Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trẻ em vùng 'chảo lửa' nhập viện vì nắng nóng

Miền Trung đang hứng chịu những ngày nắng nóng khắc nghiệt nhất trong năm. Tại Nghệ An, số bệnh nhi nhập viện tăng cao kéo theo người chăm sóc khiến các cơ sở y tế quá tải.

Quá tải do bệnh nhi vượt tuyến

9h, bãi gửi xe Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An chật kín từ cổng đến sân. Ghế chờ ở tất cả các khoa đều kín người. Tiếng khóc của trẻ nhỏ, tiếng nói chuyện của các ông bố bà mẹ khiến không gian vốn đã oi bức càng thêm ngột ngạt hơn.

Chị Lê Thị Hằng từ xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu tất tả đưa con trai là cháu Phạm Trung Hiếu (8 tháng tuổi) nhập viện vượt tuyến vì bị viêm phổi rồi biến chứng đi ngoài. Do bệnh nhân quá đông, bệnh viện quy định mỗi trẻ chỉ kèm theo một người được chăm sóc trong phòng điều trị, nên chồng chị phải đứng ở ngoài để chờ thay vợ chăm nom con.

Giải thích lý do không đưa con đến bệnh viện huyện khám và điều trị, chị Hằng cho hay xem ti vi thấy phản ánh nhiều dịch bệnh do vius, có trường hợp còn tử vong nên gia đình lo lắng khi thấy con có triệu chứng ho, nóng sốt rồi đi ngoài. Thế là vợ chồng bồng bế con lên đây “cho yên tâm”. Cũng như chị Hằng, tại phòng khám nội khoa, chúng tôi đã chứng kiến cảnh rất nhiều gia đình sẵn sàng đưa trẻ vượt tuyến lên bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.

Bệnh nhi và người nhà chen chúc khám bệnh tại Bệnh viện Sản- Nhi Nghệ An. Ảnh: Hồ Hà
Bệnh nhi và người nhà chen chúc khám bệnh tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An. Ảnh: Hồ Hà.

“Biết vượt tuyến là không được hưởng chính sách bảo hiểm miễn phí dành cho trẻ dưới 6 tuổi nhưng cứ vào tuyến tỉnh điều trị thì tôi mới yên tâm”- chị Nguyễn Thị Phương quê ở Nghi Trung huyện Nghi Lộc nói. Rất nhiều lý do khác nhau, nhưng việc nhiều phụ huynh không ngần ngại “vượt rào” đưa con vào nhập viện tuyến trên đã khiến Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An những ngày này luôn “căng mình” vì quá tải.

Bác sĩ Trần Văn Cương - Phó Giám đốc bệnh viện Sản - Nhi cho hay nếu như trước đây, mỗi buổi bệnh viện đón tiếp trung bình từ 400-500 bệnh nhi tới khám thì mấy ngày nay đã có lúc lên tới 950 trẻ, trong đó số bệnh nhi vượt tuyến rất nhiều.

“Trời nóng bức thế này, đến người lớn khỏe mạnh còn khó chịu nữa là trẻ ốm. Bệnh viện quá tải, ngột ngạt lại thêm mùi thuốc, mùi mồ hôi sẽ càng làm cho bé khó chịu hơn. Vì thế chỉ trong trong hợp bắt buộc chúng tôi mới chỉ định nằm viện còn đều cho điều trị ngoại trú. Dù sao ở nhà vẫn thoáng, mát dễ chịu hơn cho bé, lại thuận lợi hơn cho người chăm nom”, bác sĩ Cương chia sẻ.

Nhiều giải pháp chống quá tải

Để giảm tải ùn tắc, hơn 2 tuần nay tất cả cán bộ, y bác sĩ tại khoa Khám bệnh điều trị ban đầu, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An phải làm việc cả thứ Bảy và Chủ nhật. Buổi sáng thì đi làm trước 30 phút, bởi thời điểm từ 7-9h, bệnh nhân đến rất đông.

Tại khoa Hô hấp, để đáp ứng điều trị cho gần 100 bệnh nhân nội trú, khoa đã phải kê giường bệnh dọc hành lang nhằm hạn chế nằm ghép để tránh lây nhiễm chéo.

Khoa Truyền nhiễm là một trong những khoa khá đông bệnh nhi, trung bình 45-50 cháu đến khám mỗi ngày. Thời điểm này, một số bệnh đang có xu hướng quay trở lại với diễn biến phức tạp hơn như viêm não, ho gà. Các bệnh này hầu hết nằm trong Chương trình tiêm chủng quốc gia, song theo bác sĩ Nguyễn Văn Sơn - Trưởng khoa Truyền nhiễm thì có tới hơn 80% bệnh nhi vào đây đều chưa được đi tiêm chủng.

Cũng tại Khoa Truyền nhiễm hiện đang có 22 bệnh nhi đang được điều trị tại có biểu hiện sốt cao co giật mà nguyên nhân chủ yếu là do virus đường hô hấp. Đơn cử trường hợp cháu Nguyễn Hữu Hưng (2 tuổi), trú tại phường Đông Vĩnh, TP Vinh, nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật toàn thân.

Đây là bệnh nhi có tiền sử co giật, nhưng trong những này thời tiết nóng nực kéo dài, mẹ của cháu lại chủ quan dẫn đến cảnh con trai lặp lại tình trạng trên. Chị Nguyễn Thị Hoài - mẹ bé Hưng - cho hay khoảng hơn một tuần nay, cháu ăn uống kém hơn, chạy nhảy nhiều nên ra mồ hôi, sau đó có biểu hiện sốt. Nghĩ rằng thời tiết nắng nóng nên chị chỉ cho con uống thuốc hạ sốt. Đến khi cháu lên cơn co giật, tím tái toàn thân, gia đình mới hốt hoảng đưa con vào đây, nguyên nhân cơn sốt là do virus.

Bác sĩ Sơn khuyến cáo việc xử lý ban đầu đối với trẻ sốt cao rất quan trọng bằng cách cho uống thuốc hạ sốt đúng cách và bù nước. Ngoài ra, các bậc phụ huynh có thể thực hiện một số thủ thuật hạ sốt đơn giản như lau mát, đặt trẻ nằm nơi thoáng, nới lỏng quần áo…

Cần dùng nhiệt kế để theo dõi tình trạng sốt của trẻ, bởi thực tế có nhiều trường hợp trẻ không đáp ứng được với một số thuốc nên khó cắt cơn sốt. Những trường hợp này cần phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Nắng nóng kéo dài, trong khi trẻ em sức đề kháng lại yếu, khó thích nghi nên dễ bị sốt cao. Người lớn nên hạn chế cho trẻ ra ngoài trời trong lúc nắng nóng, cho bé uống nhiều nước, có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

http://giadinh.net.vn/y-te/tre-em-vung-chao-lua-un-un-nhap-vien-vi-nang-nong-20150529081321216.htm?mobile=true

Theo Hồ Hà/Báo Gia Đình & Xã Hội

Bạn có thể quan tâm