Từ đầu năm học 2021-2022 tới nay, trừ một lần lên trường nhận phần thưởng học kỳ I, còn lại, hai con trai chị Quỳnh Ngân (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chưa được đến lớp buổi nào.
Việc học online kéo dài khiến trẻ mất dần hứng thú, tính cách chịu ảnh hưởng còn người lớn chuyển từ tâm lý giữ con ở nhà tránh dịch sang mong con sớm ngày đi học trực tiếp để thoát khỏi 4 bức tường và màn hình máy tính.
Con trai lớn của chị Quỳnh Ngân từng bật khóc xin mẹ giúp đỡ vì không thể nào tập trung học trực tuyến. Ảnh: Q.N. |
Học online lâu ngày mất nhiều hơn được
Con trai lớn của chị Quỳnh Ngân học lớp 6. Bình thường, con học rất tốt. Thời gian đầu, con nhanh chóng thích ứng với việc học online. Trong học kỳ I, cuối ngày, giáo viên nhận xét chung cả lớp, con thường được khen nhờ tích cực tham gia xây dựng, đóng góp bài.
Thế nhưng, gần đây, con bắt đầu có dấu hiệu sa sút về học tập. Ở học kỳ II, tên con ít khi xuất hiện trong những lời nhận xét của cô. Thỉnh thoảng, giáo viên nhắc đến con nhưng lại nằm trong số những bạn bị nhắc nhở.
Tính cách con thay đổi nhiều, trở nên thu mình, ít chia sẻ với mẹ dù trước kia, mẹ con vốn rất gần gũi. Con thường cáu giận, thậm chí đánh em trai.
Chị Quỳnh Ngân từng ngồi lại, nói chuyện, con có nhận sai nhưng vừa tâm sự vừa khóc dù mẹ không mắng câu nào.
“Con hỏi mẹ giúp con được không chứ con không biết làm sao nữa. Con không còn hứng thú học, ngồi nghe cô giảng mà không vào đầu, không hiểu cô nói gì nữa. Tôi nghe vậy, xót xa lắm nhưng không biết giúp con như thế nào”, nữ phụ huynh kể.
Bé thứ 2, học lớp 4, cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc ở nhà, học online lâu ngày. Trong giờ học, con thường chạy khỏi chỗ ngồi, làm việc này việc kia. Học lên kỳ II, con quên kiến thức ở kỳ I.
“Thế giới của con bây giờ thu bé lại chỉ có quanh phòng học và cái máy tính. Con học trực tuyến sáng từ 8h đến 11h45, chiều 14h-16h45, buổi tối, con làm bài tập trên máy tính đến khoảng 22h. Người lớn mà như vậy còn không chịu nổi, huống chi trẻ con”, bà mẹ 2 con tâm sự.
Con tiếp xúc với máy tính nhiều, thị lực suy giảm. Hiện tại, ngồi ở sofa xem TV, con còn không đọc được chữ trên màn hình. Việc thiếu các hình thức vận động cũng khiến sức khỏe con kém đi.
Hơn nữa, con học online lâu ngày, sử dụng máy tính thành thạo, theo chị Quỳnh Ngân, còn dẫn đến nhiều hệ lụy.
Việc con ngồi suốt ngày trên máy tính khiến sức khỏe, thị lực suy giảm. Ảnh: Q.N. |
Như ở nhà chị, con trai học lớp 4 đã biết mở cùng lúc 2 tab. Một tab học online, tab còn lại chơi trò chơi. Chơi xong, con còn biết vào xóa lịch sử duyệt web để người lớn đi làm về, kiểm tra, không phát hiện. Nếu không phải khi ngồi ở cơ quan, theo dõi qua camera, chị không thể biết con chơi game trong giờ học.
Trong khi đó, con trai chơi game nhưng bé ý thức được việc này ảnh hưởng đến học tập, tâm lý như thế nào.
“Đến nỗi con khóc lóc, xin mẹ giúp con chứ con không thể ngừng nghĩ hay ngừng tranh thủ chơi”, chị Ngân chia sẻ thêm.
Chưa kể đến, khi có máy tính bên cạnh, các con lười suy nghĩ. Gặp bài khó, con ngay lập tức lên mạng tra cứu, môn nào cũng vậy. Bà mẹ 2 con bất lực, yêu cầu con tắt máy nhưng con trả lời cô giao bài trên đó. Mẹ lại không thể ngồi cạnh con để kiểm soát việc này.
Tuy nhiên, chị Quỳnh Ngân thừa nhận khó cấm trẻ sử dụng Internet để làm bài vì ngay cả người lớn cũng phụ thuộc vào công nghệ, “gõ vài phím là ra, tội gì phải nghĩ”. Dù vậy, ngày nào chị cũng phải nhắc con hạn chế lên Internet, tập cách tự suy ngẫm để làm bài.
Chị Quỳnh Ngân cho 2 anh em giải trí và dù không quá thích mèo, chị chấp nhận nuôi mèo để 2 con có bạn trong thời gian ở nhà học trực tuyến. Ảnh: Q.N. |
Mở cửa trường là giải pháp duy nhất
Thực tế, thời gian qua, chị Quỳnh Ngân rất cố gắng để đồng hành với con, dành nhiều thời gian giúp con học online. Buổi trưa, chị tranh thủ giờ nghỉ, chạy về nhà, chăm lo cho 2 đứa trẻ. Buổi tối, chị ngồi cạnh, kèm con nhỏ học bài, giảng lại để con hiểu. Hôm nào chị bận, việc học của con lại “láo nháo”.
Thế nhưng, nỗ lực của người mẹ vẫn không thể thay thế việc học tập, vui chơi ở trường. Dù còn lo ngại dịch bệnh, chị Ngân thừa nhận mở cửa trường học là giải pháp tốt nhất, thậm chí duy nhất, lúc này.
Chị bất lực, không thể giữ con ở nhà được nữa vì mất nhiều hơn được. Cái mất đó là tính cách của con, khó mà lấy lại được như trước.
“Người lớn trầm cảm, trẻ con cũng trầm cảm chứ. Với người lớn, thế giới là ngoài xã hội, công việc, gia đình. Trẻ con, thế giới của chúng là trường học. Trẻ không được đến trường mà chỉ bó gọn trong không gian một phòng và cái máy tính, không giao lưu tiếp xúc với ai”, chị Quỳnh Ngân chia sẻ.
Chị từng rất sợ con mắc Covid-19, đến mức hầu như không dám cho con ra ngoài chơi vì con chưa được tiêm vaccine và con trai lớn có bệnh nền.
Thế nhưng, sau thời gian dài con học online, thấy tâm lý con bất ổn, chị vừa cho con đến Phú Quốc - điểm du lịch nổi tiếng - để giải tỏa bớt. Quyết định được đưa ra nhanh chóng, con vui chơi thoải mái, tâm trạng đỡ hơn nhưng vẫn chưa thể được như trước do đã chịu đựng trong khoảng thời gian dài.
Sau chuyến đi, chị Ngân càng thêm mong mỏi ngày con đến trường. Hai đứa trẻ cũng tâm sự muốn được đến lớp dù rất sợ bệnh. Vì thế, lúc đi chơi, con thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, mong khỏe mạnh để sớm ngày tới lớp.
Nỗi lo vẫn còn đó song vơi đi ít nhiều. Chị Ngân từng giữ con ở nhà, không muốn con đến lớp hay ra ngoài vì sợ con mắc Covid-19, còn lây cho người khác. Nhưng sau Tết Nguyên đán, Hà Nội lập đỉnh dịch, người nhà, người quen mắc Covid-19. Bạn học của con cũng nhiễm nCoV. Lúc này, chị Ngân thấy không trốn tránh được mãi, nếu cứ sợ dịch, chắc con phải ở nhà suốt đời.
“Tôi mong con tiêm vaccine sớm để đi học. Nhưng kể cả khi chưa tiêm, nhà trường mở cửa, tôi vẫn gửi con đến lớp. Tôi thấy đã đến lúc cho trẻ quay lại trường, tái hòa nhập cộng đồng, khắc phục tình trạng do học trực tuyến lâu ngày gây ra”, phụ huynh Quỳnh Ngân cho hay.
Chia sẻ với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng Hà Nội nên cho trẻ mầm non, tiểu học đi học tập trung. Trẻ ở nhà lâu ngày có nguy cơ mất an toàn (tai nạn), trầm cảm hay vẫn lây nhiễm từ cha mẹ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền Nhiễm TP.HCM, cho rằng Hà Nội hoàn toàn có thể để trẻ lứa tuổi này đến lớp. Ông nhấn mạnh trẻ vẫn mắc Covid-19 kể cả khi ở nhà, do đó, không thể đổ thừa việc cho trẻ đi học làm tăng nguy cơ, số ca nhiễm SARS-CoV-2.
Ông cho biết khi dương tính nCoV, trẻ trải qua triệu chứng nhẹ, có thể sốt cao nhưng tự hết trong vòng 48 tiếng, không nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó, trẻ ở nhà học online lâu ngày dẫn đến những hệ lụy mà mọi người đều thấy rõ như thiệt thòi về mặt cảm xúc, bệnh tật về tai, mắt.