Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân), số lượng phạm tội ở lứa tuổi thanh thiếu niên hiện đang chiếm tỉ lệ cao (trên 60%).
Dùng vũ lực để thỏa nóng giận và chứng tỏ bản lĩnh
Nhiều người bày tỏ băn khoăn: “Hôm nay có thể còn là thiểu số nhưng nếu xã hội không có giải pháp, số lượng trẻ phạm tội sẽ nhanh chóng gia tăng”.
Ông Dương Thanh Sơn (67 tuổi, Gò Vấp, TP HCM) lo lắng cho biết: “Sao bây giờ tụi trẻ dễ dàng gây hấn rồi đánh nhau, giết nhau khủng khiếp vậy. Tôi đọc báo mà thấy sợ quá vì nhiều khi chỉ vì chút tự ái nhỏ xíu mà đang tâm lấy đi mạng sống của người ta”.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên sau khi trò chuyện với các em, cô Viên An nhận ra một trong những nguyên nhân khiến các em này thích dùng vũ lực để giải quyết vấn đề vì các em thấy cô đơn và bí bách khi thiếu sự chia sẻ.
"Không được mọi người coi trọng, thiếu tự tin vào học vấn, gia đình bỏ lơ làm cho các em tự học cách đối phó với cuộc sống và các mối quan hệ. Việc dùng vũ lực vừa để thỏa cơn nóng giận cũng vừa muốn gây chú ý tới mọi người, thể hiện cái tôi cá nhân. Có điều các em đang nhìn nhận vấn đề lệch lạc. Tôi nhận thấy nhà trường và gia đình phải có trách nhiệm với các em" - cô Viên An chia sẻ.
Công Thành (17 tuổi, TP HCM) cho biết, bạn ít khi trò chuyện với cha mẹ vì họ quá bận rộn và thường khi hỏi điều gì thì phụ huynh cũng chỉ nói được hoặc không mà không bao giờ lắng nghe hay giải thích.
Điều đó làm Thành thường tự trả lời những thắc mắc của mình bằng cách tra trên Internet.
Muốn giải quyết mọi việc nhanh chóng
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, giám đốc chiến lược Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt, phân tích một vài nguyên nhân dẫn đến việc thanh thiếu niên ngày nay dễ dẫn đến những hành vi bạo lực hoặc thiếu kiềm chế bản thân.
Trước hết là các em đang trong độ tuổi vẫn còn những biến đổi về tâm sinh lý. Các em dễ bị lôi kéo, kích động và bột phát trong hành động.
Bên cạnh đó, sự phát triển quá nhanh của cuộc sống tạo cho thanh thiếu niên ngày nay quen với việc giải quyết mọi thứ nhanh chóng. Các em đánh nhau, thậm chí giết người dễ dàng để thỏa mãn cơn nóng giận của mình mà không cần nghĩ đến hậu quả.
Đồng thời giới trẻ ngày nay thể hiện cái tôi của mình quá sớm và hầu như trong mọi trường hợp. Việc thiếu kiểm soát dẫn đến nhiều hành vi sai trái nhưng vẫn được các em hành động chỉ vì muốn bảo vệ cái tôi của mình, ThS Hòa An nhận định.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, đại tá, TS Đỗ Cảnh Thìn, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, cho rằng nguyên nhân còn đến từ những khó khăn về đời sống, những thay đổi về giá trị sống trong một môi trường mở, trong khi đó một bộ phận giới trẻ không thích nghi kịp.
Điều đó xảy ra do trình độ hạn chế, môi trường sống không thuận lợi, bị tác động bởi những hiện tượng tiêu cực trong xã hội như bạo lực, lối sống gấp, thích hưởng thụ không từ lao động, cống hiến, chạy theo những trào lưu thiếu lành mạnh.
Dạy con từ thuở còn thơ
GS.TS Phạm Thành Nghị, Viện Tâm lý học thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng trẻ được nuôi dưỡng và giáo dục đúng đắn từ gia đình và nhà trường sẽ điều khiển hành vi của mình tốt hơn.
Người lớn phải dạy cho trẻ cách làm chủ cảm xúc của mình khi xảy ra những sự việc khiến mình nóng giận, đó là dừng lại, suy nghĩ thật kỹ rồi hãy hành động, GS Nghị phân tích.
Và khi xảy ra những sự việc khiến trẻ nổi giận, các em sẽ dựa trên những gì quan sát từ phim ảnh, game và những điều trẻ tự bảo nhau để dẫn đến việc dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.
Chị Thùy Giang, một bà mẹ có hai con đang trong độ tuổi tiểu học, cho biết chị chọn cách chia sẻ với con như những người bạn, thường xuyên trao đổi, trò chuyện với con về những vấn đề trong cuộc sống.
“Hãy nói với con về những điều tốt và dạy con cách phản ứng, phòng vệ với cả những điều xấu nữa. Cách phụ huynh lờ đi những câu hỏi của con hoặc cấm chúng làm điều này điều kia sẽ càng làm cho trẻ muốn khám phá và chứng tỏ bản thân, điều đó sẽ càng nguy hiểm”, chị Ngọc Bích (Q.10, TP HCM) đánh giá.
ThS Đào Lê Hòa An khuyến khích các bạn trẻ nên tham gia các hoạt động xã hội, nhận biết nhiều hơn thế giới xung quanh thay vì co cụm trong phạm vi quan hệ nhỏ hẹp của mình. Từ đó thế giới quan của trẻ sẽ rộng mở hơn và biết cách ứng xử với cuộc sống hơn.
Đồng thời ThS Hòa An khuyên các bậc phụ huynh nên quan tâm hơn đến con em mình. Hãy tăng cường trò chuyện để tìm kiếm sự thấu hiểu của nhau. Đừng để trẻ cảm thấy cô đơn, lạc lõng và khi xảy ra sự cố phải đương đầu một mình.
“Chúng ta đang sống trong một xã hội mà những giá trị ảo, những hào nhoáng vật chất được tôn vinh. Người ta không hướng về những giá trị bên trong như sự tự trọng, lòng nhân ái. Người lớn như thế thì làm sao giáo dục con em mình”, một bạn đọc chia sẻ.
GS.TS Phạm Thành Nghị cũng nói thêm: “Chúng ta chỉ dạy con em mình cạnh tranh với cuộc sống, với người khác mà quên mất điều quan trọng là cạnh tranh với chính mình. Đó là quá trình hoàn thiện bản thân của mình theo thời gian và từ đó mỗi người làm chủ bản thân mình tốt hơn”.