Gây nhiều ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe trẻ em, thừa cân, béo phì trở thành mối lo ngại chung của nhiều gia đình và toàn xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19.
Để giải đáp băn khoăn của các bậc cha mẹ có con thừa cân, béo phì, Zing News phối hợp Bộ Y tế và Nutifood tổ chức buổi phỏng vấn trực tuyến “Phòng, chống thừa cân và béo phì ở trẻ trong mùa dịch Covid-19”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình “Phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam” phát động bởi Bộ Y tế.
Buổi phỏng vấn trực tuyến “Phòng, chống thừa cân và béo phì ở trẻ trong mùa dịch Covid-19” có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng uy tín, gồm:
- TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Lâm sàng, Tiết chế, Bệnh viện Nhi Trung ương.
- PGS.TS Bùi Thị Nhung - Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
- BS CKI Trần Thị Minh Nguyệt - Viện trưởng Viện nghiên cứu Dinh dưỡng TP.HCM.
- 2022-04-25 18:00+0700
Tự động cập nhật sau 30 giây
-
Thưa bác sĩ, hàng ngày tivi báo đài nhắc rất nhiều về vấn đề thừa cân, béo phì ở trẻ. Nhưng tôi khá mông lung chưa hiểu thừa cân, béo phì khác gì nhau; chúng có phải từ ngữ chỉ chung một thể trạng hay không?
Thừa cân bao giờ cũng đi kèm béo phì. Trước đây khi nhìn một em bé bụ bẫm, mọi người thường rất thích vì nghĩ đó là em bé khỏe mạnh. Tuy nhiên ngày nay, thừa cân mang đến nhiều hậu quả không tốt cho sức khỏe, nên cũng được các cha mẹ nhắc đến khá nhiều.
Hình thể mỗi đứa trẻ phụ thuộc vào cân nặng và chiều cao. Thừa cân là tình trạng cân nặng vượt quá so với chiều cao, là tiền đề dẫn đến béo phì. Sau một thời gian tích lũy khi cân nặng vượt quá so với chiều cao thì sẽ xảy ra béo phì. Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ thái quá, có thể toàn thân hay cục bộ. Béo phì được gọi là bệnh bởi nó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
-
Làm thế nào để xác định một trẻ bị thừa cân, béo phì. Tôi băn khoăn cách đo bằng chỉ số BMI đã đủ chính xác chưa, hay con cần làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn?
Béo phì ở trẻ em khác với người lớn. Ở người lớn có rất nhiều phương pháp để xác định thừa cân, béo phì. Đơn cử, ngoài chỉ số BMI dựa vào cân nặng và chiều cao, còn có thể dựa trên đánh giá lượng mỡ tích lũy cục bộ. Bởi người lớn còn tham gia các hoạt động tập luyện, thể hình nên cơ thể xuất hiện các khối nạc thay vì khối mỡ, khiến trọng lượng tăng.
Trẻ em không tập luyện thể hình, nên không có chuyện khối nạc quá nhiều dẫn đến thừa cân. Do vậy, chỉ có thể đánh giá bằng chỉ số BMI về tỷ cân nặng và chiều cao. BMI là chỉ số được khuyến cáo sử dụng bởi các hiệp hội y khoa nổi tiếng như CDC, WHO…
Ở người lớn, việc tính BMI chỉ ở một ngưỡng duy nhất. Nhưng ở trẻ em, chỉ số BMI phụ thuộc vào tuổi và giới tính. Trẻ dưới 2 tuổi không có chẩn đoán về tình trạng béo phì.
Với những trẻ có nguy cơ, tức chỉ số BMI bình thường nhưng bố mẹ có gene béo phì…, có thể làm các xét nghiệm để chuẩn đoán nguy cơ hoặc ảnh hưởng từ béo phì đến sức khỏe: Xét nghiệm mỡ máu, siêu âm gan máu nhiễm mỡ, cholesterol… Các xét nghiệm này để chẩn đoán biến chứng, dự đoán tác hại ở trẻ thừa cân, béo phì.
-
Có cách nào để tôi phát hiện sớm tình trạng thừa cân ở con không? Tôi nên lưu ý chế độ dinh dưỡng ra sao để phòng ngừa sớm tình trạng thừa cân, béo phì cho con?
Để xác định sớm việc trẻ có thừa cân, béo phì hay không, cha mẹ cần theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ, so sánh với biểu đồ tăng trường BMI. Nếu trẻ tăng cân quá nhanh so với lứa tuổi trung bình, đó là những dấu hiệu cho thấy trẻ thừa năng lượng và có khả năng thừa cân, béo phì.
Về chế độ dinh dưỡng, để hạn chế tình trạng này, cha mẹ cần lưu ý cho con ăn vừa đủ với nhu cầu. Ở lứa tuổi nay, nhu cầu dinh dưỡng của con rất cao để phục vụ sự phát triển. Tuy nhiên, không phải cứ ăn thật nhiều là tốt. Ăn vừa đủ với nhu cầu, đảm bảo các chất dinh dưỡng để con phát triển chiều cao, trí não, phát triển toàn diện về thể chất mà không bị thừa cân, béo phì.
-
Đâu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng thưa bác sĩ? Có nguyên nhân nào đến từ thói quen chăm con của phụ huynh Việt không?
Nguyên nhân chính là việc năng lượng ăn vào vượt quá năng lượng tiêu hao và nhu cầu cơ thể. Không riêng các thực phẩm kém lành mạnh, cả những thực phẩm dinh dưỡng nhưng nếu ăn quá nhiều mỗi ngày cũng tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.
Theo các điều tra của chúng tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân, béo phì. Đó có thể là việc ăn uống vượt quá nhu cầu về năng lượng và chất đạm, do phụ huynh không ước lượng được bữa ăn của trẻ, hoặc cho ăn nhiều vào bữa chiều và tối - thời điểm trẻ không cần nhiều năng lượng nữa.
Một nguyên nhân nữa là do ít hoạt động thể lực; ăn đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn có năng lượng cao. Đơn cử, 100 g hoa quả chỉ có 40-50 kcal. Nhưng 100 g bánh gọt có 400-500 kcal. Hay nhiều phụ huynh cho con đi bơi hàng tuần, nhưng bơi xong lại cho con uống một chai nước ngọt, một cây xúc xích chiên… khiến năng lượng ăn vào gấp 2-3 lần năng lượng tiêu hao. Ngoài ra, nhiều cha mẹ, ông bà ưa thích trẻ em bụ bẫm.
Theo một nghiên cứu chúng tôi thực hiện với các phụ huynh có con học tiểu học ở một số tỉnh thành cả nước, đa phần phụ huynh thích hình ảnh trẻ cao lớn hơn so với trung bình. Kết quả khảo sát cho thấy, đa số mẹ có con sở hữu chỉ số bình thường lại nhận định con thiếu cân. Các bà mẹ có con thừa cân cho rằng con bình thường. Còn nhiều mẹ có con béo phì lại chỉ nghĩ trẻ thừa cân. Cụ thể, có 27% trẻ bị béo phì nhưng chỉ có 2% phụ huynh nhận định đúng về tình trạng này của con; 25% còn lại chỉ nghĩ con thừa cân.
Việc bố mẹ có nhận định sai và vẫn duy trì bữa ăn của con sẽ càng khiến trẻ tích lũy cân nặng và tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.
-
Tôi nghe có người nói trẻ uống nhiều sữa quá cũng sẽ dễ bị thừa cân béo phì. Điều này đúng hay sai thưa bác sĩ?
Trẻ nạp năng lượng quá nhiều, cơ thể sẽ tích lũy mỡ, tăng cân nhanh dẫn đến thừa cân, béo phì. Do vậy, việc nạp năng lượng từ bất cứ nguồn nào cũng mang đến nguy cơ, bao gồm cả sữa dù đây là thực phẩm rất quan trọng với sự phát triển của trẻ. Cái gì nhiều quá cũng không tốt. Việc uống quá nhiều sữa cũng tăng nguy cơ thừa cân.
-
Thưa bác sĩ Nhung, từ thực thế điều trị và nghiên cứu của mình, bác sĩ thấy trẻ em ở lứa tuổi nào dễ gặp phải tình trạng thừa cân, béo phì nhất?
Chúng tôi theo dõi các nghiên cứu ở trẻ lứa tuổi mầm non dưới 5 tuổi, trẻ tiểu học 6-10 tuổi thì thấy tình trạng này dễ mắc ở trẻ dưới 5 tuổi.
Theo kết quả điều tra dinh dưỡng, 12% trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thừa cân béo phì. Nếu lứa 5-19 tuổi chia làm 3 giai đoạn, thì trẻ lứa tuổi tiểu học có tỷ lệ thừa cân béo phì cao nhất.
Theo một khảo sát dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện ở 6 tỉnh thành là Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, An Giang, Sóc Trăng, kết quả cho thấy tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì ở trẻ lứa tuổi tiểu học là 41,9%, THCS là 31,2%.
Cũng ở 2 nhóm lứa tuổi này, béo phì tích lũy dần. Có những em gặp tình trạng béo phì nặng, ví dụ thừa 30-40 kg, dẫn đến hệ lụy về đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, gan nhiễm mỡ… Đó là những trường hợp béo phì nặng đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam.
-
Con gái tôi năm nay 3 tuổi, cao 90 cm và nặng 20 kg. Nhưng nhìn cháu vẫn khỏe mạnh, bụ bẫm nên gia đình tôi thấy không có vấn đề gì đáng lo. Vừa qua cháu bị sốt và phải đi khám. Bác sĩ ở phòng khám có nói con bị thừa cân. Điều đó khiến tôi khá lo lắng. Xin bác sĩ tư vấn!
Với chiều cao 90 cm tương đương với chiều cao trung bình của em bé 28-29 tháng. Em bé này chưa thuộc diện thấp còi, nhưng có chiều cao hơi thấp so với chuẩn. Với chiều cao 90 cm, cân nặng trung bình nên ở khoảng 13 kg, còn trên 16 kg được tính là thừa cân, béo phì rồi.
Nhiều người thường chỉ so sánh cân nặng theo tuổi, nhưng thực tế cần so sánh với chiều cao. Với trẻ em, cần sử dụng Z-Scores cân nặng theo tuổi hoặc Z-Scores BMI theo tuổi, tức là đánh giá BMI dựa trên một quần thể tham khảo chuẩn thì mới ước tính được tỷ lệ thừa cân, béo phì.
-
Dựa vào các nghiên cứu khoa học, bác sĩ Nhung có thể chia sẻ thêm về tác động của thừa cân, béo phì đối với sự phát triển của trẻ không?
Thừa cân béo phì gây nhiều ảnh hưởng không tốt với sức khỏe của trẻ. Theo các nghiên cứu của chúng tôi, một trong các ảnh hưởng thấy rõ nhất là rối loạn chuyển hóa lipid máu. Đã có những em bé bị cao huyết áp, hoặc rối loạn đường máu ở lứa tuổi tiểu học. Ca đái tháo đường trẻ nhất Việt Nam là em bé 8,5 tuổi với cân nặng 58,5 kg và chiều cao 1m51, mắc đái tháo đường do béo phì.
Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã thực hiện một khảo sát với 500 trẻ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi tiểu học trên địa bàn Hà Nội. Kết quả cho thấy 35-50% trẻ bị rối loạn mỡ máu, trên 10% mắc hội chứng chuyển hóa (hội chứng có 3/5 triệu chứng trong đó có rối loạn mỡ máu, huyết áp….). Ở lứa tuổi tiểu học mà có các hội chứng đó ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe.
Ngoài ra, tình trạng gan nhiễm mỡ ảnh hưởng đến các khớp xương, hô hấp, khiến trẻ tự ti, các rối loạn kinh nguyệt hay tăng nguy cơ dậy thì sớm. Nhiều người lo lắng việc uống sữa khiến con dậy thì sớm. Nhưng thực tế uống sữa không gây nguy cơ này, mà do thừa cân, béo phì.
-
Ngoài ảnh hưởng đến ngoại hình và sự phát triển của trẻ, béo phì còn dẫn đến những bệnh lý nào khác thưa các bác sĩ?
Thừa cân, béo phì được xác định là bệnh. Tuy nhiên, không phải trẻ thừa cân, béo phì nào cũng xuất hiện ngay những dấu hiệu đó. Nhiều cha mẹ không đưa con đi khám cũng không nhận ra con có các biến chứng như vậy.
Với trẻ em, béo phì có thể dẫn đến các phản ứng viêm nhiều hơn, hay rối loạn chuyển hóa mỡ máu.
-
Dịch Covid-19 khiến các con không được tới trường, giảm thời gian vận động. Điều này có vẻ tác động không nhỏ đến tình trạng thừa cân, béo phì. Bởi gần đây khi đưa con trở lại trường, tôi nhận thấy nhiều cháu có vẻ mập hơn trước. Thực tế tình trạng này trong cao điểm Covid-19 ở nước ta ra sao thưa bác sĩ?
Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, gần 2 năm trẻ phải ở trong nhà. Việc này ngoài ảnh hưởng đến tâm lý vì trẻ không được ra ngoài vận động, giao tiếp với mọi người, cũng tăng nguy cơ thừa cân béo phì và ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ ăn.
Trước dịch, chế độ ăn của trẻ ở lớp, ở nhà khá cân đối và trẻ có nhiều thời gian tập luyện thể dục, vận động trên lớp cũng sẽ tiêu hao bớt năng lượng. Tuy nhiên khi ở nhà nhiều, trẻ ăn nhiều thức ăn nhanh, chế biến sẵn giàu năng lượng, gây tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Ngoài ra, lo lắng dịch bệnh, nhiều cha mẹ bồi bổ con nhiều hơn để cơ thể khỏe mạnh.
Thực tế, nhiều người hiểu lầm khái niệm tăng cường miễn dịch. Đây là việc bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, chứ không phải năng lượng và chất đạm. Việc bồi bổ cho trẻ ăn nhiều cơm, thịt sẽ dẫn đến thừa năng lượng cho cơ thể.
-
Chăm sóc trẻ thừa cân khi bị Covid-19 có gì khác so với trẻ bình thường không? Tôi cần thay đổi chế độ dinh dưỡng của cháu và thay đổi một số loại thuốc phổ thông được dùng cho F0 hay không?
Thuốc điều trị cho trẻ béo phì phải tuân theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ, tùy theo tình trạng bệnh lý của bệnh nhân và khả năng đáp ứng thuốc, không thể giống trẻ thông thường.
Đơn cử, thuốc cho trẻ thông thường có thể tính theo cân nặng nhưng với trẻ béo phì thì tùy mức độ béo phì và loại thuốc khác nhau, bác sĩ sẽ tính toán nên sử dụng liều theo cân nặng hay cần điều chỉnh cân nặng về mức bình thường rồi mới tính liều thuốc. Tóm lại, cha mẹ không nên tự điều chỉnh, cần tham khảo tư vấn bác sĩ.
Về việc chăm sóc cho trẻ béo phì mắc Covid-19, trong phác đồ của Bộ Y tế cho việc hướng dẫn điều trị Covid-19 tại nhà, chỉ điều trị cho những người mắc bệnh nhẹ và không có bệnh nền. Béo phì là một trong những bệnh nền, tức cần điều trị tại bệnh viện. Điều này cũng cho thấy béo phì làm nguy cơ Covid-19 diễn biến nặng hơn thông thường.
Chủng Omicron nhẹ hơn, nên các phụ huynh có thể chủ động chăm sóc trẻ thừa cân, béo phì tại nhà. Cần chú trọng tăng sức đề kháng, bởi bản chất của những đứa trẻ này là thừa năng lượng, chất béo có hại quá nhiều. Có thể cho trẻ ăn nhiều loại trái cây, rau tươi giúp tăng sức đề kháng tốt hơn. Ngoài ra, sữa cũng là nguồn bổ sung năng lượng, dinh dưỡng cho trẻ thừa cân, béo phì mắc Covid-19 tốt nhất.
Thực tế, với các nhóm đối tượng khác nhau, việc bổ sung các loại sữa khác nhau cũng mang đến những hiệu quả khác nhau. Với trẻ ở lứa tuổi nhỏ, uống nhiều sữa khiến cơ thể tích lũy nhiều mỡ hơn nạc. Nhưng ở trẻ lớn hơn, chế độ ăn nhiều tinh bột, đạm động vật mới khiến cơ thể tạo ra nhiều khối mỡ hơn khối nạc; còn bổ sung sữa giúp tạo ra nhiều khối nạc hơn mỡ, lại cung cấp nhiều loại vi chất. Do vậy, tùy theo từng lứa tuổi khác nhau, cần cân đối lượng thực phẩm, sữa bổ sung vào cơ thể cho phù hợp.
Ngoài ra, thay vì mua các loại vitamin C để hỗ trợ điều trị Covid-19, phụ huynh nên cân nhắc thay thế bằng các loại rau củ tươi, chế biến tại nhà. Các thực phẩm này cung cấp lượng vi khoáng tốt hơn cho cơ thể.
-
Con tôi đang là F0. Tôi có đọc được một số nguồn thông tin rằng người thừa cân, béo phì nói chung sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi mắc Covid-19. Điều này có đúng không thưa bác sĩ?
Trong đợt dịch vừa rồi, không chỉ ở Việt Nam mà thống kê ở nhiều nước cho thấy các trường hợp béo phì, đặc biệt béo phì nặng ở cả trẻ em và người lớn khi mắc Covid-19 có nguy cơ diễn biến nặng hơn thông thường. Hiện nay, khi nhiều trẻ đã tiêm vaccine, đơn cử tại Hà Nội, tình trạng các em bé thừa cân, béo phì mắc Covid-19 bị diễn biến nặng đã thấp hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, thực trạng này không phải hết hoàn toàn, nên các cha mẹ cần hạn chế xuống tối thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho trẻ thừa cân béo phì. Không nên để trẻ ngày càng tăng cân nhiều hơn. Bởi không chỉ Covid-19, thừa cân, béo phì cũng khiến các căn bệnh khác diễn biến nặng hơn, dễ mắc biến chứng hơn.
-
Con tôi vốn đã bụ bẫm, sau khi khỏi Covid-19 cháu còn tăng cân không kiểm soát. Đây có phải do bị rối loạn hay di chứng hậu Covid-19 không thưa bác sĩ?
Trong rất nhiều di chứng sau Covid-19, không có báo cáo trên thế giới hay Việt Nam liên quan đến chuyện tăng cân. Sự tăng cân này có thể do trong quá trình chăm sóc trẻ bị Covid-19, nhiều phụ huynh thay vì cho con ăn đủ nhu cầu, đa dạng nhóm chất lại chú trọng vào số lượng, cố nhồi nhét khiến trẻ thừa cân.
Với trẻ đã thừa cân, béo phì, việc ăn nhiều càng khiến tình trạng diễn biến nặng hơn, khó kiểm soát. Khi gặp phải tình trạng như vậy, cần đưa trẻ đến bệnh viện nhận tư vấn, hỗ trợ từ chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ để kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì cùng chế độ tập luyện phù hợp.
-
Cháu nhà tôi bị béo phì đã lâu và vừa âm tính Covid-19 hôm qua. Tôi có cần tiếp tục theo dõi để phòng ngừa hậu Covid-19 không thưa bác sĩ? Ngoài ra, người béo phì có nguy cơ gặp triệu chứng hậu Covid-19 cao hơn so với người bình thường không?
Hiện nay, do các số liệu chưa rõ ràng nên khó kết luận trẻ béo phì có nguy cơ gặp triệu chứng hậu Covid-19 cao hơn so với trẻ bình thường hay không. Tuy nhiên, trong những đối tượng nguy cơ, trẻ suy dinh dưỡng và béo phì có thể bị ảnh hưởng sức khỏe dài hơn khi mắc Covid-19.
Sau khi khỏi bệnh, triệu chứng hậu Covid-19 thường xuất hiện từ tuần thứ sáu đến tuần thứ tám hoặc dài hơn, ít nhất là từ bốn tuần trở lên. Dù không lo lắng triệu chứng hậu Covid-19, bố mẹ vẫn nên theo dõi sức khỏe của trẻ sau khi khỏi bệnh.
Thực tế, nhiều cha mẹ và trẻ nhỏ bị “ám ảnh” với một số triệu chứng hậu Covid-19. Ví dụ sau một thời gian dài không hoạt động, trẻ béo phì phải đến trường đi học nên dễ thấy mệt, hụt hơi. Điều này khiến cha mẹ nhầm lẫn với triệu chứng hậu Covid-19 và khiến nỗi ám ảnh của trẻ lớn dần. Do đó, kinh nghiệm của các bác sĩ là không hỏi em bé mà quan sát biểu hiện.
Có một điểm cần lưu ý là nhiều phụ huynh có con béo phì thường nhầm lẫn giữa tăng sức đề kháng và ăn bồi bổ bồi bổ hậu Covid-19. Đơn cử, nhiều mẹ lo con đi học bị đói dù trẻ đã thừa cân, dư năng lượng. Họ quan điểm để tăng đề kháng phải ăn thật nhiều, nhưng điều này chưa đúng. Hay có nhiều người lớn cũng ngạc nhiên khi hậu Covid-19 họ tăng cân. Điều đó có nghĩa họ bồi bổ không đúng cách, không đúng hoàn cảnh.
Với trẻ bị thừa cân, béo phì và nhiễm Covid-19, điều quan trọng nhất là cha mẹ phải hiểu được tình trạng của con, tìm hiểu cách tăng cường đề kháng từ thực phẩm thay vì bồi bổ hết mức để con “vượt Covid-19” rồi lại phải giảm cân về sau.
-
Thưa bác sĩ, tôi muốn cho con điều trị khoa học nhưng đắn đo giữa một số phương pháp. Hiện Việt Nam có những phương pháp điều trị thừa cân, béo phì nào?
So với thế giới, tỷ lệ béo phì ở trẻ nhỏ của Việt Nam không trầm trọng. Ngoài một số trường hợp kèm các bệnh lý khác, trẻ gặp bệnh lý do béo phì nặng có thể can thiệp bằng nhiều phương pháp.
Đầu tiên, chuyên gia sẽ đánh giá mức độ béo phì của trẻ, từ đó đưa ra cách kiểm soát khẩu phần ăn. Cũng cần lưu ý rằng kiểm soát mật độ khẩu phần ăn ở trẻ thừa cân khác với người lớn. Tùy lứa tuổi, trẻ được áp dụng mức độ kiểm soát, như giữ nguyên cân nặng và tăng trưởng chiều cao, tập trung giảm bớt năng lượng trong khẩu phần ăn... Còn với những trẻ béo phì trầm trọng hơn, bác sĩ sẽ yêu cầu giảm 0,5 cân/tháng hay 1 cân/tuần. Tùy mức độ béo phì và lứa tuổi các bé để bác sĩ đưa ra cách can thiệp hợp lý.
Giảm cân cần nhiều phương pháp phối hợp để mang đến hiệu quả tối ưu. Đầu tiên là điều chỉnh chế độ ăn - tăng chất xơ, giảm năng lượng... Khẩu phần của trẻ thường có khối lượng cố định nên khó giảm cả năng lượng và số lượng cùng lúc, do đó bác sĩ thường tư vấn giữ nguyên số lượng và giảm nguồn năng lượng trong mỗi bữa.
Tiếp đến là hoạt động thể lực, cha mẹ nên dựa trên sở thích của trẻ.
Một vấn đề khác là sử dụng thuốc. Việt Nam hầu như không khuyến khích, trừ trường hợp trẻ phải nhập viện vì béo phì nặng. Thuốc điều trị cho trẻ béo phì tại nước ta thường dành cho bé trên 12 tuổi. Tương tự, phương pháp phẫu thuật (như cắt dạ dày…) chỉ sử dụng cho trường hợp trầm trọng.
Nhiều người quan tâm đến chế độ ăn để khống chế cân nặng. Tuy nhiên không có chế độ ăn nào thực sự có hiệu quả đối với bệnh nhân béo phì mà chỉ có tác dụng bước đầu, ví dụ ăn toàn rau và không có tinh bột, giảm ăn, tăng đạm hoặc dùng thuốc. Tóm lại, nguyên tắc điều trị béo phì là tiêu hao năng lượng, tức đảm bảo đầu vào và đầu ra bằng nhau, còn cách thức thì linh hoạt đối với thể trạng từng bé.
-
Để ngăn ngừa thừa cân, béo phì, tôi nên bắt đầu quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của con từ thời điểm nào thưa bác sĩ?
Việc phòng chống thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ nên bắt đầu từ 1.000 ngày đầu đời, tức từ khi mẹ mang thai đến lúc bé 2 tuổi.
Thực tế, chế độ dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời không chỉ liên quan đến tăng trưởng chiều cao, trí tuệ mà còn giảm nguy cơ béo phì cũng như các bệnh không lây nhiễm. Hội nghị về dinh dưỡng lâm sàng ở Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) năm 2012 cũng khẳng định chế độ dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời liên quan đến sự đóng mở gene của các bệnh không lây nhiễm, trong đó có thừa cân béo phì.
Như vậy, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho mẹ bầu hay người nuôi con bằng sữa mẹ góp phần giảm nguy cơ thừa cân béo phì từ sớm.
Khi bé 2 tuổi trở lên và bắt đầu đi học, chế độ dinh dưỡng cần được phối hợp giữa nhà trường và gia đình. Nhiều phụ huynh lo con ăn ở trường ít, không ăn được nên cho con bánh bao hoặc xôi để bổ sung năng lượng lúc kết thúc lớp học. Thói quen này có thể tăng mức độ thừa cân béo phì ở trẻ nhỏ. Đơn cử, một chiếc bánh bao hoặc bánh giò có 400 calo, trẻ phải hoạt động thể lực trong hai tiếng mới tiêu hao; một bát xôi thịt ăn trước giờ đi học thêm có đến 700 calo và phải mất 3,5 tiếng để tiêu hao.
Một nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội cho thấy trẻ mầm non uống sữa trước khi đi ngủ có thể tăng mức độ thừa cân béo phì. Vì vậy, cha mẹ nên chuyển sữa, chế phẩm từ sữa sang bữa phụ sáng hoặc chiều.
Tóm lại, phòng chống béo phì cần bắt đầu từ sớm, khi trẻ còn trong bụng mẹ đến giai đoạn ăn dặm và nuôi con bằng sữa mẹ; mầm non; tiểu học; trung học cơ sở; trung học phổ thông.
Năm ngoái, đề án do Viện Dinh dưỡng phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tại 10 tỉnh thành (5 tỉnh khảo sát trẻ mầm non, 5 tỉnh khảo sát trẻ tiểu học) cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ mầm non là 30%, trẻ tiểu học là 50%. Đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng đã áp dụng chế độ ăn khoa học cho các trẻ được khảo sát.
Ví dụ trong 10 thực phẩm, có 3-5 loại rau củ; trẻ tiểu học được 100-120 gram rau cho bữa trưa ở trường và bữa phụ là sữa; kết hợp giáo dục dinh dưỡng cho phụ huynh. Kết quả, tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ mầm non và tiểu học giảm gần 3%.
-
Con tôi bị béo phì và tôi dự kiến giảm bớt khẩu phần ăn của bé. Điều này có đúng không và tôi phải giảm thế nào cho đúng thưa bác sĩ?
Khi trẻ thừa cân, béo phì, các chuyên gia thường khuyến khích cha mẹ đưa con đến trung tâm khám - tư vấn dinh dưỡng như bệnh viện, viện dinh dưỡng, các trung tâm CTC để được tư vấn giải pháp dựa trên tình trạng của trẻ. Thông qua đó, cha mẹ có để áp dụng phác đồ ăn uống và luyện tập phù hợp cho con.
Nhiều phụ huynh sử dụng phương pháp low carb (chế độ ăn uống ít carbohydrate) để khống chế cân nặng của con. Tuy nhiên, phương pháp giảm lượng tinh bột sẽ hỗ trợ giảm cân nhưng có thể gây rối loạn chuyển hóa lipid máu, nguy cơ suy thận hoặc ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe… Chưa kể, não của trẻ sử dụng đến 25% tổng đường của cơ thể. Nếu cắt đường, cơ thể phải chuyển hóa từ các chất dinh dưỡng khác. Việc này có thể ảnh hưởng sự phát triển toàn diện về lâu dài.
Do đó, bố mẹ tuyệt đối không áp dụng chế độ low carb cho trẻ. Quá trình cắt giảm năng lượng nên diễn ra từ từ, khoa học, đồng thời tăng mức độ hoạt động thể lực theo lộ trình.
-
Con tôi có dấu hiệu thừa cân, béo phì sau thời gian dài học trực tuyến ở nhà do dịch. Vì con đang ở giai đoạn phát triển nên tôi không muốn áp dụng chế độ ăn kiêng. Thưa bác sĩ, thay vì nhịn ăn, có cách nào khác để kiểm soát cân nặng cho bé không?
Trong giai đoạn ở nhà vì dịch, trẻ có nguy cơ tăng cân nhanh hơn so với thời gian trước vì nạp nhiều đồ chế biến sẵn, đồ ăn vặt, ăn uống không đúng giờ giấc, thời gian hoạt động hạn chế…
Phụ huynh cần hiểu là trẻ thừa cân, béo phì cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, ăn đầy đủ các chất thay vì ăn kiêng hoặc nhịn ăn. Khi thấy năng lượng nạp vào vượt nhu cầu của con, cha mẹ có thể giảm thực phẩm giàu năng lượng như đồ chiên, xào nhiều dầu mỡ; hạn chế đồ ăn nhiều tinh bột. Khẩu phần ăn của con vẫn phải đủ bốn nhóm chất, tuy nhiên bớt đường, béo và tăng vitamin cùng khoáng chất từ rau củ quả.
Đặc biệt, cha mẹ nên cho con ăn ít nhất ba bữa chính và 1-2 bữa phụ để trẻ không đói. Bữa phụ có thể chọn sữa hoặc sản phẩm từ sữa. Sữa dành cho trẻ béo phì cần đảm bảo năng lượng thấp, ít chất béo, giàu chất xơ. Cha mẹ nên chọn sản phẩm được nghiên cứu phù hợp thể trạng trẻ thừa cân, hoặc sữa không đường, sữa tách béo.
Quan trọng nhất là biết cách chọn thực phẩm, ví dụ bữa ăn chính nên ưu tiên cá thay vì thịt để giảm mỡ, bổ sung nhiều đậu/đỗ để tăng protein và dinh dưỡng. Nguyên tắc là cắt giảm năng lượng nhưng đảm bảo đủ chất để trẻ phát triển chiều cao, cân đối hình thể.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên khuyến khích trẻ vận động ít nhất 30-60 phút/ngày. Các môn thể thao nên dựa trên sở thích của con và phù hợp điều kiện gia đình.
-
Con tôi rất thích ăn thịt, lười ăn rau, cháo. Bên cạnh tăng cân mất kiểm soát, tôi lo cháu bị táo bón và ảnh hưởng sức khỏe nếu duy trì thói quen này trong thời gian dài. Xin bác sĩ gợi ý chế độ dinh dưỡng khoa học, hỗ trợ khắc phục tình trạng táo bón và béo phì ở trẻ nhỏ?
Khi ăn nhiều thịt ít rau, ngoài nguy cơ táo bón, trẻ đối mặt nhiều vấn đề sức khỏe do cơ thể thiếu chất. Cha mẹ nên cố gắng thay đổi chế độ ăn cho con theo hướng đa dạng thực phẩm, hạn chế đạm từ thịt và bổ sung đạm từ cá, tôm cua, đậu/đỗ, trứng...
Ngoài ra, chế độ ăn không thể thiếu rau và trái cây vì đây là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, giúp hạn chế táo bón. Chưa kể, rau củ quả ít năng lượng nên có thể giúp trẻ kiểm soát cân nặng; lại cung cấp nhiều nhóm vitamin, khoáng giúp tăng cường đề kháng cũng như điều hòa hoạt động của các cơ quan.
Để phòng chống thừa cân béo phì ở trẻ nhỏ, cha mẹ nên tuân thủ nguyên tắc ăn đủ bữa; đủ các nhóm chất gồm bột đường, đạm, béo và vi khoáng; không ăn muộn sau 20h vì dễ thừa năng lượng; đảm bảo thời gian vận động.
-
Thưa bác sĩ, việc kiểm soát cân nặng bằng cách khống chế dinh dưỡng có ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên, nhất là khi trẻ đang ở tuổi ăn tuổi lớn không?
Quá trình phát triển của trẻ nhanh và đòi hỏi nhiều chất dinh dưỡng. Trong đó, vitamin và khoáng chất đặc biệt quan trọng trong giai đoạn tăng trưởng. Nhiều phụ huynh thấy con tăng cân nhanh nên lo lắng, cắt hết thực phẩm trong đó có sữa, điều này không đúng.
Thay vì loại bỏ thực phẩm giàu dinh dưỡng, cha mẹ nên cắt giảm thực phẩm gây tăng cân (giàu bột đường như bánh kẹo, kem, thực phẩm quá béo, chế biến sẵn…). Đây là chế độ ăn khoa học, đảm bảo con không thiếu hụt chất dinh dưỡng để phát triển tối ưu.
-
Tôi có cháu nhỏ bị béo phì. Nhiều lúc thấy cháu mặc cảm ngoại hình, tự ti khi gặp mọi người. Cảm xúc này dường như nhân đôi trong giai đoạn giãn cách xã hội, cháu không được ra ngoài gặp gỡ bạn bè, tham gia hoạt động ngoại khóa… Gia đình tôi nên làm cách nào để hỗ trợ tâm lý cho cháu?
Một trong những hậu quả của béo phì là ảnh hưởng đến tâm, sinh lý của trẻ nhỏ. Tâm lý của trẻ cũng bị ảnh hưởng khi thời gian học trực tuyến kéo dài, hạn chế ra ngoài.
Điều đầu tiên, cha mẹ nên dành thời gian chia sẻ, nói chuyện với con. Cần đồng hành cùng trẻ trên hành trình giảm cân, ví dụ cùng con ăn gạo lứt, thưởng thức chung thực đơn.
Thời dịch, khi hoạt động vui chơi bị hạn chế, cha mẹ nên khuyến khích trẻ nhảy dây để tăng mật độ xương và giảm nguy cơ thừa cân, béo phì; tận dụng mọi cơ hội vận động như đi chợ, đi siêu thị, dạo bộ, giúp việc nhà. Nhiều nghiên cứu cho thấy tập luyện thể dục thể thao ở mức độ vừa phải làm giảm hormone gây stress. Đồng thời, vận động giúp trẻ giảm rối loạn tâm lý, quên nỗi lo thừa cân. Tương tự, khi bắt đầu quay trở lại trường, cha mẹ nên tạo điều kiện để con vui chơi với bạn bè.
Hưởng ứng chiến dịch truyền thông “Vì một thế hệ trẻ em cao lớn chuẩn BMI” của Bộ Y tế, Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện chương trình truyền thông “Phòng, chống thừa cân và béo phì ở trẻ em Việt Nam” vì một thế hệ trẻ em cao lớn, thông minh vượt trội, chuẩn BMI.
Bình luận