Trào lưu làm phim ngắn 'sến'
Gần đây, nhiều bộ phim ngắn của các đạo diễn trẻ nghiệp dư ra đời, mang theo thông điệp ý nghĩa, sâu sắc, có nhiều thể loại như tình cảm, rùng rợn, hài hước nhưng đều có chung mô-típ là tình cảm quá ủy mị.
Đầu tiên phải kể đến bộ phim ngắn Chị ơi! Anh yêu em. Đây là bộ phim có thật, được chuyển thể từ câu chuyện của một thành viên trên diễn đàn, kể về chuyện tình yêu chị - em. Từng lấy đi khá nhiều nước mắt của khán giả, nhưng phim vẫn chưa thoát khỏi cái kết thúc sến như phim Hàn Quốc khi để chàng trai nói: "Anh yêu em, anh muốn gào lên, muốn hét lên như vậy nhưng anh không thể, vì yêu em anh mới làm vậy...". Điều khiến bộ phim ghi dấu ấn cực đậm trong lòng người xem vì sự "sến" của nó.
Hình ảnh trong phim Chị ơi, anh yêu em. |
Nếu một ngày cũng là bộ phim khiến khán giả phải "la ó" về những câu thoại "sến". Toàn bộ phim nói về câu chuyện tình yêu lãng mạn của hai nhân vật là một chàng trai và một cô gái.
Phim xoay quanh những câu hỏi của cô gái về điều chàng trai muốn nhìn thấy nhất, nghe thấy nhất, muốn làm nhất, muốn nhớ đến nhất… Câu trả lời của chàng trai hé lộ những cảm xúc bình an nhất khi hai trái tim hòa cùng nhịp đập, khi cả thế giới chỉ dành riêng cho hai con người ở cạnh bên nhau. Có thể nói, Nếu một ngày vẫn bị chữ sến xuyên suốt từ đầu đến cuối câu chuyện.
Những hình ảnh sến ngập tràn phim tình cảm ngắn. |
Trái ngược với Nếu một ngày, phim ngắn Đi về phía em lại không có một lời thoại nào. Bộ phim kể về một cuộc gặp gỡ định mệnh giữa chàng trai ngoại tỉnh và cô tình nguyện viên xứ Huế. Một ánh nhìn và nụ cười làm quen nhưng lại được đáp lại bằng ánh mắt "hình viên đạn" của cô gái làm chàng trai hơi xấu hổ và bỏ đi. Tưởng rằng tất cả sẽ nhạt phai theo gió, nhưng định mệnh đã để họ một lần nữa gặp lại nhau.
Hình ảnh trong phim Đi về phía em. |
Câu chuyện tình yêu trong phim mơ hồ và ngay cả những ca khúc nhạc nền trong phim cũng vậy. Với cảm xúc thoáng qua khó có thể chạm tới cùng với cái kết mở, Đi về phía em mang đến cho người xem những cảm xúc khá nhẹ nhàng như tiêu đề của phim.
Cô gái và chàng trai dễ dàng tìm đến nhau như phim Hàn. |
Gần đây, tiếp tục dòng chảy này là bộ phim ngắn Xin lỗi… anh chỉ là thằng bán bánh giò. Đây là câu chuyện tình đẹp về chàng trai bán bánh giò và cô gái bán bánh tráng. Mặc dù cả hai gặp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình cô gái nhưng tình yêu của hai người đã vượt lên tất cả. Kết phim là hình ảnh thê lương của cô gái và sự xót xa, hối hận của bố mẹ nàng bên bia mộ chàng trai.
Hình ảnh trong phim ngắn Xin lỗi... anh chỉ là thằng bán bánh giò. |
Chính tình huống và những câu thoại rất thật trong phim đã truyền đạt thông điệp lớn nhất của phim tới khán giả. Tuy nhiên, cái chết "lãng xẹt" của nhân vật nam chính đã khiến ý nghĩa của bộ phim giảm đi một chút.
Các bộ phim ngắn hiện nay thường đánh vào lòng thương cảm của khán giả. |
Những bộ phim ngắn này đều đi chung một mô-típ quen thuộc, khi bắt đầu đã có thể đoán được kết thúc và dễ dàng lấy đi nước mắt của khán giả khi xem. Điều này vô hình tạo nên sự hiểu lầm, vì khán giả sẽ ngộ nhận, các nhà làm phim đang cố gắng dùng nỗi đau trong tình yêu, cuộc sống của con người để lấy nước mắt của mình.
Các đạo diễn trẻ nên tránh bi lụy hóa tác phẩm của mình. |
Dĩ nhiên, nếu cứ tiếp tục đi theo con đường này, các bộ phim ngắn đó cũng chỉ như các tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc - rất bi lụy và thiếu sức sống. Hy vọng các đạo diễn trẻ sẽ cố gắng tìm kiếm nhiều hơn các đề tài trong cuộc sống, giúp nâng tầm dòng chảy điện ảnh trẻ Việt Nam.
Theo Tiin