranh luận khác nhau.
Mẫu bằng cấp cho học viên tốt nghiệp của Đại học Đông Đô. Ảnh: N.H. |
Phân rõ đối tượng để công khai
Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, với những người sử dụng văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của ĐH Đông Đô, cần làm rõ và phân biệt hai loại. Ông cho rằng những người học thật, thi thật, không biết văn bằng được cấp là giả thì đây không phải là lỗi của họ.
Nhưng đối với đối tượng không học, chỉ nộp tiền để lấy bằng và dùng bằng này để thăng quan tiến chức hoặc dùng cho các mục đích riêng thì cần phải lên án. PGS Nhĩ cho rằng, với những người như vậy, cơ quan chức năng cần công khai danh tính.
Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng việc công khai danh tính của những người sử dụng bằng giả đang trong tiến trình tố tụng của vụ án giả mạo trong công tác tại ĐH Đông Đô không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ GD&ĐT hay Bộ Công an.
"Việc có không công khai danh tính hay không tùy thuộc vào tính chất vụ án. Nếu vụ án không thuộc trường hợp xét xử kín nhằm giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì các cơ quan tiến hành tố tụng và các chủ thể liên quan hoàn toàn có thể công bố thông tin này tại phiên tòa nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án", thạc sĩ Quang nêu.
Không thể công khai theo cảm tính
Theo luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh, Đoàn Luật sư TP.HCM, những cá nhân dùng tiền để mua bằng giả của ĐH Đông Đô là hành vi đáng lên án, gây bức xúc cho xã hội. Những người này sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật khi làm rõ được mục đích sử dụng bằng giả.
"Nếu sử dụng bằng giả để thực hiện hành vi trái pháp luật, những người này sẽ bị xử lý theo quy định tại điều 341, Bộ Luật Hình sự. Nếu chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 79/2015/NĐ-CP năm 2015 trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp", luật sư Lĩnh nêu.
Tuy nhiên, theo ông, việc nêu danh tính của người sử dụng bằng giả trong trường hợp này trên các phương tiện truyền thông phải rất thận trọng. Bởi lẽ, quyền đối với họ tên và quyền bí mật đời tư của một cá nhân là một trong những quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ theo quy định Bộ Luật Dân sự 2015. Quyền nhân thân chỉ bị hạn chế với lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Hơn nữa, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả để được tuyển dụng, bổ nhiệm sẽ bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc hoặc cách chức theo nghị định 112/2020/NĐ-CP và xử lý về mặt Đảng nếu họ là đảng viên. Ngoài ra, nghị định này không có quy định việc những người dùng bằng giả bị công khai danh tính trên các phương tiện truyền thông.
Một giảng viên dạy luật tại TP.HCM cho rằng việc công khai danh tính của những người sử dụng bằng giả của ĐH Đông Đô phụ thuộc vào tính chất, mục đích sử dụng bằng giả của chính những người này.
Nếu họ là công chức, viên chức sử dụng bằng giả để được tuyển dụng sẽ bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, nếu dùng bằng giả để được bổ nhiệm thì bị cách chức theo quy định của Nghị định 112/2020/NĐ-CP.
Giảng viên này cho biết theo Nghị định 112, kỷ luật cán bộ công chức, viên chức được thực hiện qua các hình thức cảnh cáo, cách chức, giáng chức, bãi nhiệm, hạ bậc lương, buộc thôi việc nhưng không có quy định việc công khai danh tính.
Trong trường hợp vụ việc có dấu hiệu hình sự, những người sử dụng bằng giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì danh tính những người này nên được công khai.
"Việc sử dụng bằng giả là rất đáng lên án, đặc biệt nếu những người đó là công chức, viên chức Nhà nước. Nhưng dù phẫn nộ đến đâu thì vụ việc cũng cần xử lý đúng pháp luật chứ không thể cảm tính", giảng viên này nói.
Chung quan điểm, luật sư Nguyễn Hải Nam, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước cho rằng phải làm rõ vấn đề, mức độ mà những người sử dụng bằng giả vi phạm thì mới có căn cứ để xét công khai danh tính hay không.
"Những người học thật, thi thật, không biết bằng của họ dùng là giả thì hoàn toàn khác những người chỉ nộp tiền đề lấy bằng hoặc biết bằng giả nhưng vẫn mua để sử dụng cho mục đích riêng. Nói cách khác, chúng ta phải hiểu động cơ, mức độ vi phạm của những người dùng bằng giả của ĐH Đông Đô", luật sư Nam nói.
Mặt khác, kể cả trường hợp công chức, viên chức sử dụng bằng giả thì họ cũng chỉ bị xử lý hành chính, pháp luật không có quy định phải công khai danh tính.
Theo hiệu trưởng một trường đại học tại TP.HCM, việc công khai danh tính hay không chỉ là một khía cạnh của vụ việc. Vấn đề cốt yếu, theo hiệu trưởng này, là phải xử lý triệt để, rốt ráo những người làm bằng giả (tức phía ĐH Đông Đô) và những cá nhân sử dụng bằng giả.
"Bởi danh tính công khai mà không xử lý đúng hoặc xử nhẹ thì không có ý nghĩa. Khi công khai danh tính cá nhân vi phạm, cơ quan chức năng còn phải tính toán nhiều yếu tố và hệ lụy đi kèm với thân nhân của những người vi phạm. Do đó, tôi cho rằng chúng ta phải xử nghiêm để không xảy ra trường hợp như ĐH Đông Đô hơn là đi công khai danh tính những người sử dụng bằng giả", vị hiệu trưởng này nói.
Liên quan đến vụ việc ĐH Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương truy bắt đối tượng Trần Khắc Hùng.
Bộ Công an xác minh, làm rõ những sai phạm liên quan của các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT trong vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại ĐH Đông Đô, nếu có dấu hiệu của tội phạm phải khởi tố điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.
Bộ Công an phối hợp các cơ quan liên quan, mở rộng điều tra vụ án, tiếp tục làm rõ số cá nhân được ĐH Đông Đô cấp, sử dụng văn bằng cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh giả và các văn bằng, chứng chỉ khác (nếu có) không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng, để thu hồi và kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật.
Kết luận của Cơ quan an ninh điều tra cho thấy, trong số 216 trường hợp được cấp văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của ĐH Đông Đô, có 193 người được cấp bằng không qua đào tạo. Viện Kiểm sát yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp này.
Cũng trong quyết định tố tụng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu xác định rõ ngoài 25 trường hợp đã rõ mục đích dùng bằng giả, cần làm rõ 35 cá nhân còn lại đã sử dụng bằng giả như thế nào và tiếp tục thu 126 bằng giả còn lại.