Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Trẻ hiểu sai về Quang Trung - Nguyễn Huệ là đương nhiên'

TS Vũ Thu Hương – khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, chuyện học sinh nhầm lẫn kiến thức Lịch sử đương nhiên sẽ xảy ra khi môn học này chỉ là phụ.

Hậu quả của môn học phụ

- Sau khi xem clip học sinh trả lời về Quang Trung - Nguyễn Huệ, là người có kinh nghiệm 20 năm đào tạo giáo viên tiểu học, bà có bất ngờ không?

- Thú thật tôi không bất ngờ trước phần trả lời của các em. Tôi nghĩ chuyện này sẽ xảy ra đương nhiên khi các môn học Lịch sử và Địa lý bị coi rẻ hết cỡ trong chương trình. 

Mặc dù Lịch sử là một phần vô cùng quan trọng của Văn hóa Việt, nhưng Bộ GD&ĐT coi nhẹ, phụ huynh coi nhẹ, xã hội coi nhẹ và đương nhiên là học sinh đã coi rất rẻ rúm.

Bài số 25 trong SGK Lịch sử lớp 4.
Bài số 25 trong SGK Lịch sử lớp 4.

- Chương trình tiểu học, bài học về Quang Trung - Nguyễn Huệ trong SGK được trình bày đã thực sự thu hút để các em ghi nhớ?

- Bài học về Quang Trung – Nguyễn Huệ không chỉ xuất hiện một lần mà ít nhất là ba lần trong suốt quá trình các cháu học từ lớp một đến 12. 

Ngoài ra, các bài học này kéo dài và luôn là kiến thức quan trọng hàng đầu trong kì học. Vì thế, tôi nghĩ, việc các cháu không ghi nhớ không liên quan sách giáo khoa.

Tôi từng hỏi các bạn nhỏ về Địa lý, câu trả lời sẽ khiến nhiều người cười. 

Ví dụ: "Khi dẫn học sinh đi từ Bắc về Nam, sau khi qua Nam Định, Ninh Bình, chúng ta đến tỉnh nào?". Đám trẻ hớn hở trả lời: "Quảng Ngãi ạ, Thừa Thiên Huế ạ". 

Hay: "Sóc Trăng nằm ở miền nào, Bắc, Trung hay Nam?". Trẻ nhỏ hô rất to: "Bắc ạ". 

Và bạn tin được không, học sinh tốt nghiệp lớn 9 vẫn chưa biết đâu là hướng Bắc, Nam, Đông, Tây. Thậm chí, có cháu khoe với tôi sau khi được hướng dẫn xem la bàn: “Cô ơi, cái phòng này ở hướng nam tây ạ”.

- Bà có thể gợi ý phương pháp dạy bài học về Quang Trung - Nguyễn Huệ sao cho hấp dẫn với học sinh để từ đó mở rộng ra những bài học khác?

 

- Mỗi giáo viên sẽ có sự lựa chọn khác nhau. Tôi sẽ lựa chọn phương thức làm khó học sinh. Nghĩa là các con không phải học thuộc như vẹt mà phải làm các bài tập lớn như: Tìm hiểu tiến trình lịch sử Việt Nam trong thời kì nhà Tiền Lê?; Nhận xét công và tội của 9 đời chúa, 13 đời vua triều Nguyễn…

Từ đó, tôi sẽ hướng dẫn trẻ tìm hiểu lịch sử thông qua sách tham khảo, qua các di tích, câu chuyện. Theo kinh nghiệm của tôi, đám trẻ có hứng thú với môn học này hơn hẳn.

TS Đoàn Hương: Không bất ngờ vì trẻ nhầm Quang Trung

Tình trạng 37/40 em học sinh trả lời sai về Quang Trung - Nguyễn Huệ là điều không làm TS khoa học Đoàn Hương choáng váng.

Nên đưa Lịch sử vào các cuộc thi 

- Nguyên nhân nào dẫn đến việc trẻ thiếu hụt hay hiểu sai kiến thức cơ bản về Lịch sử như vậy?

- Nguyên nhân đầu tiên có thể kể tới là trong chương trình học của chúng ta, Lịch sử chiếm một vai rất phụ. Ngày nay, học sinh thi lên cấp ba chỉ có Toán và Văn; thi tốt nghiệp THPT bắt buộc 3 môn Toán, Văn và Ngoại ngữ. Vậy Lịch sử rõ ràng là môn học không quan trọng. 

Với khả năng nhìn nhận còn hạn hẹp, học sinh không thể thấy được tầm quan trọng của bộ môn này, đặc biệt khi không xuất hiện trong các kỳ thi. Ngay cả phụ huynh cũng có suy nghĩ tương tự. Từ đó, tình trạng học sinh thiếu hụt, hiểu lầm kiến thức Lịch sử là điều có thể xảy ra.

Lễ hội Gò Đống Đa. Ảnh: Lê Hiếu.
Lễ hội Gò Đống Đa. Ảnh: Lê Hiếu.

- Đưa Lịch sử vào các môn thi sẽ tác động đến việc học của học sinh như thế nào?

- Việc học Lịch sử thời của tôi với thời nay cũng không thay đổi bao nhiêu. Nhưng sau khi ra trường đã mấy chục năm, tất cả thanh niên thời đại chúng tôi đều nhớ được kiến thức quan trọng này. 

Vấn đề khác biệt ở đây chính là: Thời chúng tôi, học sinh thi lên cấp 3 và thi tốt nghiệp phổ thông hoàn toàn có thể phải thi Lịch sử. Chúng tôi sẽ thi 4 môn học. Trong 4 môn đó, Bộ GD&ĐT có thể chọn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học. Vì thế, dù không thích, chúng tôi vẫn phải học rất nghiêm chỉnh.

- Vậy để nâng cao chất lượng dạy và học Lịch sử trong nhà trường, theo bà cần đảm bảo yếu tố gì?

- Điều cần thay đổi chính là vị trí của bộ môn này trong giáo dục phổ thông. Nếu vị trí của nó được đề cao hơn, chắc chắn hiện tượng kinh hoàng dạng này sẽ không xảy ra.

Hiện tại, TS Vũ Thu Hương đang đưa học sinh tham gia hành trình Khám phá Miền Trung

Trong chuyến đi, các em viếng mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm động Phong Nha, động Thiên đường để học về địa chất vùng hang động đá vôi. 

Tham quan chùa Linh Ứng (Đà Nẵng), học sinh được học về kiến thức Phật giáo. Tới Huế, các em sẽ được trải nghiệm Lịch sử Việt Nam thời nhà Nguyễn.

Những kiến thức thực tế về lịch sử, địa lý, văn hóa và kiến trúc khu vực miền Trung được TS Hương trực tiếp giảng dạy cho học sinh qua hành trình dài 7 ngày.

Sách giáo khoa tiểu học dạy gì về Quang Trung - Nguyễn Huệ?

Trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 4 có 3 bài học về Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, nhiều học sinh trả lời "2 nhân vật" này là bố con, anh em hay bạn bè cùng chiến đấu.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm