Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội, trong xã hội hiện đại, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con, nên cha mẹ có xu hướng bồi bổ cho bé quá nhiều thực phẩm dinh dưỡng. Điều đó khiến trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh táo bón.
Căn bệnh này không gây ra hậu quả ngay tức khắc nên cha mẹ thường không để ý. Nhiều trẻ bị táo bón rất lâu ngày mới được đưa đến bệnh viện thăm khám.
Nhiều trẻ bị táo bón rất lâu ngày mới được đưa đến bệnh viện thăm khám. Ảnh: Greenmomscollective. |
ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cũng cho biết trẻ thường mắc bệnh táo bón sau dịp lễ, Tết.
“Trong các kỳ nghỉ, người lớn thường lơ là nên trẻ con có thể ăn uống thỏa thích. Khi đó, trẻ thường ăn quá nhiều đồ ngọt, thịt, thiếu chất xơ. Trẻ cũng không chịu uống nước lọc mà lại chọn nước ngọt, nước có gas, caffein”, thạc sĩ Hải cho hay.
Chuyên gia phân tích đạm vào cơ thể chuyển hóa thành ure. Chất này thải trừ qua nước tiểu. Khi trẻ ăn quá nhiều chất đạm, cơ thể cần rất nhiều nước để chuyển hóa chúng. Trong khi đó, nếu cơ thể đi tiểu nhiều sẽ dẫn tới kích thích ruột già, khiến thành ruột tăng sự hấp thụ nước, khiến phân khô cứng, gây táo bón.
Theo các bác sĩ, để trẻ không bị táo bón, người lớn nên tạo cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh.
- Tạo thói quen cho trẻ ăn rau từ khi con bắt đầu ăn dặm. Việc chọn các món rau trẻ thích, thay đổi cách chế biến sẽ làm tăng sự hứng thú của trẻ.
- Tăng cường cho trẻ ăn hoa quả tươi, có tính chất nhuận tràng như bưởi, chuối, thanh long...
- Thay vì cho trẻ ăn bánh, kẹo ngọt, bố mẹ có thể cho trẻ ăn sữa chua, uống các loại nước quả ép, nước rau củ quả luộc hoặc có thể nấu rau thành dạng súp, canh.
- Tập cho trẻ đi ngoài vào một thời điểm nhất định trong ngày, hàng ngày mát xa bụng cho con.
PGS Thúy khuyến cáo cha mẹ cần kiên nhẫn trong việc duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh vì táo bón rất hay tái phát. Đặc biệt, thuốc điều trị táo bón phải do bác sĩ kê đơn, cha mẹ không tự ý mua và sử dụng cho con.