Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trẻ hư Xuân Bắc đối đầu Đại ma vương Tự Long

Vở hài kịch "Âm mưu của Đại Ma Vương" sẽ tiếp tục kể về cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, với sự tham gia thể hiện của các diễn viên hài nổi tiếng miền Bắc.

Nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6, nhóm hài Xuân Bắc - Tự Long sẽ tái xuất trong chương trình hài kịch Bí mật chuyện kể phần 2 - Âm mưu của Đại Ma Vương. Vở hài kịch công diễn trong 5 ngày từ 28/5 đến 1/6, tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội. 

Trong phần 1 ra mắt 1/6/2013, vở kịch xoay quanh giấc mơ của một học sinh hư (Xuân Bắc thủ vai) tình cờ lọt vào hang ổ của bọn quỷ. Bọn chúng đang cố gắng tìm bắt cho đủ 15 đứa trẻ hư bỏ nhà đi và làm lễ tế thần để lấy được viên ngọc thần kỳ. Khi lấy được viên ngọc này, chúng sẽ trở thành người, thay vào đó, những đứa trẻ hư sẽ hóa thành quỷ. Trong lúc nguy hiểm, mẹ Xuân Bắc đã đi tìm và giải cứu cậu bé, nhưng bà đã bị bọn Ma Vương bắt. Cậu học sinh hư tìm đến cụ già trong làng chỉ dẫn cho việc đi tìm viên ngọc giao cho Ma Vương để cứu mẹ. Hành trình ấy đã biến cậu thành học sinh ngoan, biết sống vì người khác, biết giúp đỡ người khốn khó. Tuy nhiên, khi cậu tìm được ngọc thì mới rõ âm mưu của Ma Vương, hắn không giữ lời mà vẫn ném cả hai mẹ con vào lửa. Cậu bé tỉnh dậy biết rằng đó chỉ là giấc mơ và nguyện chăm ngoan, nghe lời mẹ.

Ở phần 2, câu chuyện được tiếp nối với giấc mơ của cậu bé hư (do Xuân Bắc thủ vai) nay đã trở thành hiện thực. Chỉ có cụ già trong làng mới biết cậu bé là người có khả năng đặc biệt và cũng là người duy nhất có thể cứu giúp dân làng thoát khỏi Ma Vương. Sau khi có được viên ngọc thần kỳ, bọn Ma Vương bắt đầu mơ ước được quay trở lại làm người. Ngày đó, Ma Vương cũng là những đứa trẻ, chỉ vì không được nghe lời ru ngọt ngào của mẹ, chuyện cổ tích của bà nên trong đầu chúng chất chứa những ý nghĩ ma quái rồi trở thành ma quỷ. Nhưng trong hành trình khao khát trở lại làm người, chúng phải bắt những đứa trẻ khác để thế chỗ. Do đó, chúng quyết định tìm đến nơi cậu bé đang ở, bắt trẻ con để biến thành ma quỷ và một cuộc chiến mới bắt đầu.

Danh hài Xuân Bắc và Tự Long trong hậu trường buổi lập luyện cho buổi diễn.
Gắn bó với các em nhỏ trong mỗi dịp Tết thiếu nhi, nghệ sĩ Xuân Bắc cho rằng anh hiểu các em như chính bản thân mình. "Trẻ em thường ước muốn trở thành người bảo vệ người khác. Bé gái thì mong muốn xinh đẹp như công chúa, còn bé trai lại thích được khỏe mạnh như siêu nhân. Vở diễn của nhóm Xuân Bắc - Tự Long sẽ đáp ứng những mong ước đó của các thiên thần bé nhỏ".

Xuân Bắc cũng khẳng định, đây không phải là một vở kịch mang tính bạo lực mà chỉ là một cuộc chiến trong tư tưởng giữa cái thiện và cái ác, giữa nhưng nhân vật chính diện và phản diện trong các câu chuyện cổ tích. Qua vở kịch, Xuân Bắc muốn đưa tới một thông điệp ý nghĩa tới cả trẻ em và người lớn: "Nếu như các bậc phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển trong tâm hồn trẻ nhỏ thì các bé sẽ được phát triển một cách toàn diện hơn. Hãy cho con trẻ được lớn lên trong những lời ru ngọt ngào, tình cảm của bà, của mẹ và nuôi lớn một tình yêu với người xung quanh. Trong vở kịch này, Đại Ma Vương (Tự Long thủ vai) là người rất thích nghe truyện cổ tích, vì không được sống trong tình yêu thương nên mới biến thành kẻ xấu xa với âm mưu đen tối".

Ngoài ra, chàng diễn viên hài tiết lộ thêm, bên cạnh những pha hài hước cùng lời thoại dí dỏm, các em nhỏ sẽ được trở về với khung cảnh làng quê thanh bình, yên ả. "Chúng tôi đã đầu tư rất kĩ cho bức tranh làng quê ấy trên nền giai điệu mượt mà Em đi giữa biển vàng. Ngoài cách nói trực diện thì chúng tôi mong muốn trẻ cảm nhận được tình đoàn kết là rất quan trọng trong cuộc sống, bên cạnh đó, tình cảm với quê hương, đất nước cũng được đề cao. Từ đó khơi gợi trong trẻ phải làm người tốt, dũng cảm, ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành".

Xuân Bắc cùng ê-kíp thực hiện vở diễn Âm mưu của Đại Ma Vương.

Khi được hỏi về ý định mang vở kịch này tới nhiều địa phương khác ngoài Hà Nội, Xuân Bắc cho rằng đây là một điều rất khó. Anh kể lại, một lần biểu diễn ở Hải Phòng, thấy rất đông khán giả vào xem và đinh ninh tưởng vở kịch thành công. Sau đó, thành viên trong ban tổ chức mới nói lại với anh, khán giả tự ý phá vỡ hàng rào chen vào. Do lo sợ ý thức kém của khán giả, đồng thời gánh nặng về chi phí quá lớn nên anh và ê-kíp của mình cũng ngại đưa vở kịch tới nhiều địa phương.

Hoàng Ca

Bạn có thể quan tâm