Số ca tay chân miệng năm nay không tăng quá nhiều so với các năm trước nhưng số ca nặng có dấu hiệu tăng. Ảnh: Parenting. |
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết đã tiếp nhận bệnh nhi 17 tháng tuổi (ở Trà Vinh) chuyển đến do mắc tay chân miệng nặng.
Trước đó, trẻ chuyển nặng sau 3 ngày sốt, đã được điều trị ở phòng khám tư nhưng không cải thiện. Đến ngày thứ 4, bệnh nhi sốt cao khó hạ, nhiều cơn giật mình, chới với.
Trẻ nhập viện trong tình trạng mạch trên 200 lần/phút, suy hô hấp, da tái. Chỉ trong 4 giờ chuyển viện lên TP.HCM, bệnh nhi chuyển nặng từ bệnh tay chân miệng độ 3 sang độ 4.
Ngay lập tức, trẻ được đặt nội khí quản, thở máy, nhanh chóng thiết lập lọc máu liên tục để loại trừ cơn bão cytokine gây sốt cao lên 40-41 độ C.
Hiện bệnh nhi đáp ứng với những biện pháp hồi sức ban đầu, được điều trị cách ly và theo dõi sát tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Bệnh tay chân miệng đang vào mùa cao điểm, trong đó, số lượng trẻ nhập viện tại 3 bệnh viện nhi tại TP.HCM có xu hướng tăng. Điều đáng nói là do đầu mùa bệnh, nhiều phụ huynh không phát hiện dấu hiệu bất thường ở trẻ nên không cho trẻ đi khám kịp thời.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) ghi nhận một bệnh nhi 5 tuổi, quê Tiền Giang, tử vong do mắc tay chân miệng mức độ 4, dẫn đến biến chứng.
Bé được chuyển lên TP.HCM từ bệnh viện tuyến dưới. Tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhi được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu. Tuy nhiên, bé không qua khỏi do tình trạng quá nặng.
Ngay sau đó, bệnh viện đã lấy mẫu bệnh phẩm của trẻ gửi đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để làm xét nghiệm PCR. Kết quả dương tính với chủng EV71.
Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, EV71 từng gây đợt dịch tay chân miệng khá nặng nề trong năm 2011, sau đó là 2015, 2018. Do đó, sự tái xuất của chủng này được đánh giá là đáng lo ngại.
"Tay chân miệng đã trở nên quá quen thuộc, khuyến cáo các phụ huynh tái khám cho con đúng hẹn, theo sát khi bé sốt cao, run yếu tay chân hay ngủ giật mình. Bởi trẻ hoàn toàn có thể trở nặng ngay cả khi vẫn còn chơi trước đó và một khi nặng là biến chuyển rất nhanh, phức tạp", bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cảnh báo.
Tay chân miệng đang vào mùa cao điểm, từ tháng 4 đến tháng 6, thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ dưới 3 tuổi mắc bệnh càng dễ gặp biến chứng nguy hiểm.
Theo bác sĩ Quy, để phòng tránh tay chân miệng cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, phụ huynh cần lưu ý các thao tác khử khuẩn, đeo khẩu trang cho con. Ngoài ra, trẻ cần được bổ sung dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, có hệ miễn dịch khỏe mạnh, nhờ đó ít mắc các bệnh do virus, vi khuẩn gây ra.
Đối với người mắc bệnh tim, việc di chuyển đường dài để khám bệnh luôn đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Nhưng nhờ sự phát triển của Telehealth, bệnh nhân giờ đây có thể khám chữa bệnh từ xa. Mục Sức khỏe của Tri thức Trực tuyến giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.
Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.
Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.