Chỉ còn ba ngày là tới đợt trẻ nhỏ được bổ sung vitamin A liều cao theo quy định của ngành y tế. Tuy nhiên, hiện nhiều trạm y tế (TYT) ở TP.HCM vẫn chưa được phân bổ vitamin loại này khiến hàng triệu cha mẹ có con nhỏ “ăn ngủ không yên”.
“Lên ruột” do chưa có vitamin A
Chị Trần Thị Mai Thanh (30 tuổi) cho biết con trai gần hai tuổi nên nằm trong nhóm được bổ sung vitamin A vào ngày 1 và 2/6 tới.
“Cách đây một ngày, tôi ra TYT phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TP.HCM), hỏi lịch uống vitamin A cho trẻ. Tuy nhiên, nhân viên TYT nói do vitamin A chưa được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cấp nên không có. Nhân viên TYT còn nói khi nào có vitamin A sẽ thông báo. Chỉ còn ba ngày là tới lịch bổ sung vitamin A cho trẻ nhưng hiện không có nên tôi lo cho sức khỏe của con quá chừng”, chị Thanh nói.
Đồng cảnh ngộ, anh Võ Thanh Hòa (32 tuổi) cũng thở dài khi nghe nhân viên TYT xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TP.HCM) thông báo vinamin A chưa được phân bổ.
Trẻ nhỏ tại TP.HCM được cho uống vitamin A. Ảnh: Trần Ngọc. |
“Đầu tháng 12-2022, tôi đã một phen 'mất ăn mất ngủ' cả tuần vì con gái gần hai tuổi không được uống vitamin A do TYT không còn. Chờ tới nửa tháng sau vitamin A mới có lại. Giờ chỉ còn ba ngày là tới đợt uống vitamin A vào đầu tháng 6-2023 nhưng TYT lại không có khiến tôi và hàng triệu phụ huynh khác “lên ruột” lần nữa”, anh Hòa ngao ngán.
Chờ Bộ Y tế… lên tiếng
PV gọi điện thoại hỏi vài TYT và tất cả cho biết chưa được phân bổ vitamin A đợt ngày 1 và 2/6 tới.
BS Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn, cho biết có thông tin tạm hoãn triển khai chương trình bổ sung vitamin A đợt tháng 6-2023 cho trẻ nhỏ. “Khi nào có ý kiến chỉ đạo của HCDC, Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn mới có thể triển khai chương trình tới từng bậc cha mẹ các trẻ nhỏ trên địa bàn”, BS Trường cho biết thêm.
Theo BS Nguyễn Đăng Tuyến, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 12, hiện các TYT của quận chưa được HCDC cấp vitamin A đợt đầu tháng 6-2023 nên phải chờ. Khi nào có thì TYT sẽ thông báo cho cha mẹ các trẻ nhỏ biết.
Tìm hiểu thêm, PV được biết ngày 25/5, HCDC gửi Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) và Sở Y tế TP.HCM văn bản báo cáo thuốc vitamin A liều cao dùng cho trẻ nhỏ đợt ngày 1 và 2/6 chưa có.
Đối với các đơn vị còn vitamin A liều cao, HCDC đề nghị bổ sung cho trẻ dưới năm tuổi mắc các bệnh có nguy cơ cao thiếu vitamin A như sởi, tiêu chảy kéo dài, viêm hô hấp cấp, suy dinh dưỡng nặng.
Trao đổi thêm với PV, BS Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc HCDC, cho biết TP.HCM đang chờ ý kiến từ Bộ Y tế liên quan đến chương trình bổ sung vitamin A cho trẻ đợt đầu tháng 6 trên địa bàn.
Bộ Y tế cầu cứu các cơ sở sản xuất và nhập thuốc
Ngày 11/5, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có Công văn 4724 cho biết trước đây vitamin A liều cao dùng bổ sung cho trẻ 6-60 tháng tuổi được các tổ chức nước ngoài viện trợ, nhập khẩu vào Việt Nam và phân bổ cho các tỉnh, TP trực thuộc trung ương theo nhu cầu.
Tuy nhiên từ năm 2023, các tỉnh, TP trực thuộc trung ương phải chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm vitamin A từ nguồn kinh phí của địa phương hoặc từ nguồn của các chương trình mục tiêu quốc gia đã được phân bổ cho địa phương.
PV đặt câu hỏi: “Căn cứ Công văn 4724, tại sao TP.HCM không chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm vitamin A để không phải thiếu hụt như hiện nay?”.
BS Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc HCDC, cho biết ngày 17/5, Văn phòng Chính phủ ra thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trong cuộc họp đấu thầu mua sắm thuốc tại Bộ Y tế và các địa phương.
Theo thông báo kết luận, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan tiếp nhận viện trợ, điều phối cung cấp vitamin A trong thời gian tới tiếp tục tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đặt hàng một số loại thuốc phổ biến có tỉ trọng lớn để giảm giá thành, bảo đảm nguồn cung cho các địa phương.
Cũng trong Công văn 4724, Cục Quản lý dược đề nghị các cơ sở sản xuất và nhập khẩu thuốc tăng cường nghiên cứu, sản xuất, tìm nguồn cung ứng và nhập khẩu vitamin A để đảm bảo nguồn cung ứng cho chương trình y tế.
Bổ sung vitamin A trễ vài ngày, vài tuần không ảnh hưởng nhiều
Trẻ nhỏ ở độ tuổi nào cũng cần vitamin A cho quá trình phát triển toàn diện.
Sữa mẹ rất giàu vitamin A. Tuy nhiên, nếu trẻ dưới sáu tháng tuổi không được bú mẹ đầy đủ thì cần được bổ sung vitamin A. Trẻ dưới năm tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A (chế độ ăn không đầy đủ, thiếu dưỡng chất, mất cân đối các thành phần) cũng cần được bổ sung vitamin A. Ngoài ra, trẻ suy dinh dưỡng, mắc sởi hay tiêu chảy kéo dài rất cần bổ sung vitamin A.
Vitamin A giúp trẻ tăng trưởng, lớn lên và phát triển bình thường. Vitamin A có vai trò trong quá trình nhìn thấy của mắt; bảo vệ sự toàn vẹn của các biểu mô, giác mạc mắt, biểu mô da, niêm mạc khí quản, ruột non và các tuyến bài tiết. Vitamin A còn có vai trò miễn dịch, giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, làm tăng sức đề kháng với các bệnh nhiễm khuẩn, uốn ván, lao, sởi, phòng ngừa ung thư.
Vitamin A có nhiều trong gan cá, các loại cá béo (thu, trích, hồi…), thịt bò nạc, sữa, phomat; các loài rau quả có màu vàng hoặc xanh đậm (cà rốt, khoai lang, cam, quýt, gấc, đu đủ, rau ngót, rau muống…). Do vậy, trong trường hợp không có vitamin A cho trẻ nhỏ uống thì nên cho ăn những thực phẩm nói trên.
Cho trẻ uống vitamin A trong cộng đồng là để dự phòng tình trạng thiếu vitamin A nên việc trễ vài ngày, vài tuần ngắn không ảnh hưởng nhiều. Chỉ khi vấn đề bổ sung vitamin A là để điều trị thì khi đó sẽ có y lệnh cụ thể của bác sĩ.
ThS.BS Ngô Thị Mai Phương,phòng Khám nhi - tiêm ngừa thuộc BV ĐH Y Dược TP.HCM.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.