Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trẻ em Philippines bị bạo hành, lạm dụng tại các 'ngôi nhà hy vọng'

Tồi tàn, chật chội và thiếu thốn đủ bề, các trung tâm giáo dưỡng mang tên "ngôi nhà hy vọng" ở Philippines bị gọi là "địa ngục, nơi không dành cho con người".

Zing.vn trích dịch bài viết 'Worse than prison': Abuses in Philippines youth homes đăng trên AFP nói về những cáo buộc lạm dụng, bạo hành tại các trung tâm giáo dưỡng thanh thiếu niên ở Philippines.

Jerry (11 tuổi) trốn khỏi nhà vì bị cha ruột bạo hành. Sau những ngày lang thang, ngủ trên đường, cậu bé được gửi đến một trung tâm giáo dưỡng tại thủ đô Manila (Philippines).

Chính tại nơi được gọi là “ngôi nhà hy vọng” cho những đứa trẻ cơ nhỡ, lầm đường lạc lối, Jerry bị lạm dụng tình dục.

“Tôi không thể quên được việc bị lạm dụng. Tôi cảm thấy ghê tởm”, cậu bé 11 tuổi nhớ lại khoảng thời gian khủng khiếp.

Theo luật hiện hành, “ngôi nhà hy vọng” chỉ dành cho trẻ từ 15-18 tuổi. Tuy nhiên, các tổ chức từ thiện và nhiều nhà hoạt động nhân quyền cho biết không khó để tìm thấy những đứa trẻ dưới 15 tuổi như Jerry ở các trung tâm này.

Các tổ chức nhân quyền chỉ trích những trung tâm thanh thiếu niên tại Philippines hiện nay hoạt động không khác gì, thậm chí còn tồi tệ hơn nhà tù vì quá tải, thiếu cơ sở vật chất và nhân sự.

tre Philippines bi lam dung anh 1
Nhiều trẻ em bị lạm dụng tình dục và bạo hành tại các trung tâm thanh thiếu niên ở Manila, Philippines. 

"Không phải nơi dành cho con người"

Shay Cullen, chủ tịch của tổ chức PREDA, nơi giúp đỡ những cậu bé như Jerry, ví những "ngôi nhà hy vọng" như chuồng thú dùng để giam giữ trẻ vị thành niên.

“Đó thực sự là địa ngục, không phải nơi dành cho con người”, ông Cullen nói với AFP.

5 trẻ em từng bị giam tại các cơ sở này, trong đó có Jerry, đều bị lạm dụng.

Hai năm trước, Justin được đưa tới một cơ sở ở Manila khi mới 17 tuổi. Cậu bé từng bị bạn tù đánh vì vi phạm quy tắc khi ở chung.

“Chúng đấm vào ngực, bụng và cằm tôi. Rất đau! Tôi đã học cách tàn nhẫn hơn để trả thù chúng”, Justin nói.

Hiện tại, Philippines có 55 "ngôi nhà hy vọng" do chính phủ quản lý. Con số này ít hơn nhiều so với ước tính 114 cơ sở cần có để giáo dưỡng trẻ vị thành niên phạm tội và cơ nhỡ.

Luật hiện hành giao cho các tỉnh và thành phố xây dựng, điều hành các trung tâm dưới sự giám sát của chính phủ.

tre Philippines bi lam dung anh 2
Tình trạng quá tải, thiếu cơ sở vật chất ở các trung tâm giáo dưỡng.

Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 8 cơ sở tuân thủ các quy định về phúc lợi xã hội, bao gồm một nhân viên xã hội phụ trách 25 trẻ tại trung tâm; mỗi em có giường ngủ riêng, thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, đồ dùng vệ sinh và theo học các chương trình phục hồi nhân phẩm.

Tricia Oco, giám đốc điều hành Hội đồng Tư pháp và Phúc lợi vị thành niên, nói trong cuộc điều tra của Thượng viện hồi tháng 1: "Chúng tôi thấy một số nơi tệ hơn nhà tù. Họ không có chương trình giáo dục nào cả".

Trong bối cảnh các trung tâm giáo dưỡng trẻ em ngày càng quá tải và xuống cấp, tình trạng bạo hành và lạm dụng đáng báo động, dự luật giảm tuổi chịu trách nhiệm hình sự từ 15 xuống 12 -  tức sẽ có thêm hàng nghìn trẻ bị gửi đến các trung tâm - gây ra nhiều tranh cãi.

Dự luật đã bị hoãn lại trong phiên họp của quốc hội Philippines tháng trước. Nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte muốn tiếp tục trình nó trước quốc hội, bất chấp sự phản đối của các tổ chức nhân quyền.

Trường học tội phạm

Thiếu các biện pháp giáo dục, phục hồi nhân phẩm, nhiều người lo ngại "ngôi nhà hy vọng" sẽ trở thành những trường học tội phạm. Trẻ em bị giam giữ quá sớm có thể học thói xấu của nhau.

Louise Suamen, chuyên gia Quỹ Bahay Tuluyan, nói: “Nếu trẻ em bị đưa vào môi trường này, chúng sẽ học thói bạo lực và lạm dụng vì muốn thay đổi và không trở thành nạn nhân nữa. Đáng ra việc giam giữ phải là biện pháp cuối cùng".

Tristan, 15 tuổi, đã cảm thấy nhẹ nhõm khi biết tin được chuyển tới "ngôi nhà hy vọng" ở Manila sau khi bị giam trong nhà tù dành cho người lớn vì tội buôn ma túy, dù cậu nói bị cảnh sát vu oan.

"Tôi nghĩ đó sẽ là một ngôi nhà xinh xắn. Nhưng không, đó cũng chỉ là một nhà tù, nhà tù dành cho trẻ em", cậu bé nói.

Năm 2006, Philippines đã nâng tuổi chịu trách nhiệm hình sự từ 9 lên 15. Động thái này được ca ngợi là bước tiến nhân đạo. Tuy nhiên, Tổng thống Duterte nhiều lần công kích sự thay đổi này vì cho rằng nó cản trở nỗ lực trấn áp trẻ vị thành niên vận chuyển ma túy cho các tập đoàn phi pháp.

Trong khi đó, nhiều "ngôi nhà hy vọng" đang phải chật vật vì thiếu nguồn lực, theo Jay Mark Chico, người đứng đầu một trung tâm ở tỉnh Bulacan.

Ông Chico cho biết 114 trẻ em đang phải chen chúc trong cơ sở có sức chứa tối đa 60 người. Một số phải ngủ trên sàn nhà. Tiền ăn hàng ngày theo ngân sách của tỉnh là 0,65 USD/người nhưng họ đang cố gắng tăng ngân sách, cũng như kêu gọi mở rộng trung tâm.

Dù vậy, không phải trẻ em nào cũng có ác cảm với trại giáo dưỡng. Một số người nói rằng thời gian ở trung tâm đã giúp họ rất nhiều.

Nathan Andes (21 tuổi) bị giam vì tội hiếp dâm nhưng vì chưa đủ tuổi thành niên nên được phép chấp hành án trong cơ sở ở Bulacan, cảm thấy cảm kích vì có cơ hội đi học trở lại.

“Với nhiều người, chúng tôi vô dụng và chẳng khác gì rác rưởi. Nhưng thực ra chúng tôi vẫn có ích”, Andes nói.

Trường học đầu tiên ở Đài Loan cho phép nam sinh mặc váy đi học

Từ ngày 22/7, trường THPT Bản Kiều ở Đài Loan (Trung Quốc) chính thức cho phép các học sinh nam mặc váy đi học như một cách thúc đẩy cuộc đấu tranh bình đẳng giới.





Huệ Lâm

Ảnh: AFP

Bạn có thể quan tâm