Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trẻ mắc bệnh… sợ, vì sao?

Nhiều trẻ bỗng dưng sợ, nghi ngờ mọi hoạt động xung quanh. Cho rằng con căng thẳng do học tập, nhưng các bậc phụ huynh phát hiện, các triệu chứng lo sợ của con ngày càng tăng...

Lo lắng đến hoang tưởng

Sau mỗi buổi học, Trần Mạnh Quang, 10 tuổi, học lớp 4 lại được đưa đi điều trị chứng bệnh… sợ. Tại Viện Sức khỏe tâm thần (bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), trong khi ngồi chờ đến lượt khám, Quang luôn tỏ ra lo lắng, buồn rầu, đặc biệt liên tục đưa ra những câu hỏi lặp đi, lặp lại. Bố mẹ Quang chia sẻ với bác sĩ, Quang sinh ra khỏe mạnh và phát triển bình thường. Tuy nhiên sau đó, cậu bé có những hành động bất thường như luôn tỏ ra lo lắng về bệnh tật, rửa tay liên tục, không chắc chắn về hành động của chính mình, các hành động ấy cứ lặp đi, lặp lại.

Đặc biệt, Quang bắt đầu lo lắng rằng mình có thể bị lây nhiễm vi rút HIV, bởi “con đã từng đứng gần một người bị bệnh AIDS”. Trong việc học, bé thường đọc nhiều lần một đoạn văn, vì lo sợ mình bỏ sót từ hay nội dung nào đó của câu, và cần tới 15 đến 30 phút để xong được một trang. Cũng theo lời kể của gia đình, chị gái của Quang có những đặc điểm tương tự nhưng hành vi ít rối loạn hơn.

BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị các rối loạn liên quan đến stress (Viện Sức khỏe tâm thần bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ: khi tiếp xúc với BS, Quang thừa nhận cảm thấy trí óc đang… lừa mình nên phải hỏi lại bố mẹ cho chắc chắn. Sau hơn ba tháng điều trị, tình trạng bệnh của Quang được cải thiện đáng kể.

Trẻ em có tỷ lệ cao

Theo BS Dương Minh Tâm, trường hợp như Quang là mắc chứng rối loạn nghi thức ám ảnh (Obsessive-Compulsive Disorder-OCD) với biểu hiện là những ý nghĩ thường xuyên tái diễn liên quan tới lo âu hoặc căng thẳng. Phần lớn các ca bệnh OCD đều bắt đầu từ thời kỳ thiếu niên hoặc tuổi dậy thì.

OCD phổ biến ở trẻ em và tuổi mới lớn. Tỷ lệ OCD ở người trẻ tuổi tăng với tỷ lệ 0,3% ở trẻ trong độ tuổi ba-năm tuổi, tăng lên 0,6% đối với trẻ từ 13 đến 18 tuổi. Tỷ lệ mắc OCD ở trẻ vị thành niên cao hơn tỷ lệ mắc các bệnh khác như tâm thần phân liệt hay rối loạn lưỡng cực. Ở trẻ nhỏ, tỷ lệ bé trai mắc OCD cao hơn so với bé gái, nhưng sự chênh lệch này sẽ giảm khi độ tuổi tăng lên.

“Hiện nay, OCD được chỉ ra do nhiều nguyên nhân. Trong đó có các nhân tố di truyền. Các nghiên cứu phả hệ đã chứng minh rằng nguy cơ mắc OCD khởi phát sớm có thể cao gấp bốn lần ở những người thân thế hệ thứ nhất. Bên cạnh đó là do miễn dịch ở hệ thần kinh. Hội chứng OCD có thể xuất hiện sau khi trẻ tiếp xúc hoặc nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết bêta -nhóm A. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do chất dẫn truyền thần kinh. Sự có mặt của hệ thống serotonin và dopamine được coi là điều kiện cơ bản để gây ra OCD”, BS Dương Minh Tâm cho biết.

Cần điều trị sớm

Phương pháp chữa trị tối ưu là phối hợp điều trị bằng các thuốc và liệu pháp tâm lý nhận thức hành vi (CBT). Hội chứng rối loạn ám ảnh chỉ tác động đến thần kinh chứ không nguy hiểm đến tính mạng. Điều trị bệnh này không dễ, mất nhiều thời gian, do đó khi thấy mình lo lắng quá mức, lo đến mức vô lý thì nên đi khám để được tư vấn, điều trị...

Theo BS Dương Minh Tâm, OCD được mô tả như là một rối loạn mệt mỏi, giận dữ mạn và hậu quả rất khác nhau. Một nghiên cứu gần đây cho thấy việc điều trị bằng sertralin giúp 50% bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn và 25% khỏi bệnh một phần với thời gian theo dõi một năm. Tuy nhiên, trong một số ít các ca bệnh, OCD có thể được coi là dấu hiệu của một dạng rối loạn tâm thần. Với trẻ em có triệu chứng dưới ngưỡng OCD, nguy cơ chuyển thành OCD toàn diện trong hai năm là rất cao. Đối với người lớn tuổi, kết quả điều trị khả quan hơn, với tỷ lệ thành công cao hơn (70%).

http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/bac-si-gia-dinh/tre-mac-benh-so-vi-sao/a135701.html

Theo Bảo Thoa/Báo Phụ Nữ TP.HCM

Bạn có thể quan tâm