Ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, sở đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, đưa ra hướng dẫn thực hiện chương trình.
Theo kế hoạch, giáo viên được tập huấn 7 ngày trực tuyến, 3 ngày trực tiếp và 5 ngày làm việc kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, quá trình tập huấn gần như thực hiện qua online.
“Sau một tháng triển khai, qua báo chí phản ánh cũng như đi thực tế, chúng tôi thừa nhận học sinh đang gặp khó trong việc tiếp cận chương trình, nổi cộm là môn Tiếng Việt”, ông Hiếu nói.
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TP.HCM) trong ngày khai giảng năm học 2020-2021. Ảnh: Duy Anh. |
Ông lý giải sự việc này đến từ nhiều nguyên nhân. Năm học vừa rồi, do tình hình dịch Covid-19, học sinh có khoảng thời gian nghỉ khá dài trong học kỳ II. Các em không được tiếp cận đầy đủ chương trình giáo dục mầm non của lớp lá. Trẻ không được làm quen với mặt chữ nhiều.
Bên cạnh đó, năm học 2020-202, TP.HCM tựu trường trễ hơn mọi năm 2 tuần. Giáo viên lớp 1 không có thời gian giúp học sinh ổn định nề nếp, làm quen với cách học mới như các năm trước. Do đó, học sinh chưa thể bắt nhịp được chương trình học trong một tháng đầu.
Nắm bắt tình hình đó, phó giám đốc sở cho hay trong các cuộc họp gần đây, sở luôn yêu cầu các phòng giáo dục, các trường cho giáo viên chủ động thực hiện chương trình theo điều kiện thực tế.
“Giáo viên phải triển khai kế hoạch bài dạy gắn liền với điều kiện cụ thể của lớp, với năng lực, khả năng tiếp thu kiến thức học sinh. Từ đó, giáo viên bố trí thời lượng phù hợp, không vượt quá khả năng của các em, không cần cứng nhắc theo khung chương trình", ông Hiếu thông tin.
Ngoài ra, sở đề nghị hiệu trưởng các trường phải quan tâm hỗ trợ giáo viên lớp 1, đặc biệt những lớp có số lượng học sinh vượt quá quy định.
Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, đối với các lớp có nhiều học sinh, giáo viên phải chia nhóm dạy, chia sẻ và hướng dẫn ba mẹ cách học cùng con.
Phó giám đốc sở cũng mong phụ huynh bình tĩnh, không nên quá sốt ruột. Nhà trường sẽ có giải pháp điều chỉnh thời lượng dạy học sao cho phù hợp với từng đối tượng, không gây quá tải, không nhận xét phê bình áp lực cho học sinh.
“Trong thời gian đầu, trẻ thường gặp khó khăn trong chữ viết và phát âm. Tuy nhiên hết học kỳ I, các em sẽ theo được chương trình", ông Hiếu cho biết.