Trào lưu chế 'tròn, vuông, tam giác' đang chiếm sóng mạng xã hội Việt
Thứ năm, 6/9/2018 20:17 (GMT+7)
20:17 6/9/2018
Dân mạng Việt đang rộ trào lưu biến chữ viết thành hình tam giác, vuông, tròn với hàng loạt bản cover, ảnh chế, tin nhắn kỳ lạ.
Những ngày qua, dư luận tranh cãi về cách đánh vần được dạy trong cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 (gồm 3 tập, do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành). Theo đó, các chữ "k", "qu", "c" đều đọc là "cờ" và thay đổi cách đánh vần của các từ "iên", "uôn". Ảnh: FB.
Tại trang 5 của cuốn sách, học sinh được yêu cầu "thay mỗi tiếng bằng một khối nhựa". Bài học được rút ra là "có bao nhiêu tiếng, có bấy nhiêu khối nhựa". Cách học trong cuốn sách này hiện trở thành nguồn cảm hứng chế ảnh, clip của dân mạng Việt với tên gọi "tròn, vuông, tam giác".
Khắp mạng xã hội, ảnh chế với phần thông tin được viết thành các hình khối vuông, tròn, tam giác tràn ngập. Ảnh: Ổ Hóng Hớt.
Nhiều dân mạng đùa rằng Việt Nam sắp chuyển sang dùng chữ tượng hình.
Ảnh: Văn Lợi Pi.
"Tròn, vuông, tam giác" đang là những từ khoá hot nhất mạng xã hội. Ảnh: Kênh phụ kiện.
T. (19 tuổi, Hà Nội) cho biết cô không rõ trào lưu kỳ lạ "tròn, vuông, tam giác" bắt nguồn từ đâu. Song cô gái thấy bạn bè chia sẻ nhiều nên cũng hùa theo. Ảnh: Lưu Duyên.
Chủ đề được quan tâm nhất trên các diễn đàn mạng hiện là cách viết, đọc chữ mới theo kiểu "tròn, vuông, tam giác". Ảnh: Ngọc Hòa.
Cách nhắn tin "tròn, vuông, tam giác" cũng đang là trò đùa của nhiều bạn trẻ. Ảnh: Ngọc Huyền, S.
Bên cạnh ảnh chế, các clip cover đổi lời hát thành hết “tròn, vuông, tam giác”, cũng nhanh chóng được dân mạng hưởng ứng. Ảnh: Luân Nobita, Lục Trọng Thứ.
Một số nghệ sĩ như Trấn Thành, Ngô Kiến Huy, Chí Thiện cũng bắt kịp trào lưu và có bản cover phong cách "tròn, vuông tam giác" hút triệu view trên kênh video của mình.
Bên cạnh một bộ phận dân mạng hưởng ứng, nhiều người cho rằng khi thấy một vấn đề sôi nổi, không nhiều người chịu tìm hiểu, xem xét trước khi chửi rủa, hùa theo sự sai lệch. Điều này khiến trào lưu vô bổ "tròn, vuông, tam giác" gây hiểu nhầm nhưng vẫn được lan tỏa. Ảnh: Động Troll.
T. Tr. Trần bình luận: "Dân mạng xôn xao cho rằng Việt Nam sắp đổi chữ bằng chữ tượng hình? Tại sao lại suy nghĩ lệch lạc như vậy? Các ô ký tự dùng để giúp các em nhỏ phân biệt được các tiếng trong câu. Mỗi ô tương ứng một tiếng. Muốn biết trong câu có bao nhiêu tiếng thì đếm ô sẽ dễ nhận biết hơn. Cách dạy đưa hình ảnh vào phương pháp đọc rất thành công trong chương trình dạy của nước ngoài và áp dụng ở Việt Nam". Ảnh: T. Tr. Trần.