Đó là bé N.H.H. (20 ngày tuổi) trú tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, đang được điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng.
Cách 2 ngày vào viện, trẻ được gia đình dùng lá cây tắm. Sau đó, bé H. bị nổi mẩn đỏ toàn thân, niêm mạc vùng mũi viêm loét, có nốt xuất huyết rải rác dưới da, không bú được do viêm loét niêm mạc miệng.
Trẻ bị dị ứng nặng ở vùng mặt sau khi được tắm bằng lá cây. Ảnh: BVCC. |
Sau 2 ngày điều trị, trẻ tiến triển tốt, da đỡ mẩn đỏ, niêm mạc mũi, miệng giảm loét, tự bú được.
Các bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, cho biết một số bài thuốc tắm trong dân gian với mướp đắng, lá chè tươi, chanh rất tốt cho trẻ.
Tuy nhiên, làn da của bé rất mỏng, đặc biệt là trẻ sơ sinh, cấu trúc da chưa ổn định nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng. Đa phần bệnh về viêm da ở trẻ sơ sinh là do vi khuẩn tấn công từ bên ngoài.
Ngoài ra, các loại lá do mọc ở bờ bụi, ven đường, bờ ruộng bị nhiễm khuẩn, thậm chí có thuốc trừ sâu, rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi, mầm bệnh chưa hẳn được loại bỏ hết.
Khi bị viêm da, trẻ sẽ có biểu hiện sốt, quấy khóc, da toàn thân hoặc chỗ tiếp xúc mẩn đỏ, mọc mụn. Trẻ cũng có thể bị lở loét ở từng vùng như niêm mạc miệng, mũi hoặc toàn thân, biểu hiện của dị ứng nặng như sốc hay vô niệu.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên tắm cho trẻ theo quy trình chuẩn bằng nước ấm thông thường, không nên dùng lá pha nước tắm cho trẻ tùy tiện.
Nếu thấy da bé nổi mẩn đỏ bất thường và có dấu hiệu lan rộng, gia đình cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.