Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trào lưu sử dụng poster cổ động quảng cáo phim bom tấn

"X-Men: Days of Future Past", "District 9" và mới đây nhất là "Transformers: Age of Extinction" là các tác phẩm bom tấn tiêu biểu sử dụng poster cổ động cho chiến dịch quảng bá.

Transformers: Age of Extinction là tác phẩm bom tấn mới nhất đi theo trào lưu sử dụng poster cổ động trong quá trình quảng bá trước khi phim ra mắt. Thay vì trực tiếp quảng cáo cho bộ phim, những poster này mang thông điệp chống lại các người máy biến hình.

Lý do bởi sau trận chiến tại Chicago, các Transformer bị coi là mối hiểm họa đối với Trái Đất và cần phải bị ngăn chặn. Hình ảnh và ngôn ngữ trên các poster này dễ dàng khiến khán giả liên tưởng đến các chương trình nâng cao ý thức người dân trong chiến dịch chống khủng bố tại nước Mỹ.

Transformers: Age of Extinction chắc chắn không phải là bộ phim đầu tiên sử dụng những poster kiểu này. Một trong những xu hướng của các poster cổ động dành cho phim là nhằm thể hiện sự chống lại dành cho các nhân vật chính diện. Với X-Men: Days of Future Past, hai tấm poster cổ động cho chiến dịch săn lùng dị nhân với các robot Sentinel là trung tâm đã được tung ra tại hội chợ Comic-Con San Diego năm 2013.

Thêm một lần nữa, ý tưởng chống lại tuyến nhân vật chính lại xuất hiện mà ở đây là các dị nhân X-Men. Một điều kỳ lạ là không hề có chữ X-Men hay Days of Future Past nào xuất hiện trên hai poster. Tại thời điểm ra mắt, các poster này gần như chỉ hướng đến lớp khán giả hâm mộ nguyên tác truyện tranh X-Men, những người chắc chắn sẽ nhận ra các Sentinel chỉ qua một cái liếc mắt, và kích thích họ tới rạp xem phim từ ngay tuần lễ đầu tiên. Với hơn 500 triệu USD doanh thu toàn cầu lúc này, xem ra các chuyên gia marketing của X-Men: Days of Future Past và hãng 20th Century Fox đã thành công.

Tuy nhiên, trường hợp của bộ phim khoa học viễn tưởng Transcendence có sự tham gia của tài tử Johnny Depp lại hoàn toàn ngược lại. Phim sử dụng loạt poster cổ vũ cho lực lượng cực đoan chống công nghệ R.I.F.T. nhưng đã trở thành một thất bại thảm hại tại phòng vé. Tất nhiên những poster này không phải là lý do chính khiến Transcendence chỉ thu được gần 23 triệu USD tại thị trường Bắc Mỹ kể từ khi ra mắt vào ngày 18/4.
Trở lại năm 2009, xu hướng sử dụng các poster cổ động để quảng bá phim được hâm nóng bởi District 9. Bộ phim khoa học viễn tưởng xoay quanh một giống người ngoài hành tinh bị cô lập tại một trại tị nạn ở Johannesburg, một ẩn dụ cho chủ nghĩa apartheid tại Nam Phi trong quá khứ. Thậm chí đã có người gọi đến số điện thoại trên poster và tường trình về việc nhìn thấy những sinh vật “không phải là người”.

Chiến dịch quảng bá cho District 9 với các poster cổ động được thực hiện rất rộng rãi, xuất hiện trên tòa nhà, các trạm dừng xe buýt và cả trên xe bus. Ý tưởng được coi là thế mạnh lớn nhất của District 9 bởi bộ phim không có sự tham gia của bất cứ ngôi sao lớn nào và là tác phẩm phim dài đầu tiên của đạo diễn Neill Blomkamp. Cuối cùng, District 9 đã thu về được 115 triệu USD tại Bắc Mỹ và nhận được 4 đề cử Oscar, trong đó có hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất.

Kể từ đó, hình thức marketing này được rất nhiều studio ưa chuộng. Có thể kể đến bộ phim Battle: Los Angeles hồi năm 2011.

Bộ phim The Purge trong mùa hè 2013.

Bộ phim Ender’s Game trong tháng 11/2013.

Bom tấn The Hunger Games: Catching Fire cũng sử dụng poster cổ động về chuyến diễu hành chiến thắng của hai nhân vật chính làm tài liệu quảng cáo sớm.

Cùng một số bộ phim hành động khác như Total Recall (2012), G.I. Joe: Retaliation (2013) và Pacific Rim (2013).

Không chỉ có những tác phẩm bom tấn hành động hay khoa học viễn tưởng, poster cổ động đôi khi cũng được sử dụng cho các thể loại phim khác. Một ví dụ tiêu biểu là bộ phim hài The Campaign hồi năm 2012.

Tô Lệ Trân (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm