Con gái tôi chưa kết hôn nhưng đã có thai và sinh con. Do còn đang là sinh viên và lo sợ dư luận nên con tôi đã đem đứa trẻ để trước cửa chùa vào lúc trời rạng sáng mong có người nhìn thấy em bé thương tình mang về nhà nuôi. Nhưng trời quá lạnh nên đứa trẻ bị chết.
Các thông tin bạn đưa ra không cụ thể nên chúng tôi phân ra thành những trường hợp sau:
Trường hợp 1: Hành vi đem vứt đứa trẻ được thực hiện khi đứa trẻ sinh ra chưa được 7 ngày tuổi.
Điều 94 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 quy định về tội Giết con mới đẻ như sau: “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Điểm b Điều 1 Chương II, Nghị quyết 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn “Con mới đẻ là đứa trẻ mới sinh ra trong bảy ngày trở lại”.
Theo thông tin bạn cung cấp thì con gái bạn chưa kết hôn, hiện là sinh viên nên việc mang hoang thai khiến cho con bạn lo sợ, sợ bị dư luận xã hội bàn tán, sợ bạn bè, hàng xóm cười chê nên đã đem bỏ đứa trẻ trước cửa chùa. Đây là hành vi cho thấy con gái bạn chịu sự ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu, phong kiến.
Bởi lẽ, việc mang hoang thai là đi ngược lại đạo đức truyền thống của dân tộc, của người phụ nữ; nhưng trong thời đại hiện nay, mọi trẻ em sinh ra và lớn lên trên đất nước Việt Nam đều được Nhà nước bảo hộ, quan tâm và tạo mọi điều kiện để phát triển. Vấn đề bảo vệ trẻ em không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới đều dành sự quan tâm đặc biệt, không phân biệt màu da, tiếng nói, không phân biệt con trong giá thú hay ngoài giá thú.
Chính vì vậy, việc con gái bạn đem vứt bỏ đứa trẻ do chính mình sinh ra là hành động sai trái, vi phạm pháp luật. Nếu đứa trẻ sinh ra chưa được 7 ngày mà con gái bạn đem vứt bỏ dẫn đến hậu quả đứa trẻ bị chết thì đây là hành vi “giết con mới đẻ” quy định tại Điều 94 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Tùy thuộc vào mức độ phạm tội, hành vi này có thể phải chịu phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.
Trường hợp 2: Nếu đứa trẻ bị vứt bỏ đã trên 7 ngày tuổi
Trong trường hợp đứa trẻ đã trên 7 ngày tuổi thì hành vi đem con bỏ trước cửa chùa dẫn đến hậu quả con bị chết có thể phạm tội Giết người (Điều 93 Bộ luật hình sự) hoặc phạm tội Vô ý làm chết người (Điều 98 Bộ luật hình sự) tùy thuộc vào việc chứng minh nhận thức chủ quan của người phạm tội hay nói cách khác là phụ thuộc vào việc xác định lỗi của người phạm tội sau khi thực hiện hành vi bỏ đứa trẻ.
- Lỗi Cố ý giết người là trường hợp trước khi có hành vi tước đoạt tính mạng người khác, người phạm tội nhận thức rõ hành động của mình tất yếu hoặc có thể gây cho nạn nhân chết và mong muốn hoặc bỏ mặc cho nạn nhân chết.
- Lỗi Vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây ra chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.
Trong điều kiện thời tiết xấu, lạnh, việc bỏ đứa trẻ non nớt ngoài trời như vậy người mẹ chắc chắn phải biết trước hành động đó có thể gây đến cái chết cho đứa trẻ. Tuy nhiên, người mẹ biết nhưng để mặc (lỗi cố ý) hoặc biết nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra vì nghĩ rằng đứa trẻ chắc chắn sẽ được một ai đó tìm thấy sớm (lỗi vô ý).
Có thể ví dụ như sau: Nếu sau khi bỏ đứa trẻ trước cửa chùa, người mẹ bỏ đi, mặc kệ đứa trẻ. Lúc này hành động này thể hiện sự bỏ mặc, là biểu hiện của lỗi cố ý. Còn sau khi bỏ đứa trẻ, người mẹ đứng ở khu vực gần quan sát đến khi có người nhìn thấy đứa bé hoặc làm điều gì đó để cho người đi đường nhanh chóng tìm thấy thì lúc này, có thể nhận định đây là dấu hiệu hy vọng, tin hậu quả đứa trẻ chết sẽ không xảy ra.