Thung lũng Zanskar nằm ở độ cao gần 6.000 m so với mực nước biển. Những cung đường nguy hiểm biến nơi đây thành một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất Ấn Độ. Tuy nhiên, với người dân địa phương, môi trường sống khắc nghiệt khiến nỗ lực sinh tồn của họ trở nên gian nan. Ảnh: ABC. |
Mùa đông, nhiệt độ hạ xuống âm 40 độ C. Dòng sông Zanskar cùng vách núi cheo leo đều đóng băng. Vượt sông, leo núi là con đường duy nhất để trẻ em đến học tại ngôi trường nằm ở làng Leh. Ảnh: Theirworld. |
Các em mất khoảng 5 ngày để vượt qua dòng Zanskar đóng băng. Việc di chuyển trong thời tiết lạnh giá, mang theo các vật dụng cần thiết, không hề dễ với những đứa trẻ sống ở dãy Himalaya. Ảnh: Thelogicalindian. |
Học sinh người Zanskari không thể tự đến trường trên cung đường nguy hiểm bậc nhất thế giới đó. Khi mệt mỏi, các em ngồi trên xe trượt băng tự chế hoặc được người lớn cõng, men theo những đường mòn nhỏ hẹp, trơn trượt. Ảnh: Thelogicalindian. |
Ở một số đoạn, lớp băng mỏng, dễ nứt. Đôi khi, trẻ ngồi trên xe trượt và có thể nghe thấy tiếng băng nứt ở ngay bên dưới. Các em đối mặt nguy cơ rơi xuống nước. Nếu điều không may đó xảy ra, họ gần như không thể vượt qua cơn sốc nhiệt. Ảnh: Thelogicalindian. |
Vượt qua đoạn sông băng, các em tiếp tục hành trình tìm con chữ trên mặt đất cũng đóng băng, gồ ghề, trơn trượt. Băng có thể cắt vào tay, chân gây thương tích. Ảnh: ABC. |
“Em không thể diễn tả nổi đường đi học nguy hiểm đến nhường nào. Đoạn nào cũng khó và lạnh. Nhiều khi, chúng em phải buộc một sơi dây rồi men theo đó để đi xuống”, Rigzin, đứa trẻ người Zanskari nhớ lại hành trình đến trường gian khổ. Ảnh: ABC. |
Do mất đến 5 ngày để đi học, buổi tối, đoàn người phải ngủ lại trong hang động. Đôi khi, bão tuyết xảy ra khiến họ phải ở trong hang nhiều ngày, cầu mong cơn bão đi qua để tiếp tục đi học. Ảnh: New York Times. |
Dù đường đi gian nan và không ít người bỏ học, những đứa trẻ Zanskari vẫn háo hức đến trường. Từ khi một tổ chức từ thiện từ Thụy Sĩ đến hỗ trợ xây trường, trẻ có thể ở nội trú, giúp các em không cần phải thường xuyên đánh liều mạng sống để tiếp cận giáo dục như trước. Ảnh: ABC. |