Zing.vn trích dịch bài đăng trên Channel News Asia, về câu chuyện Facebook trở thành thị trường chợ đen diễn ra các trao đổi, môi giới buôn bán, nhận nuôi trẻ em trái phép ở Philippines. Giá cho mỗi đứa trẻ dao dộng từ 100 - 1.000 USD.
Nửa đêm ngày 11/2, Dalisay, một phụ nữ Philippines mang thai 8 tháng, nhắn tin riêng cho người đã đặt trước việc nhận nuôi đứa con trong bụng cô: “Bà đã sẵn sàng nhận nuôi đứa trẻ chưa?”.
Trước đó, Dalisay biết đến người phụ nữ này qua một bài đăng có nội dung muốn nhận con nuôi trên Facebook. Theo người mẹ, đó chỉ là một trong nhiều bài đăng trên mạng có chủ đề tương tự.
Nói cách khác, mạng xã hội trở thành “chợ đen”, nơi diễn ra các giao dịch trao đổi, nhận nuôi con bất hợp pháp tại Philippines - từ trẻ còn đang trong bụng mẹ đến mới ra đời.
Những đứa trẻ được rao bán công khai
Ngày hôm sau, bài đăng của người phụ nữ nọ được quan tâm hơn khi một số người vào bình luận, trong đó có Dalisay. Hai người trao đổi qua lại và người phụ nữ bày tỏ mong muốn trả cho Dalisay một số tiền lớn để nhận nuôi đứa trẻ.
“Bà có thể chi trả bao nhiêu? Tôi sẽ sinh con vào đầu tháng 3. Nó là một bé trai”, những lời mở đầu đi thẳng vào vấn đề.
Tài khoản tham gia trao đổi, môi giới sử dụng thông tin giả mạo, khiến cảnh sát khó lần ra manh mối hơn. Ảnh: Huffpost. |
Dalisay mới 21 tuổi, nhỏ hơn chồng 3 tuổi. Cả hai đều không có thu nhập ổn định. Cái thai trong bụng cô gái trẻ là sự cố ngoài mong muốn.
Không đủ điều kiện nuôi nấng, cặp vợ chồng tính đến chuyện tìm cha mẹ nuôi. Họ bắt đầu lân la trên Facebook, mạng xã hội phổ biến ở Philippines với hơn 66 triệu người dùng.
Những năm gần đây, mạng xã hội trở thành “thị trường mới nổi” cho việc buôn bán, nhận nuôi trẻ em bất hợp pháp tại Philippines. Các giao dịch diễn ra trong hội nhóm kín.
Thành viên chủ yếu là những bà mẹ, kẻ môi giới và người hiếm muộn không có con. Các tài khoản sử dụng thông tin giả để che giấu danh tính thật, khiến cảnh sát khó lần tìm ra manh mối.
Theo Cục Điều tra Quốc gia (NBI), cơ quan hoạt động chuyên về chống buôn bán bất hợp pháp, việc nhận con nuôi qua môi giới, buôn bán đã tồn tại ở Philippines trong 15-20 năm. Tuy nhiên, việc vấn nạn này xuất hiện ở cả trên mạng mới chỉ diễn ra trong vài năm.
Các bài đăng trao đổi, trực tiếp đề cập đến việc cung cấp trẻ em nhận nuôi xuất hiện trên mạng xã hội. Ảnh: Pichayada Promchertchoo. |
Năm ngoái, NBI triệt phá thành công một băng nhóm buôn bán trẻ em. 4 người bị bắt giữ, trong đó có cha mẹ của đứa trẻ mới 6 ngày tuổi. Hai kẻ còn lại là môi giới, chuyên tìm kiếm người mua và thương lượng giá cả trên mạng xã hội.
Em bé sơ sinh được bán với mức giá 200 USD. Trên thực tế, mức giá cho một đứa trẻ có thể dao động rất nhiều, từ 100 - 1.000 USD.
Buôn bán, môi giới nhận nuôi trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị bỏ tù chung thân và phạt tiền từ 40.000 - 99.000 USD ở Philippines. Theo Ronald Aguto, người đứng đầu NBI, việc rao bán, quảng cáo trên mạng việc nhận nuôi con cũng bị khép vào tội buôn người.
Song, những bài đăng có nội dung bất hợp pháp như vậy vẫn xuất hiện trên mạng xã hội. Trong cuộc điều tra của phóng viên Channel News Asia (CNA), các trang, hội nhóm trên Facebook có đầy những bài đăng tương tác qua lại với đầy đủ chi tiết từ tuổi tác, giới tính, hình ảnh của trẻ sơ sinh cho đến cách thức giao dịch.
“Một cách trắng trợn, những kẻ tham gia vào hành động phi pháp này thoải mái tuyên bố có thể bỏ ngần này tiền để mua một đứa trẻ hay chỉ nhau cách lách luật để không bị truy tố”, Aguto nói với CNA.
"Có thể nhận nuôi ngay sau khi đứa trẻ ra đời"
Những kẻ buôn người đôi khi xuất hiện dưới vỏ bọc làm việc cho các cơ quan chính thức giám sát việc nhận con nuôi ở Philippines bằng cách thêm các thông tin giả mạo vào tài khoản.
Vài năm trước, một trường hợp được báo cáo lên Bộ Tư pháp, dẫn đến việc xóa vĩnh viễn tài khoản.
Theo phía Facebook, công ty gần đây đã bổ sung vào chính sách của mình một phần riêng cho việc khai thác con người và xóa bất kỳ nội dung vi phạm nguyên tắc cộng đồng.
“Chúng tôi có chính sách không khoan nhượng đối với việc khai thác con người, bao gồm buôn bán trẻ em làm con nuôi bất hợp pháp. Chúng tôi cũng làm việc với cơ quan thực thi pháp luật trong các tình huống cấp bách”, đại diện của Facebook nói với CNA.
Các giao dịch diễn ra trong hội kín trên Facebook, khiến việc điều tra cần sự hợp tác của phía mạng xã hội này. Ảnh: Zhihu. |
Facebook xác nhận họ đã xóa tất cả các trang đáng ngờ mà CNA phát hiện ra trong quá trình điều tra.
Người dùng mạng xã hội bắt gặp nội dung buôn người trái phép được khuyến khích liên hệ với cơ quan thực thi pháp luật địa phương và báo cáo cho công ty truyền thông xã hội.
Trong nhiều năm, Bộ Phúc lợi Xã hội Philippines (DSWD) và các cơ quan thực thi pháp luật đã truy tìm các trang và nhóm trên Facebook đáng ngờ để điều tra các vụ buôn bán, môi giới nhận nuôi con.
Tuy nhiên, theo Glenda Relova, đại diện của DSWD, hầu hết đối tượng đến từ bên ngoài Philippines và hoạt động trong các nhóm kín.
“Công tác điều tra gặp nhiều khó khăn, khó có thể truy cập vào địa bàn hoạt động của nhóm tội phạm trên không gian mạng nếu không có sự hợp tác của Facebook”, Relova cho hay.
Một thách thức khác đối với nhà chức trách là các giao dịch diễn ra bí mật. Khi người muốn nhận nuôi tìm đến và liên lạc với những kẻ môi giới qua mạng, các trao đổi chi tiết, riêng tư thường tiếp tục trên một ứng dụng nhắn tin khác.
Tuy nhiên, bất kỳ giao dịch nào cũng cần yêu cầu tiết lộ một số thông tin nhất định như thông tin ngân hàng, địa chỉ và cảnh sát có thể dựa vào đó để theo dõi.
Đối với Dalisay, cô chưa biết mình sẽ sinh con trai ở đâu cũng như nơi bàn giao đứa trẻ để đổi lấy 1.000 USD. Qua tin nhắn trao đổi, cô gái đề nghị thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng.
“Thưa bà, nếu nhận con nuôi qua đường chính thống, có khả năng bà sẽ bỏ ra số tiền như nhiều người mà tôi từng biết. Họ chi gần 4.000 USD để nhận nuôi trẻ nhưng thủ tục pháp lý lằng nhằng. Còn tôi, sau khi đứa bé ra đời, bà có thể đến nhận nó ngay lập tức”, cô nhắn cho người phụ nữ.