Một trong những bệnh học đường hay gặp ở trẻ nhỏ là dị tật về cột sống như cong, ưỡn, gù, vẹo... Điển hình, tật cong vẹo cột sống chiếm khoảng 25% ở học sinh Việt Nam.
Theo các bác sĩ, căn bệnh này ngày càng gia tăng là do trẻ mang vác nặng về một phía, trọng lượng lớn trên vai trong thời gian dài. Đeo cặp sách quá nặng hoặc không đúng cách tăng nguy cơ chấn thương vùng lưng, cổ, vai, các cơ hoạt động quá sức dẫn đến căng mỏi.
Ngoài ra ngồi học sai tư thế cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị cong vẹo cột sống. Nếu trẻ có tư thế thân không đúng, lồng ngực thu hẹp dần thành phẳng đều, các góc xương bả vai cách xa cột xương sống và bắt đầu nhô lên, lưng gù, bụng phình ra phía trước.
Nếu không kịp thời điều chỉnh, công sống bị cong vẹo, xuất hiện đường uốn nghiêng khiến lưng gù rõ rệt. Những tổn hại này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tim, phổi khiến trẻ yếu dần, sức khỏe giảm sút.
Trẻ cong vẹo cột sống. Ảnh: Sức Khỏe Đời Sống |
Trong chương trình Hiểm họa quanh ta (VTC14), bác sĩ Vũ Hồng Thái, Phòng Chỉnh hình - Phục hồi chức năng, Bộ LĐTBXH, cho biết: "Hiện nay, trẻ em trong độ tuổi từ 6-15 mắc dị tật cong vẹo cột sống đang có chiều hướng gia tăng và có tỷ lệ khắc biệt giữa thành thị và nông thôn. Cong vẹo cột sống không cấu trúc ở trẻ thành thị mắc nhiều hơn do không gian chơi và khả năng vận động ít.
Chế độ dinh dưỡng cũng ảnh hưởng tới sự phát triển xương sống của trẻ. Dinh dưỡng không đồng đều, đặc biệt lượng hấp thu canxi kém dẫn đến bệnh còi xương, sai xót khi hình thành xương".
Bình thường, cột sống của trẻ thẳng hàng khi nhìn từ cổ xuống lưng và thắt lưng, nhìn ngang sẽ hơi cong ở lưng và ưỡn bình thường ở thắt lưng. Nếu bị dị tật vẹo cột sống, nhìn phía sau khi trẻ đứng thẳng sẽ thấy vai nghiêng, lồng ngực nhô lên một bên, cơ thể kèm theo vùng hông, thắt lưng nhô phía ngược lại.
Hầu hết trẻ vẹo cột sống đều ở dạng nhẹ, tuy nhiên nếu tiếp tục tình trạng này có thể dẫn đến thể nặng gây tàn tật, làm giảm thể tích bên trong lồng ngực, ảnh hưởng xấu đến chức năng hô hấp, hoặc gây đau lưng mãn tính.
Vì vậy, phụ huynh không nên để trẻ mang cặp nặng tới 4-5 kg. Bạn nên chọn cặp bằng vật liệu nhẹ, vững chắc, nhiều ngăn đựng sách vở tiện dụng, có phẩn đệm tiếp giáp với lưng, dây đeo bản to. Dây đeo nhỏ làm ghì chặt lên vai, thời gian kéo dài gây tê, mỏi, ảnh hưởng đến xương.
Phòng chống cong vẹo cột sống cho học sinh
- Chế độ dinh dưỡng cần có đủ protein, chất khoáng, vitamin.
- Nâng cao thể trạng học sinh bằng cách cho các em tham gia thể dục thể thao đều đặn.
- Phụ huynh, giáo viên nên hướng dẫn con em ngồi học đúng tư thế. Không nên ngồi học quá lâu cần có thời gian nghỉ giải lao giữa giờ.
- Lớp học cần đẩy đủ ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo. Góc học tập tại nhà thoáng mát, đủ ảnh sáng.
- Bàn ghế có kích thước phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học.
- Trọng lượng cặp phải nhỏ hơn 10% trọng lượng cơ thể.
- Nên có kế hoạch khám sức khỏe định kỳ cho các em.