Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận và điều trị cho 4 trẻ bị bỏng nước sôi liên tiếp trong vòng 2 ngày. Nguyên nhân bỏng chủ yếu do sự bất cẩn của người lớn.
Trong 4 bệnh nhi, trường hợp nặng nhất là bé Q., 12 tháng tuổi, ở Phú Yên, bỏng nặng do với tay vào bát mì tôm mẹ ăn dở. Nước nóng từ bát mì đổ vào vùng mặt, cổ, tay khiến Q. bị bỏng 15% độ II.
![]() |
Bé Q. được bác sĩ thay băng. Ảnh: BVCC. |
Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã dùng thuốc xịt bỏng và gạc vô khuẩn băng vị trí tổn thương. Ngoài ra, trẻ cũng được sử dụng thuốc giảm đau, truyền dịch và kháng sinh, thay băng tại chỗ hàng ngày. Do nước nóng bắn cả vào mắt, bé Q. đang được các bác sĩ chuyên khoa mắt theo dõi sát sao.
Ngoài ra, bé H. (12 tháng tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) bỏng do nhúng chân vào chậu tắm chưa hòa nước lạnh. Bé T. (15 tháng tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) với tay vào ấm siêu tốc đang đun khiến nước sôi đổ vào người. Bé H. (6 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) bỏng do ngã vào chậu nước sôi. Đặc điểm chung của các bệnh nhi này là đều nhỏ tuổi, bỏng trong tình huống bất ngờ.
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, đối tượng bị bỏng nhiều nhất là trẻ 2-5 tuổi. Các bé hiếu động, tò mò, muốn khám phá nhưng chưa ý thức được nguy hiểm.
Tổn thương bỏng rất đa dạng và ở nhiều vị trí như chân, lưng, cánh và cẳng tay... Nhiều trường hợp để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống sau này. Ngoài ra, các vị trí bỏng ở vùng mặt, bộ phận sinh dục cũng rất nguy hiểm do ảnh hưởng thẩm mỹ và chức năng sinh dục trong tương lai.
Do đó, cha mẹ cần lưu ý động viên, trấn an con trong trường hợp bé bị bỏng và hoảng loạn. Nếu bé đau nhiều, cha mẹ có thể cho con sử dụng thuốc giảm đau nhưng tuyệt đối không tự ý dùng thảo dược không rõ nguồn gốc.
Với các trường hợp bị bỏng nặng, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị nội trú. Lúc này, bệnh nhi sẽ được xử lý chống sốc, bù nước điện giải, điều trị vết bỏng bằng các loại thuốc bôi, đắp đặc trị.
Nếu bỏng sâu, bé sẽ cần được cắt lọc các tổ chức hoại tử và ghép da. Song song điều trị, cha mẹ cần thực hiện phục hồi chức năng cho bệnh nhi để hạn chế những di chứng của sẹo.