Câu chuyện cậu bé thiên tài 13 tuổi người Mỹ đã tốt nghiệp cử nhân Vật lý và bằng thạc sĩ Toán học tạo được sự quan tâm đặc biệt của độc giả ở Thái Lan.
Nhiều người ngạc nhiên trước tài năng của những đứa trẻ. Người lớn nhận thức được vai trò của gia đình, cộng đồng và hệ thống giáo dục khuyến khích trẻ em phát huy hết tiềm năng của mình.
Không ít người nhận định các hệ thống giáo dục tại nhiều quốc gia châu Á không thuận lợi cho việc phát triển thiên tài bên trong mỗi đứa trẻ. Ngược lại, nhiều phụ huynh cho rằng nên để con trẻ phát triển một cách tự nhiên, không nên biến các con thành “quả non ép chín”.
Giáo dục rập khuôn, đại trà
Trên BBC, TS Nathaporn Chanphaya Seributr, Chủ tịch Công ty TNHH Giáo dục Sao Biển, người làm việc trong lĩnh vực phát triển giáo dục với nhiều cơ quan chính phủ và tư nhân, cho rằng để xác định một đứa trẻ có thông minh hay không phải bắt đầu từ phía gia đình và giáo viên.
Ngoài sự phát triển của trẻ em trong học tập kiến thức, sự phát triển nhận thức của trẻ trong các vấn đề xã hội cũng rất cần thiết. Ảnh: Save the Children International. |
Bà nhận thấy nhiều trường học chọn cách thu hút tài năng của trẻ em bằng các cuộc thi và đầu tư cho trẻ để chạy theo những cuộc thi với quy mô ngày càng lớn hơn là lập kế hoạch giáo dục phù hợp với tài năng của nhóm trẻ đó để chúng có thể phát huy hết thiên tài bên trong mình. Việc đạt được thành tích bằng những khóa huấn luyện rập khuôn, đại trà đang làm lãng phí nhân tài.
“Những đứa trẻ đoạt giải được khuyến khích nghiên cứu thêm thông tin để chuẩn bị cho các kỳ thi có mức độ cạnh tranh cao hơn. Nhưng không có sự thôi thúc, đào tạo xứng đáng nào cho phép trẻ thực sự bứt phá được khả năng của chúng. Hãy quan sát và lắng nghe xem trẻ muốn gì, điều này quan trọng hơn cả việc bạn muốn các con đi thi kiểu gì", TS Nathaporn chia sẻ.
Bà giải thích thêm giáo dục đặc biệt yêu cầu sự cá nhân hóa, phù hợp với từng đối tượng, tài năng riêng biệt của các em, phân tích và đưa ra mục tiêu đúng đắn. Mỗi đứa trẻ đều không giống nhau. Quá trình này rất cần sự theo sát của gia đình và giáo viên trực tiếp giảng dạy.
"Ngoài sự phát triển của trẻ em trong học tập kiến thức, sự phát triển nhận thức của trẻ trong các vấn đề xã hội cũng rất cần thiết”, TS Nathaporn khẳng định.
Luật pháp và sự phát triển của thiên tài
PGS.TS Prawit Eraworn, Tổng thư ký Ủy ban Giáo dục và Cán bộ Giáo dục (GTEPC), quyền Tổng thư ký Hội đồng Giáo viên Thái Lan, giải thích một cách đơn giản trình độ học vấn ở Thái Lan có thể chia thành hai loại - giáo dục cơ bản và giáo dục đại học. Giáo dục cơ bản được tổ chức trong 15 năm.
“Với yêu cầu này, những đứa trẻ thông minh vẫn phải ngồi học cùng các bạn cùng lứa tuổi trong nền giáo dục cơ bản thay vì học lên cao hơn. Vấn đề là đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa giải quyết được luật, để cho phép trẻ em thông minh bỏ qua lớp học hoặc hoàn thành sớm chương trình giáo dục cơ bản và thi đại học”, TS Prawit nói.
Ngoài việc sửa đổi các quy tắc để cho phép những đứa trẻ thông minh có thể bỏ qua các lớp học phổ thông, vẫn có thể vào đại học mà không cần hoàn thành cả năm học như đã định, một điều cần thiết nữa là cung cấp một hệ thống lớp học phục vụ cho những đối tượng đặc biệt này.
“Đầu tiên, chúng ta phải có hệ thống đo lường, khám phá tiềm năng của trẻ. Nếu một đứa trẻ được biết đến là thiên tài, chúng ta hãy bố trí các phòng học riêng biệt để phù hợp với tài năng của trẻ. Tiếp đến là những kích thích giáo dục từ môi trường sống”, TS Prawit đề xuất.
Ông nói thêm hệ thống giảng dạy trong các lớp học đại trà có rất nhiều yếu tố làm suy giảm tính tò mò của trẻ. Bởi nó là khóa học được thiết kế cho mọi người để học cùng một chủ đề. Điều này phần nào kìm hãm tố chất thiên tài bên trong những đứa trẻ, buộc chúng chỉ có thể phát triển như cách mà bạn bè cùng lứa tuổi đang lớn lên.
Đồng thời, giáo viên cũng phải truyền đạt ở mức tiêu chuẩn để tất cả học sinh trong lớp nắm được kiến thức chung, không có gì bứt phá hay nhiều điểm sáng tạo.
Lớp học năng khiếu không phải là câu trả lời tối ưu
Mặc dù nhiều trường đã chuyển sang cung cấp các lớp học đặc biệt được gọi là lớp học năng khiếu hay “lớp chuyên”, “lớp chọn” dành cho trẻ em, TS Prawit thấy hệ thống này vẫn không giải quyết được vấn đề đào tạo thiên tài.
Theo bà, nó hướng tới tuyển chọn những em tài năng, chăm chỉ, đồng thời có khả năng chi trả thêm khoản tiền học thêm để ngồi học cùng nhau. Nhóm trẻ này vẫn phải thi tốt nghiệp cấp 3 cùng với các bạn khác như bình thường. Nhưng những gì chúng phải học và thi cử còn khốc liệt và khó khăn hơn.
Thái Lan có mức đầu tư vào giáo dục tương đối cao. Ảnh: UN in Thailand. |
TS Somkiat Tangkitvanich, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI), đưa ra một quan điểm khác. Sự phát triển trí tuệ của con người không phải là vấn đề duy nhất của não bộ.
Theo ông, người lớn không nên thúc giục, gấp gáp ép buộc trẻ phải sớm có được kiến thức. Thay vào đó, chúng ta đầu tư cho con trẻ từ những điều tự nhiên nhất, như chế độ ăn uống, cách đọc, viết, những kỹ năng giao tiếp và nắm bắt thông tin.
TS Somkiat thấy vấn đề quan trọng nhất là đầu tư vào thời thơ ấu. Điều này phải bắt đầu từ việc cho phép các bà mẹ nghỉ sinh lâu hơn, có nhiều thời gian với con mình. Sự phát triển trong giai đoạn này là quan trọng và phải được thực hiện từ sau khi sinh cho đến trước khi nhập học.
Đây là giai đoạn quan trọng mà não bộ con người đang phát triển mạnh mẽ. Trẻ cần có đầy đủ chất dinh dưỡng như sữa để uống, không khí trong lành, một nơi để chạy và chơi để trí não và cơ thể phát triển đồng thời.
Ngoài ra, ông nhận thấy Thái Lan vẫn còn thiếu các trung tâm chăm sóc trẻ em. Ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, chính phủ sẽ hỗ trợ việc thành lập các trung tâm chăm sóc trẻ em tại nơi làm việc. Đặc biệt, các công ty tư nhân lớn phải có trung tâm giữ trẻ cho nhân viên và người không phải là nhân viên mà chính phủ đang hỗ trợ chi phí.
“Người Thái hiểu nhầm trẻ em có thể đọc hoặc viết nhanh là đứa trẻ thông minh, nhưng đó thực sự chưa phải là tất cả cho sự phát triển của các em. Hãy để trẻ thỏa sức sáng tạo, học một cách vui vẻ. Nó không chỉ là về học thuật”, TS Somkiat chia sẻ.
Theo trích dẫn của BBC, Thái Lan đầu tư cho giáo dục ít nhất 800 tỷ baht mỗi năm. Báo cáo năm 2018 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế báo cáo vào năm 2018 cho thấy nước này có mức chi tiêu cao thứ 5 cho giáo dục so với GDP trên thế giới, ở mức 5%.
Khi so sánh ngân sách giáo dục với tổng ngân sách, Thái Lan được đánh giá là đầu tư cho giáo dục ở mức cao hơn nhiều nước khác. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới rằng trong năm 2018 cũng cho thấy Thái Lan chi số tiền cao thứ hai cho giáo dục so với tổng ngân sách trên thế giới, sau Malaysia với 17,2%.
Tuy nhiên, mặc dù Thái Lan có mức đầu tư vào giáo dục tương đối cao, thành tích học tập của hầu hết học sinh Thái Lan vẫn thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn thế giới.