Trẻ đi khám mùa nắng nóng tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Bích Huệ. |
Những ngày qua, nền nhiệt TP.HCM và khu vực Nam bộ liên tiếp nắng nóng gay gắt đến 35 độ C, thậm chí 38 độ C. Nhiệt độ cảm nhận thực tế ở ngoài trời có thể còn cao hơn do phản xạ từ mặt đường, nhà cửa, bê tông...
Nắng nóng gay gắt kèm không khí bức bối từ sáng sớm khiến nhiều trẻ em tại TP.HCM đổ bệnh, phải đi khám vì các bệnh hô hấp, tiêu hóa... Phụ huynh cũng chật vật, mệt mỏi vì cảnh xếp hàng, chờ khám bệnh cho con.
Bệnh viện nhi đông nghịt từ sáng
Ghi nhận của Tri Thức - Znews chiều 26/3, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vẫn còn rất đông người lớn, trẻ nhỏ ngồi chờ lượt khám.
Trong hành lang khoa Khám bệnh theo yêu cầu, anh Minh Khoa (42 tuổi, ngụ quận 4) một tay bế con trai mới 6 tháng tuổi, tay kia vừa kéo đồ cho vợ ngồi cạnh. Trong vòng tay ba, con trai anh chị, bé Minh Đức, ngấu nghiến uống sữa.
"Trông vậy chứ về nhà bé quấy ba mẹ lắm, quấy đến sáng hôm sau luôn", anh Khoa chia sẻ.
Hai ngày trước, bé Đức có dấu hiệu ho, sổ mũi, sốt. Đêm bé quấy khóc đến 3-4h sáng mới chịu ngủ. Thấy con khó chịu, anh chị liền sắp xếp công việc đưa con đi khám.
"Dạo này TP.HCM nóng quá, trời thay đổi một chút là con bệnh liền. Thấy con quấy không ngủ được, tôi xót quá nên hai vợ chồng chiều nay đưa con đi khám sớm chứ để lâu bệnh lại nặng hơn", anh Khoa chia sẻ.
Chia sẻ với Tri thức - ZNews, bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang, khoa Khám bệnh, cho biết đến thời điểm này, bác sĩ Trang vẫn chưa tiếp nhận trường hợp nào trẻ sốc nhiệt. Tuy nhiên, không ít trẻ cũng đã phải vào bệnh viện vì say nắng.
"Mới đây, tôi có tiếp nhận một trẻ đang trong độ tuổi tiểu học bị say nắng khi đi dã ngoại. Sau một ngày hoạt động, bé trở về nhà và bắt đầu có triệu chứng sốt, da ửng đỏ và khát nước. Những trường hợp nhẹ như của trẻ này thường sẽ được cho về nhà điều trị theo hướng dẫn, uống thêm nước và ăn nhiều rau để cơ thể nhanh hồi phục", bác sĩ Trang kể.
Bác sĩ Trang khám cho một bệnh nhi nổi mẩn trên da. Ảnh: Linh Thùy. |
Theo bác sĩ Trang, thời tiết nắng nóng khiến số lượng trẻ em đến khám bệnh tăng lên rõ rệt, đặc biệt là ở 4 nhóm bệnh: bệnh tiêu hóa (tiêu chảy cấp, nhiễm khuẩn đường ruột), bệnh hô hấp (viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới), sốt phát ban, bệnh da liễu.
"Đặc biệt, với các bé thường xuyên hoạt động ngoài trời, phụ huynh cần chú ý kỹ, tránh để con say nắng, say nóng dẫn đến sốc nhiệt", bác sĩ Trang lưu ý thêm.
Phân biệt say nắng, say nóng
Theo bác sĩ Trang, trong môi trường nhiệt độ cao kéo dài, thân nhiệt trẻ tăng lên khiến cơ thể tiết nhiều mồ hôi dẫn đến mất nước và điện giải.
Khi mất điện giải, bé có tình trạng yếu cơ, tim đập nhanh, co cứng cơ, gây chuột rút thậm chí tổn thương tế bào não, phù não dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, mất nước cũng làm giảm thể tích tuần hoàn của cơ thể, giảm lượng máu nuôi các cơ quan cơ thể...
"Đối với não, điều này có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương có trung khu điều hòa thân nhiệt. Mất nước cũng có thể ảnh hưởng đến thận, khiến trẻ suy thận", bác sĩ Trang nhấn mạnh.
Ngoài ra, trường hợp nghiêm trọng nhất là mất nước gây ra tình trạng rối loạn đông máu, khiến trẻ tắc mạch máu não, dẫn đến đột quỵ và biến chứng về sau.
Khi hoạt động dưới ánh nắng cực độ hoặc môi trường nóng bức trong thời gian kéo dài, trẻ có thể gặp hiện tượng say nắng, say nóng.
"Say nắng và say nóng là hai hiện tượng dễ bị nhầm lẫn. Chúng có chung một số biểu hiện nhưng khác nhau về thời gian và thời điểm xảy ra", bác sĩ phân biệt.
Trẻ bị say nắng và say nóng đều có thân nhiệt tăng cao trên 40 độ C. Tuy nhiên, ở các trường hợp say nắng, thân nhiệt tăng đột ngột, thường xảy ra vào buổi trưa. Ngược lại, trẻ say nóng lại có thân nhiệt tăng trong thời gian dài hơn, thường xảy ra vào buổi chiều do ảnh hưởng của tia hồng ngoại.
Ngoài tăng nhiệt độ, các bé còn có hiện tượng vã mồ hôi nhiều, buồn nôn, nôn, chóng mặt, chuột rút... Trong trường hợp nặng hơn, trẻ có triệu chứng kiệt sức do nóng như thở nhanh, tim đập nhanh...
Trường hợp nặng nhất, bé có thể gặp biểu hiện rối loạn tri giác như lơ mơ, lú lẫn, kích động, hôn mê hoặc co giật, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Trang khuyến cáo phụ huynh khi phát hiện con có các biểu hiện như khát nước, da đỏ, thân nhiệt tăng cần nhanh chóng hạ thân nhiệt cho các bé.
Trẻ nên được đưa vào nơi mát mẻ như bóng râm, trong nhà; bỏ bớt quần áo để giải nhiệt... Ngoài ra, bé cần được bổ sung nước (nước lọc, trái cây, oresol). Tuy nhiên, cha mẹ cần nhớ hạn chế cho con uống nước ngọt có ga, nước đường hoặc caffeine vì những loại nước này khiến tình trạng mất nước nặng hơn.
Một số cách hạ thân nhiệt khác cho trẻ mà các phụ huynh cũng có thể áp dụng là dùng quạt hoặc điều hòa hạ nhiệt không gian phòng, tắm/lau nước mát tại các vị trí dễ tản nhiệt trên cơ thể bé như trán, nách, bẹn...
Cuốn sách Ăn gì cho khỏi thần kinh của tác giả Uma Naidoo là cẩm nang về cách lựa chọn, sử dụng và chế biến thực phẩm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Tác giả là một chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng tâm thần học, mang tới kiến thức dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và đối phó với các bệnh trạng về tâm lý.