Thời gian gần đây, tại Trung Quốc rộ lên trào lưu các cô gái trẻ thử quần áo trẻ em để khoe dáng. Vì kích cỡ nhỏ, những chiếc áo phông trở thành dạng crop top, giúp để lộ vòng eo nhỏ và bờ vai mảnh mai của người mặc.
Theo The Paper, những trào lưu khoe vóc dáng, nét đẹp cơ thể tương tự không hiếm trên mạng xã hội. Trước đây, dân mạng từng theo nhiều trend như khoe vòng eo A4, vòng tay chạm rốn, đặt đồng xu hay "nuôi cá" trên xương quai xanh...
Mỗi thời điểm, dân mạng lại dành sự ca tụng cho một nét đẹp nào đó. Tuy nhiên mỗi trào lưu đi kèm thường dấy lên những cuộc bàn luận về chứng lo âu cơ thể. Nhiều người tranh cãi liệu việc ca ngợi những nét đẹp riêng biệt sẽ tạo thành động lực để mọi người phấn đấu hay tạo ra áp lực tâm lý về ngoại hình của mình.
Loạt trào lưu trên mạng ca ngợi thân hình mình dây, eo con kiến hay xương quai xanh khiến nhiều người thấy lo lắng về cơ thể mình. |
Truyền thông tạo nên sự ám ảnh ngoại hình
Theo The Paper, công chúng thường chú ý quá nhiều đến cân nặng và sự quyến rũ của phụ nữ.
Sự chú tâm thái quá này được thể hiện qua các phương tiện truyền thông theo nhiều cách khác nhau, như quảng bá hình ảnh cơ thể không thực tế và khó đạt được hoặc đề cao ngoại hình của phái đẹp hơn là thành tích của họ.
Jamila Jameel là người dẫn chương trình nữ đầu tiên trong vòng 60 năm kể từ khi chương trình BBC Radio One’s British Music Charts bắt đầu phát sóng. Cô hút sự chú ý nhờ vẻ ngoài xinh đẹp, tài năng nổi bật.
Song mới đây Jamila đã giành được giải Body Self-Love Award khi cô bày tỏ bức xúc vì thành tích dẫn chương trình của mình (bao gồm cả việc thu hút 250.000 lượt nghe cho các chương trình bảng xếp hạng âm nhạc) bị lu mờ bởi những bài báo "tiêu cực" về việc tăng cân của cô.
Xinh đẹp và tài năng song Jamila Jameel vẫn bị bôi xấu chỉ vì tăng cân. |
Dữ liệu mới nhất từ "Khảo sát ý kiến xã hội" của Anh cho thấy chỉ 63% phụ nữ trong độ tuổi 18-34 hài lòng với ngoại hình của mình, con số này là 57% đối với phụ nữ ở độ tuổi 35-49.
Phụ nữ quá béo hay quá gầy đều bị "ném đá". Người gầy bị cho là do nhịn ăn, giảm cân. Người thừa cân bị chỉ trích là thích hưởng thụ, không biết yêu bản thân và sẽ phải chịu trách nhiệm về hậu quả. Trong cả hai trường hợp, "nạn nhân" ít khi được quan tâm về những vấn đề rối loạn thể chất, hay do họ ám ảnh bởi những thông tin tuyên truyền.
Không chỉ phụ nữ, mà nam giới cũng gặp phải áp lực về vẻ bề ngoài. Ngày nay, nhiều người cảm thấy ngoại hình của họ ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của cuộc sống, và sự lo lắng về cơ thể có thể dẫn đến các hành vi nguy hiểm cùng tình trạng sức khỏe kém như trầm cảm, rối loạn ăn uống, béo phì và tự ti.
Tuy nhiên, việc thuyết phục mọi người rằng ngoại hình không phải là điều quan trọng nhất là một nhiệm vụ khó khăn, và kêu gọi họ thoải mái với cơ thể mình dường như không có tác dụng.
"Có gì sai với cơ thể của chúng tôi?", "Ai phải chịu trách nhiệm cho việc này?" là những câu hỏi được đưa ra. Mặc dù có rất nhiều ý kiến và thảo luận, vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.
Điều cần thiết là phát triển một nền văn hóa xã hội và chính trị cho phép các phương tiện truyền thông đại chúng, ngành công nghiệp làm đẹp và ngành thời trang chịu trách nhiệm với những tuyên truyền của họ.
Năm 2010, Bộ Bình đẳng của Anh đã phát động phong trào tự yêu bản thân. Bộ trưởng khi đó là Lynn Featherstone đã giải thích tầm quan trọng của phong trào tự yêu bản thân: "Cho dù có một cơ bụng hoàn hảo hay thân hình gầy gò ốm yếu, người ta vẫn liên tục bị những hình ảnh cơ thể khác xa với thực tế và chỉnh sửa quá đà làm tổn hại đến lòng tự trọng của họ".
Featherstone tuyên bố phong trào tự yêu bản thân sẽ "hợp tác chặt chẽ với phương tiện truyền thông và các ngành công nghiệp khác để đảo ngược xu hướng này, thúc đẩy chân dung đa dạng và chân thực hơn về nam giới lẫn phụ nữ".
Phong trào nhằm tìm ra giải pháp từ nguyên nhân gốc rễ và hậu quả của chứng lo âu cơ thể, thông qua việc thiết lập một hỗ trợ tốt hơn hệ thống và hợp tác với ngành công nghiệp thời trang và ngành công nghiệp làm đẹp.