Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trẻ mệt mỏi vì học online 6 tiếng một ngày

"Mới học online 3 ngày nhưng hôm nào cháu tôi cũng ngáp ngắn ngáp dài. Cháu ngáp nhiều đến mức cô giáo phải nêu tên nhắc nhở", chị Nhật Nguyên nói.

7h sáng, chị Nhật Nguyên (quận Ba Đình, Hà Nội) phải đánh thức cháu trai dậy vệ sinh cá nhân, ăn sáng để kịp buổi học online. Vừa nghe thấy tiếng cô ruột gọi dậy học bài, cậu bé đã òa khóc, nói không muốn học online nữa vì học rất mệt.

Cháu của Nhật Nguyên học lớp 3 tại một trường tiểu học ở Hà Nội. Dù mới bắt đầu năm học mới được vài ngày, cậu bé đã chán nản vì phải học online liên tục, lượng bài tập cũng nhiều hơn khi học ở trường.

tre qua tai vi hoc online anh 1

Trẻ tiểu học học online. Ảnh minh họa: Nhật Sinh.

Thời khóa biểu học online như trên lớp

Không chỉ riêng cháu trai của chị Nhật Nguyên, nhiều đứa trẻ khác cũng gặp tình trạng "ngộp thở" khi học online. Con trai của chị P.T.N., học lớp 2 ở ngoại thành Hà Nội, phải học online cả ngày như khi học bình thường trên lớp.

Buổi sáng các bé học từ 7h30 đến 11h. Buổi chiều là buổi học phụ, bắt đầu từ 14h30 và kết thúc lúc 17h. Dù học trực tuyến, các bé vẫn học đủ môn, từ Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, đến Âm nhạc, Mỹ thuật. Sau mỗi tiết học, trẻ chỉ có 5 phút nghỉ giải lao.

Buổi sáng các bé học chương trình chính khóa, buổi chiều làm bài tập trong sách giáo khoa. Do con phải học online cả ngày, chị N. không dám cho con học phụ đạo hay ép con học thêm kiến thức ngoài sách vở.

Chị N. than thở, lịch học dày đặc của con là một chuyện, đường truyền mạng không đảm bảo, ứng dụng học chập chờn mới là việc khiến chị đau đầu hơn cả.

Lớp 37 học sinh, học online qua Zoom. Buổi sáng gần như các bé không thể học vì nhiều người truy cập. Năm học mới chỉ bắt đầu được vài ngày, nhưng hôm nào học online cũng có cháu bị "out" khỏi lớp. Việc mất hình hoặc mất âm thanh cũng thường xuyên xảy ra.

"Có lần cô giáo cũng bị 'out' khỏi lớp, để các cháu bơ vơ cả tiếng đồng hồ", chị N. nói với Zing.

Cháu trai của chị Nhật Nguyên chỉ học nửa ngày, nhưng không được nghỉ giải lao. Lượng bài tập khi học online của cậu bé cũng nhiều gấp đôi bình thường.

Buổi sáng cậu bé bắt đầu học từ 7h30 và học liền 4 tiết. Do không được nghỉ giải lao, nhiều em tự cho phép bản thân nghỉ, chạy nhảy, chơi đùa khi cô giáo đang dạy. Tình trạng này khiến lớp học online gần 50 học sinh ồn ào như chợ, cô giáo cũng không thể kiểm soát hết.

Chị Nhật Nguyên buồn phiền vì cô giáo giao quá nhiều phiếu bài tập. Lần học online năm ngoái, trẻ chỉ cần làm một phiếu Toán và một phiếu Tiếng Việt cho hai tuần học. Nhưng năm học này, ngày nào trẻ cũng phải làm thêm phiếu bài tập.

"Mới học online 3 ngày nhưng hôm nào cháu tôi cũng ngáp ngắn ngáp dài. Cháu ngáp nhiều đến mức cô giáo phải nêu tên nhắc nhở", chị Nhật Nguyên nói.

Chị Quỳnh Chi (Hà Đông, Hà Nội) cho hay con chị học online 2,5 giờ một ngày, nghỉ 5 phút giữa giờ. Lượng kiến thức không giản lược, gây quá tải cho học sinh. Khi đó, trong một buổi học, cô giáo không thể giải quyết cặn kẽ mọi vấn đề trong bài giảng. Học sinh sẽ bị giao nhiều bài tập về nhà. Bố mẹ cần kèm con học thêm 1, 2 tiếng mỗi ngày mới đáp ứng hiểu, ngấm kiến thức đã học.

Thời gian học online dài gây ảnh hưởng đến thị lực, tinh thần

Do đã quen với việc học online từ năm ngoái, con chị P.T.N. có thể tự đăng nhập vào lớp học. Tuy nhiên, nếu đường truyền mạng chập chờn, bé sẽ nản và không có hứng thú học bài.

Bà mẹ trẻ nhận thấy việc học online cả ngày là quá sức đối với học sinh lớp 2. Nếu tình trạng này kéo dài, thể lực và tinh thần của các em sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là sức khỏe mắt.

Chị N. đề xuất ý kiến giảm giờ học và tăng giờ nghỉ cho trẻ. Trong thời gian học online này, trẻ chỉ nên học Toán và Tiếng Việt để củng cố khả năng đọc, viết và làm toán cơ bản. Các môn còn lại có thể dạy bù khi tình hình dịch ổn định hơn, các bé được đến trường học trực tiếp.

Cô Hồng Hà, giáo viên kỹ năng sống cho trẻ em tại TP Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh, cho rằng trẻ tiểu học chỉ nên học online khoảng 2,5 giờ mỗi ngày, giữa các tiết học nghỉ từ 5-10 phút.

Học sinh THCS, THPT có thể quen với cường độ học tập cao hơn, nhưng trẻ tiểu học năng lực tập trung, tự giác chưa cao, học online quá lâu sẽ ảnh hưởng hiệu quả học tập.

Chưa kể, trẻ học qua màn hình máy tính, điện thoại có thể bị mỏi mắt và trở nên thụ động. Học online khiến tầm nhìn của trẻ bị thu hẹp vào các thiết bị điện tử. Các em cũng thụ động do không thể tương tác, trao đổi trực tiếp với thầy cô, bạn bè.

Theo đề xuất của cô Hồng Hà, các trường chỉ nên dạy online môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh cho trẻ và giảm tải một số chương trình chưa cần thiết. Trước khi lên lớp, giáo viên, cha mẹ cần cho trẻ tự tìm hiểu bài học, như thế quá trình dạy của giáo viên sẽ thuận lợi hơn, trẻ cũng sẽ chủ động nắm được kiến thức cần.

Là người có chuyên môn về các vấn đề mắt ở trẻ em, bác sĩ Nguyễn Thị Minh nhận định việc học online kéo dài về cơ bản sẽ khiến trẻ mỏi mắt, giảm khả năng tập trung.

Bà cho rằng, với trẻ học tiểu học, một tiết học không nên kéo dài quá 45 phút và các em cần có 15 phút để nghỉ ngơi, thư giãn mắt. Việc bổ sung vitamin A, vitamin E cũng rất cần thiết cho trẻ trong giai đoạn này.

Giáo viên, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ thực hiện một số bài tập đơn giản như đảo mắt, nhắm mắt mở mắt, dùng ngón tay mát xa mắt. Nếu không thể cho trẻ ra ngoài vận động, những bài tập tại chỗ sẽ có ích cho việc học online.

Trẻ học tối đa 3 tiết/ngày

Vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã, các nhà trường về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 cấp tiểu học.

Theo đó, đối với học sinh lớp 1, từ ngày 1-12/9, giáo viên chủ nhiệm lớp thống nhất với phụ huynh học sinh về khung thời gian học tập cụ thể để phụ huynh đồng hành cùng học sinh trong giai đoạn làm quen với việc học trực tuyến.

Từ 13/9 đến 30/9, nếu học sinh chưa được trở lại trường, các nhà trường tiến hành giảng dạy chương trình năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến, thời lượng tối đa 3 tiết/ngày.

Đối với học sinh lớp 1, lớp 2, các nhà trường chủ động liên hệ và hướng dẫn cha mẹ học sinh phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường và gia đình học sinh. Việc dạy học phải linh hoạt, phù hợp với tâm lý của trẻ. Trong quá trình dạy học, các cơ sở phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, học liệu dạy học trực tuyến.

Thời khóa biểu phải được sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các môn, phân bổ hợp lý về thời lượng dạy học trong tiết học/buổi học. Thời điểm tổ chức học trong ngày và trong tuần phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không gây áp lực đối với học sinh.

Các cơ sở giáo dục cần ưu tiên dạy học môn Tiếng Việt và môn Toán, nhằm đảm bảo giúp học sinh hình thành các kỹ năng cơ bản cần thiết ban đầu, lựa chọn các nội dung dạy học phù hợp với hình thức dạy trực tuyến.

Cứu trợ 600 sinh viên mắc kẹt ở Hà Nội vì Covid-19

Đại học Văn hóa Hà Nội triển khai cứu trợ quy mô lớn dành cho hơn 600 sinh viên đang kẹt lại thành phố vì dịch bệnh. Trong đó có những du học sinh hơn 1 năm chưa về nước.

Minh Thúy

Bạn có thể quan tâm