Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trẻ em đang 'đói' giáo dục gia đình

Cha mẹ khó khăn về kinh tế mải bươn chải cuộc sống, nên có sinh mà không dưỡng. Nhà khá giả thì ỷ đồng tiền làm thay cho việc giáo dục, dẫn đến hậu quả con cái tự sống, tự hành xử.

Ngày 17/5, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức hội nghị bàn về phòng chống bạo lực học đường, các giải pháp và chính sách.

Tại hội nghị, TS Trần Văn Công, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết bạo lực học đường không chỉ xảy ra bên trong mà còn ở bên ngoài nhà trường. Không chỉ có bạo lực thể chất, mà còn bạo lực tâm lý. Theo thống kê ở các nước, khoảng 30%-40% trẻ em có trải nghiệm về bạo lực học đường. Thông thường, nam nhiều hơn nữ.

TS Trần Văn Công thông tin thêm nghiên cứu của chuyên gia trên thế giới, Việt Nam không nằm trong quốc gia có bạo lực học đường nặng nề, thực chất các nước bị bạo lực học đường nhiều là châu Phi. Nhưng cũng giống như xu hướng chung của thế giới, bạo lực trực tiếp càng ngày càng giảm còn bạo lực trực tuyến càng ngày càng gia tăng.

bao luc hoc duong anh 1
Toàn cảnh hội nghị về phòng chống bạo lực học đường. Ảnh: Tiền Phong.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội, đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường như hiện nay. Trong đó, ông nhấn mạnh vai trò của giáo dục gia đình. Theo TS Tùng Lâm, giáo dục trong nhiều gia đình đang bị khủng hoảng.

“Những gia đình khó khăn về kinh tế thì mải bươn chải cuộc sống nên có sinh mà không có dưỡng. Nhà khá giả thì ỷ đồng tiền làm thay cho việc giáo dục, dẫn đến hậu quả con cái tự sống, tự hành xử”, TS Tùng Lâm phân tích.

Ông cho rằng lâu nay, chúng ta đổ lỗi cho thầy cô nhiều hơn là làm rõ trách nhiệm với cha mẹ. Phải học tập các nước tiên tiến, mọi hành vi của trẻ vị thành niên cha mẹ đều phải chịu trách nhiệm theo những điều luật cụ thể, buộc cha mẹ phải tìm cách phối hợp với các trường học, các nhà tư vấn tâm lý để tự giải quyết cho con em của họ trong mỗi gia đình.

“Nếu pháp luật của chúng ta không bổ sung được những vấn đề cụ thể, chắc chắn bạo lực học đường sẽ còn tiếp diễn. Như vậy, hiện nay phải trông chờ vào kết quả giáo dục của mỗi nhà trường”, TS Tùng Lâm nhấn mạnh.

Ông Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng Vụ Công tác chính trị học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT, nêu ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, bạo lực học đường hiện nay. Nguyên nhân khách quan có giáo dục trong một số gia đình chưa thực sự lành mạnh. Không những thế, nhiều bậc cha mẹ còn “khoán trắng” việc quản lý, giáo dục con em cho nhà trường. Như vậy, có thể nói hiện nay, trẻ em Việt Nam đang bị “đói” về giáo dục gia đình.

“Không dừng lại ở các cuộc hội thảo về bạo lực học đường, chúng tôi hy vọng sẽ có chương trình quốc gia về phòng chống bạo lực học đường. Chương trình này sẽ có đủ nguồn lực để giải quyết vấn đề giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và phối hợp các lực lượng xã hội, làm sao bạo lực ngoài xã hội cũng được giải quyết căn bản”, TS Tùng Lâm chia sẻ.

Ðoàn, Ðội tham gia phòng chống bạo lực học đường

Tại hội nghị, bà Đỗ Thu Hằng, Viện nghiên cứu Thanh niên, Trung ương Đoàn, cho biết viện đang thực hiện hai đề tài cấp nhà nước được Trung ương Đoàn “đặt hàng” là Đoàn tham gia phòng chống bạo lực học đường trong trường THPT và Đội thiếu niên tham gia phòng chống bạo lực học đường trong các trường THCS.

Bà Hằng cho hay các vụ việc bạo lực học đường xảy ra trong thời gian qua chủ yếu tập trung ở hai đối tượng là học sinh THCS và THPT. Theo báo cáo, quý I/2019, cả nước có tới 310 vụ bạo lực học đường trong môi trường giáo dục THCS, THPT. Bà Hằng đặt câu hỏi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan bạo lực học đường rất nhiều nhưng vì sao vẫn còn hiện tượng bạo lực học đường diễn ra?

Qua quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát tìm nguyên nhân từ chính học sinh. Đó là do sự rủ rê, lôi kéo kích động từ bạn bè xấu, tính hiếu thắng của học sinh, rồi bản thân các em cũng đang thiếu kỹ năng sống.

Phía gia đình là do nuông chiều hoặc dạy dỗ thiếu khoa học; mâu thuẫn xung đột trong gia đình. Ở nhà trường, các em cho rằng chương trình học hiện nay nặng kiến thức, không có thời gian để các em tham gia đội nhóm, rồi các văn bản xử phạt chưa đủ răn đe.

Bạo lực học đường nhìn từ góc độ tâm lý Một số cơ quan quản lý thừa nhận rằng những vụ bạo lực học đường ngày càng phức tạp, tính chất nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân sâu xa từ đâu?

Nghiên cứu, nhóm đề xuất các cơ quan quản lý cần rà soát văn bản để phát hiện bất cập giúp hoàn thiện chính sách. Chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch phòng chống bạo lực học đường. Phát huy vai trò đại diện của cha mẹ học sinh, tuyên truyền để học sinh hiểu về pháp luật.

'Tôi không đồng tình thầy cô đánh trò, nhưng phải nhìn nhận toàn diện'

GS Nguyễn Minh Thuyết không đồng tình việc thầy cô đánh học trò và cần bình tĩnh phân tích vì sao một số giáo viên mất kiểm soát bản thân.

https://www.tienphong.vn/giao-duc/ts-nguyen-tung-lam-tre-em-dang-doi-giao-duc-gia-dinh-1417050.tpo

Theo Nghiêm Huê / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm