Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trẻ đòi ăn, lăn ra ngủ khi học trực tuyến

Tuổi nhỏ, trẻ hiếu động và chưa có ý thức học nên thường xuyên ăn, uống, nằm ngủ hay đòi đi vệ sinh liên tục khi học trực tuyến.

“Mẹ ơi, con buồn đi vệ sinh”, thỉnh thoảng, bé Bống (học sinh lớp 2, Hà Đông, Hà Nội), gọi mẹ dù đang học online, thậm chí chưa tắt mic.

“Mẹ ơi, con lại bị ‘out’ khỏi lớp”, ở một góc phòng khác, bé Kun (học lớp 6), lại nhờ mẹ giúp đỡ.

Cứ như vậy, chị Lại Thùy Linh gần như dành toàn bộ thời gian buổi sáng để “canh” hai cô con gái học trực tuyến và chăm thêm một đứa con nhỏ gần 2 tuổi.

doi di ve sinh khi hoc truc tuyen anh 1

Trẻ nhỏ không chịu ngồi nghiêm túc khi học online, dễ phân tâm bởi nhiều thứ. Ảnh: X.H.

Trẻ chán nản vì phần mềm trục trặc

“Phòng nhỏ, tiếng hai cô phát ra từ hai nơi, cũng ồn và ảnh hưởng con nhưng không tách hai đứa ra được. Mẹ vừa rời mắt, con lăn ra ngủ hoặc ra chỗ khác chơi đồ hàng”, chị Thùy Linh giải thích việc cho hai con học chung một phòng.

Nữ phụ huynh cho hay con gái lớn đã học lớp 6, có ý thức hơn, cũng biết tự thao tác, chỉ thỉnh thoảng, bị “văng” khỏi lớp nhiều quá, con cần mẹ hỗ trợ, kiểm tra lại thiết bị và đường truyền.

Đôi khi, trong giờ học, cô giáo lại biến mất trên màn hình. Việc học không suôn sẻ khiến con thiếu hứng thú, nhanh mệt mỏi. Đang học, Kun lại ngả lưng nằm xuống sàn nhà.

Trong khi đó, Bống còn nhỏ, chưa ý thức được việc học online. Con vừa học vừa ăn uống hay chạy đi lấy cái này cái kia. Phần mềm không ổn định, màn hình không thấy gì, tiếng cô giảng bài vẫn vang lên. Học sinh lớp Bống không thấy cô, bật mic kêu ầm ĩ, giáo viên nhắc vài câu, bất lực với lũ trẻ nên cứ thế dạy tiếp cho hết bài.

Chị Thùy Linh nhắc nhở, con vừa nghiêm túc được chút lại phân tâm bởi nhiều việc khác. Chưa kể đến, em út còn nhỏ tuổi, không để ý lại chạy ra chỗ hai chị học phá đám.

Anh Lê Xuân Hiệp (Nam Từ Liêm) cũng trải qua ngày “canh” cháu học online vất vả không kém.

Hai cháu, Tôm lớp 10 và Cua lớp 4, học ở hai phòng khác nhau. Anh phải qua lại liên tục giữa hai phòng để đảm bảo các cháu học online nghiêm túc.

Tôm đã lớn nên tự giác học. Nhưng thỉnh thoảng, anh Hiệp vẫn phải để ý vì cháu thích nhắn tin với bạn trên mạng xã hội. Nếu chỉ nhắc nhở, cháu sẽ nói đang trao đổi bài với bạn.

Tuy nhiên, anh tình cờ thấy các cháu trao đổi trong nhóm Zalo là khi cô gọi trả lời, nếu không biết, cứ bảo mạng chập chờn, nghe không rõ, nói lí nhí là cô tự chữa bài.

Trong khi đó, việc giám sát bé lớp 4 vất vả hơn do cháu nhỏ, chưa có ý thức học. Đang trong giờ, Cua tìm mọi lý do để rời chỗ, nào là uống nước rồi đi vệ sinh.

Cô bé ở tuổi tò mò, bận quan sát các bạn trên màn hình, phá lên cười hơn là nghe cô giảng bài. Học được một lúc, Cua không chịu ngồi nghiêm chỉnh ở bàn học mà chuyển sang ngồi trên sàn nhà.

“Lúc đầu, cháu còn hào hứng. Nhưng sau nhiều lần ‘out’ lớp, cháu chán nản, quay sang phá bĩnh. Khi tôi nói, cháu ngồi yên được một lúc, phần mềm trục trặc, đâu lại vào đó”, vị phụ huynh nói thêm.

doi di ve sinh khi hoc truc tuyen anh 2

Trẻ lăn ra ngủ vì mệt mỏi khi học online. Ảnh minh họa: N.P.

Phụ huynh không ngồi cạnh, việc học của trẻ khó hiệu quả

Anh Lê Xuân Hiệp chia sẻ chỉ một buổi kèm hai cháu học online, anh nhiều lúc không giữ nổi bình tĩnh. Cháu lớn thích nhắn tin, cháu bé dễ phân tâm, thích để ý những chuyện ngoài lề.

Anh cho rằng các thiết bị điện tử như máy tính, iPad vốn đã hấp dẫn với trẻ nhỏ nên nếu không có người lớn giám sát, các cháu dễ bị cuốn vào nhiều thứ khác hơn là học hành.

“Nhiều khi, tôi bất lực vì quát không được, các cháu học trực tuyến cũng vất vả rồi. Mà nói lớn, ông bà xót cháu, bênh nên càng khó rèn nề nếp, không được như thầy cô rèn ở lớp”, anh Hiệp nói.

Anh cũng lo lắng lớp nhiều học sinh, cô không thể sát sao từng em. Nên dù mệt mỏi, anh vẫn cố kèm cháu học. Hơn nữa, với Cua, anh dự định cùng ngồi nghe giảng để sau còn hướng dẫn lại cháu học vì trong quá trình học, mạng không ổn định, cháu không nghe giảng được.

Anh Hiệp nói thêm anh sẽ trao đổi lại với Tôm, thỏa thuận việc để người lớn kiểm tra đột xuất hoặc xem lại lịch sử trình duyệt sau mỗi buổi học để cháu có ý thức không làm việc riêng trong giờ.

Trong khi đó, với Cua, ngoài việc cùng học để giảng lại, anh không còn cách nào khác. Phụ huynh này đánh giá nếu người lớn không ngồi cạnh, việc học của học sinh tiểu học khó đạt hiệu quả.

“Tôi chỉ mong hết dịch cho các cháu đến trường học trực tiếp, học cả cuối tuần cũng được. Chứ học như thế này, công thầy cô gần như đổ sông đổ bể”, anh Xuân Hiệp chia sẻ.

Đây cũng là mong muốn của chị Lại Thùy Linh. Dù thời gian này, chị ở nhà, có điều kiện để kèm cặp con học, chị vẫn không yên tâm về việc học của con.

Với bé học lớp 2, chị Linh còn nghe bài để giảng lại cho con nhưng việc kèm bài cho con gái học lớp 6 vượt quá khả năng của chị.

Hơn nữa, chị cũng thấy việc học của con vất vả. Như bé lớp 2, cô giáo cho các con ngồi học liên tục từ 8h30 đến hơn 11h, không có thời gian nghỉ giải lao (trừ những lúc bị “out” lớp). Do đó, con mệt mỏi, chán chường, không chịu ngồi yên một chỗ.

Trước khi con bắt đầu học, chị Linh đã nói chuyện, nhắc con những chuyện cần chú ý khi học online như ngồi ngay ngắn, không để cô nhắc tên xấu hổ, tắt mic. Tuy nhiên, nếu chị không ngồi cạnh nhắc tiếp, con học được một lúc lại chểnh mảng.

“Tầm này, tôi chẳng mong gì ngoài hết dịch để các con đến trường học cho tử tế, cứ ng thật việc thật là ổn nhất”, chị Linh tâm sự.

Cứu trợ 600 sinh viên mắc kẹt ở Hà Nội vì Covid-19

Đại học Văn hóa Hà Nội triển khai cứu trợ quy mô lớn dành cho hơn 600 sinh viên đang kẹt lại thành phố vì dịch bệnh. Trong đó có những du học sinh hơn 1 năm chưa về nước.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm