Li Nian chụp ảnh tốt nghiệp theo trào lưu mới. |
Trong những tuần gần đây, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc đã cùng đăng lên mạng xã hội những tấm hình với tạo hình "mệt mỏi", được nhận xét như một cách phản ánh áp lực họ đang đối mặt khi chuẩn bị bước chân vào thị trường lao động, theo CNN.
Li Nian, nghiên cứu sinh vừa tốt nghiệp giữa tháng 6, là một trong những người đăng tấm hình ra trường theo trào lưu mới. Bất chấp thực tế khó khăn, Li và những người khác coi trào lưu chụp ảnh tốt nghiệp chỉ là trò vui, giúp lưu giữ kỷ niệm theo cách ấn tượng.
Li đăng tấm ảnh lên mạng và nhiều người nhận xét cô mệt mỏi, nhưng cô lại thấy bức hình rất hài hước. Trong một bức ảnh, cô ngồi rũ người trên băng ghế công viên, một bức khác cô ngồi gập người ngay dưới lối đi.
"Tôi sẽ nhớ tấm ảnh tốt nghiệp như vậy đến hết đời", Li nói với CNN.
Cô nhấn mạnh những tấm ảnh chỉ có mục đích là để ăn mừng khi đã hoàn thành chuỗi ngày học tiến sĩ đầy vất vả. "Tôi chẳng nghĩ gì ngoài niềm vui khi chụp như vậy".
Giống như Li, nhiều sinh viên khác nói rằng trào lưu này chỉ là "bước ngoặt" về cách chụp ảnh tốt nghiệp so với truyền thống. Một người nhận xét kiểu chụp ảnh "khuôn mẫu" với "gấu bông và hoa tươi" khá nhàm chán.
Li cảm thấy thoải mái sau khi tốt nghiệp, cô chụp hình độc đáo để lưu giữ kỷ niệm. |
Bên cạnh đó, Li cũng hiểu được cảm xúc của nhiều người khi họ nghĩ rằng bức ảnh tốt nghiệp của cô phản ánh nỗi đau của người mới ra trường.
Li đã học lên tiến sĩ ngay khi tốt nghiệp đại học, và với cô ngần ấy năm ngồi trên ghế nhà trường đã quá đủ.
Sau khi rải hồ sơ nhiều nơi, cô vẫn không tìm được công việc như ý. Cô dự định ra nước ngoài để theo học chương trình sau tiến sĩ, hy vọng kinh nghiệm quốc tế có thể mang lại nhiều cơ hội tìm được việc làm ở quê nhà.
Con số kỷ lục 11,6 triệu sinh viên đại học sẽ gia nhập thị trường việc làm trong mùa hè này, nhưng tình tương đối ảm đạm. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị đang ở mức 20,8% và người trẻ muốn tìm việc phải chấp nhận cạnh tranh.
Một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn là giáo dục - vốn là lĩnh vực thu hút nhiều người lao động.
Trong nhiều chủ đề trên mạng xã hội, người trẻ mới ra trường đặt câu hỏi liệu có đáng để đăng ký học lên thạc sĩ hay không, trong khi những người lớn tuổi hơn tỏ ra thông cảm.
Thanh niên Trung Quốc hiện tại là nhóm có trình độ học vấn cao nhất trong nhiều thập kỷ, số người tốt nghiệp từ các trường cao đẳng và trường nghề cũng cao kỷ lục.
Tuy nhiên, điều này đã tạo nên sự chênh lệch tương đối giữa kỹ năng và kỳ vọng của họ so với các cơ hội sẵn có. Không ít sinh viên lo ngại tấm bằng của họ không có nhiều giá trị với nhà tuyển dụng.
Nỗi lo ấy thúc đẩy nhiều người học lên thạc sĩ, tiến sĩ để gia tăng cơ hội việc làm. Trong khoảng 10 năm qua, đã có 6,5 triệu bằng thạc sĩ và hơn 600.000 bằng tiến sĩ được cấp, theo Bộ Giáo dục Trung Quốc.
Đại dịch khiến cơ hội việc làm trở nên khó kiếm hơn, buộc chính phủ yêu cầu các trường đại học tiếp nhận nhiều ứng viên thạc sĩ hơn trong năm 2020. Song ngay cả bằng thạc sĩ hay tiến sĩ cũng không phải tấm vé bảo đảm để có việc làm.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao. Theo báo cáo gần đây của các nhà phân tích của Goldman Sachs, các nước châu Âu như Tây Ban Nha và Italy cũng đang phải vật lộn với tỷ lệ lãi suất vượt quá 20%.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.