![]() |
Học sinh trong kỳ thi vào lớp 6 ở một trường tại TP.HCM. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
“Sắp tới, con sẽ thi vào lớp 6 trường chất lượng cao, nếu không học thêm, luyện lò, chắc chắn con không thi được”, chị Nguyễn An, phụ huynh có con đang học lớp 5 tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ ngày 14/2, quy định không tổ chức dạy thêm, học thêm ở tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Thực tế, quy định này đã có từ trước đó. Song nhiều năm nay, nhu cầu của phụ huynh lớn, hoạt động này vẫn diễn ra, dù hiện tại các địa phương đã quản lý chặt hơn sau Thông tư 29.
Vẫn cho con học thêm bất chấp lệnh cấm
Muốn con thi lớp 6 trường chất lượng cao, xác định tỷ lệ chọi lớn, đề thi khó, chị Nguyễn An đã cho con trai đi học thêm Toán và Tiếng Anh từ hè năm lớp 3, tuần học 3 buổi.
Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, theo chị An, các lớp học thêm này vẫn hoạt động bình thường, chưa nghỉ buổi nào, cũng không chuyển sang học online hay đổi tên sang lớp kỹ năng như nhiều chỗ khác, nhưng hoạt động có phần “kín đáo” hơn.
Con chị học tại nhà cô giáo chuyên luyện thi ở cùng khu chung cư. Chị kể cô chỉ nhận khoảng 4-5 học sinh, đều là chỗ thân quen, nhờ vả cô nên không phụ huynh nào “tố" dạy sai quy định. Dù vậy, chị vẫn nơm nớp lo việc học của con bị gián đoạn, lớp phải giải tán nếu bị kiểm tra.
“Biết là sai quy định, nhưng với những bài thi có độ khó cao hơn so với bài thi trên lớp, nếu không học thêm, con không vượt qua được dù bình thường có thể học tốt”, chị An nói.
Trong khi đó, không có nhu cầu cho con thi trường chất lượng cao, song chị Nguyễn Thu (phụ huynh ở quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn cho con trai (đang học lớp 4) học thêm cả ba môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, 4 buổi/tuần.
Theo chị, kể từ sau ngày 14/2, các lớp học thêm do giáo viên trên lớp mở đều đóng cửa. Sợ con hổng kiến thức, chị tức tốc tìm lớp học thêm mới tại các trung tâm và giáo viên dạy kèm online để củng cố.
“Nghỉ học thêm, điểm thi giữa kỳ của con tụt hẳn so với trước, tôi lo sốt vó”, chị Thu nói.
Người mẹ cho hay ý thức tự học của con trai chưa tốt, phải có người thúc giục liên tục để tập trung, trong khi bố mẹ ít thời gian. Hơn nữa, chị cũng muốn con được củng cố kiến thức và học nâng cao. Vì vậy, chị cho rằng không thể bỏ học thêm, dù có lệnh cấm ở bậc tiểu học.
Thực tế, không riêng chị Thu hay chị An, sau 2,5 tháng áp dụng Thông tư 29, dù Bộ GD&ĐT và các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện, nhiều lớp dạy thêm văn hóa ở bậc tiểu học vẫn hoạt động. Nhiều cơ sở dạy thêm trái luật đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt.
![]() |
Một cơ sở dạy thêm hàng trăm học sinh tiểu học ở quận Đống Đa, Hà Nội bị dừng hoạt động. Ảnh: Sở GD&ĐT Hà Nội. |
Lớp dạy thêm tiểu học chỉ ‘lắng’ trên bề mặt
Trao đổi với Tri Thức - Znews, cô Nguyễn Hà, giáo viên tiểu học ở Hà Nội, nhận định sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, thị trường dạy thêm, học thêm nhìn chung không hề hạ nhiệt mà có xu hướng biến đổi về hình thức để thích ứng.
Nhu cầu học thêm vẫn rất lớn, đặc biệt ở các thành phố lớn và cuối cấp. Hình thức dạy thêm trở nên đa dạng hơn, bên cạnh các lớp học thêm truyền thống tại nhà giáo viên hoặc trung tâm còn có dạy thêm online, gia sư 1-1 tại nhà, các "câu lạc bộ" kiến thức trá hình ngày càng phổ biến.
Riêng ở bậc tiểu học, cô Hà đánh giá các vùng nông thôn đang thực hiện khá tốt các quy định về Thông tư 29. Song, ở một số khu vực tại nội thành, tình trạng dạy thêm văn hóa vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức ngầm hoặc lách luật.
Thay vì tổ chức công khai, giáo viên có thể dạy tại nhà riêng, hoặc phụ huynh tự tập hợp nhóm nhỏ mời giáo viên về dạy. Các trung tâm có thể mở lớp "bồi dưỡng năng khiếu Toán/Tiếng Việt" hoặc "củng cố kiến thức" để lách quy định.
“Do đó, dù có vẻ ‘lắng dịu’ trên bề mặt (ít lớp học công khai hơn), nhưng thực chất nhu cầu và hoạt động dạy thêm văn hóa ở tiểu học vẫn còn, chỉ là kín đáo hơn”, cô Hà nói.
Theo cô giáo, việc các lớp học thêm diễn ra bất chấp quy định có thể xuất phát từ một số nguyên nhân như phụ huynh bận rộn công việc, không có đủ thời gian hoặc phương pháp sư phạm để tự dạy kèm con, từ đó “phó thác” con cho thầy cô.
Bên cạnh đó là áp lực học tập, thi cử, ví dụ như cuộc đua vào lớp 6 các trường chất lượng cao khiến phụ huynh lo lắng con mình không theo kịp hoặc yếu thế hơn bạn bè.
Về phía trung tâm, người dạy, việc dạy lách luật dạy thêm có thể xuất phát từ lý do thu nhập, nhu cầu từ phụ huynh hoặc mong muốn giúp đỡ học sinh yếu kém. Một số lý do có thể chính đáng nhưng cách làm chưa đúng.
Theo cô Hà, quy định không dạy thêm ở tiểu học là hợp lý, bởi các em ở độ tuổi còn nhỏ, học thêm quá nhiều có thể chiếm hết thời gian vui chơi, nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động thể chất, nghệ thuật, giao tiếp xã hội cần thiết cho sự phát triển toàn diện.
Hiện nay, các lớp học thêm thường tập trung vào giải bài tập mẫu, luyện mẹo thi cử, làm giảm khả năng tự tìm tòi, khám phá và tư duy độc lập của trẻ…
Cô Hà khuyên các phụ huynh đang cho con học thêm bất chấp lệnh cấm nên đánh giá lại thực chất nhu cầu của con.
“Con có thực sự cần học thêm kiến thức văn hóa hay không? Hay con chỉ cần củng cố kỹ năng tự học, phương pháp học tập? Phụ huynh hãy trò chuyện với con và giáo viên chủ nhiệm để hiểu rõ sức học và khó khăn (nếu có) của con”, cô Hà chia sẻ.
Bên cạnh đó, thay vì phó mặc cho các lớp học thêm, cha mẹ hãy cố gắng dành thời gian cùng con học, đọc sách, trò chuyện, vui chơi. Sự đồng hành, động viên của cha mẹ quan trọng hơn bất kỳ lớp học thêm nào.
Bố mẹ cũng cần tìm hiểu và tin tưởng hơn vào chương trình chính khóa. Theo đó, phụ huynh hãy trao đổi thường xuyên với giáo viên để nắm bắt tình hình học tập của con và phối hợp hỗ trợ con tại nhà theo hướng dẫn của giáo viên.
“Hãy tin rằng chương trình được thiết kế để phù hợp với lứa tuổi, và vai trò của phụ huynh là đồng hành, tạo động lực chứ không phải tạo thêm áp lực”, cô giáo khuyên.
Cuối cùng, cô Hà nhắc phụ huynh cần nhớ độ tuổi tiểu học là giai đoạn vàng để trẻ vui chơi, khám phá, phát triển thể chất, cảm xúc và các kỹ năng xã hội. Bố mẹ đừng vì áp lực thành tích mà "đánh cắp" tuổi thơ của con.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.