Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trị mụn bằng thuốc tránh thai có an toàn?

Thuốc tránh thai có hiệu quả tốt trong chữa trị mụn nhưng ít được dùng do mất thời gian và nhiều bệnh nhân chưa hiểu rõ tác dụng.

Mụn xảy ra khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn, viêm. Chúng sưng lên do nhiễm trùng (vi khuẩn P. Acne), tích tụ lớp da chết hay tăng chất nhờn (tiết bã). Nếu vùng bị nghẽn chưa bị tiếp xúc với không khí, mụn sẽ có màu trắng đỏ (mụn đầu trắng), thường ở giai đoạn đầu và nằm sâu dưới da. Sau khi tiếp xúc với không khí, phần bã nhờn bị oxy hoá thành màu đen (mụn đầu đen). Khi lấy tay nặn mụn, phần lớn là đầu đen.

Tại Mỹ, khoảng 85% thiếu niên bị mụn, con số này giảm xuống 12% với phụ nữ. Trung bình, cứ 10 người thì một người có mụn. Mụn không gây chết người nhưng có thể ảnh hưởng trầm trọng đến tâm lý như trầm cảm, lo lắng, sợ hãi và mất tự tin về bản thân. Phần lớn bệnh nhân sau khi chữa trị mụn thấy đỡ hơn sẽ ngưng dùng thuốc, dẫn đến tỷ lệ tái phát cao.

Hiện nay, nhiều bằng chứng cho thấy mụn là bệnh lý phức tạp từ các nguyên nhân như cơ địa nhạy cảm của da mặt, giới tính, ảnh hưởng di truyền, cách sống, hệ miễn dịch của từng người (hệ miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thu được). Vì vậy, khi chữa mụn, bác sĩ cần hỏi bệnh sử kỹ lưỡng để tìm hiểu về cách sống và phương pháp chăm sóc da, trước khi cho nhiều loại thuốc chữa trị kết hợp.

Trị mụn bằng thuốc ngừa thai

Trong phác đồ trị mụn của Viện hàn lâm Da liễu Mỹ, thuốc tránh thai (Combined Oral Contraceptive drug) được khuyến cáo dùng ở mức độ cao nhất (IA) dựa trên các nghiên cứu về tính hiệu quả và an toàn sử dụng. Thực tế, ít bác sĩ cho thuốc này vì nhiều lý do như thời gian bắt đầu có hiệu quả khá lâu, kéo dài từ vài tuần đến vài tháng và bất tiện do bệnh nhân phải uống mỗi ngày.

tri mun bang thuoc tranh thai anh 1

Mụn là bệnh lý phức tạp từ các nguyên nhân như cơ địa nhạy cảm của da mặt, giới tính,... Ảnh: Kleinmd.

Thuốc tránh thai chữa mụn bằng nhiều cách như hạn chế chất bã nhờn và giảm viêm do ức chế ảnh hưởng của hormone nam Androgen. Đây là loại hormone khiến phụ nữ mọc lông, tăng tiết bã và rụng tóc. Giảm ảnh hưởng của hormone trên da được xem là một trong những cách chữa trị mụn hiệu quả và lâu dài.

Hiện nay, có 4 loại thuốc tránh thai được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận chữa trị mụn là Ortho Tri-Cyclen, Estrostep Fe, Beyaz, và Yaz.

Nghiên cứu cho thấy không có loại thuốc tránh thai nào tốt nhất. Các loại thuốc nêu trên đều có tác dụng tương tự trong chữa trị mụn. Vì vậy, cách chọn thuốc này tuỳ vào cơ địa và phản ứng với thuốc của mỗi bệnh nhân. Khi bệnh nhân có những tác dụng phụ với một loại thuốc ngừa thai, bác sĩ có thể chuyển qua loại khác mà vẫn có thể giữ nguyên hiệu quả chữa trị mụn.

Lưu ý, FDA chỉ chấp thuận dùng thuốc tránh thai chữa trị mụn khi bệnh nhân hiểu, đồng ý muốn ngừa thai và điều trị mụn cùng lúc. Nếu bệnh nhân không muốn tránh thai, bác sĩ không nên dùng thuốc này để trị mụn.

Tác dụng phụ của thuốc tránh thai

Tác dụng phụ đầu tiên là rủi ro có cục máu đông (Venous Thromboembolic Events), tỷ lệ rất thấp. Bác sĩ nên giải thích rõ cho bệnh nhân. Tỷ lệ rủi ro mắc cục máu đông ở người bình thường là 1-5 trên 10.000 phụ nữ trong một năm. Nếu dùng thuốc tránh thai, tỷ lệ này tăng lên 3-9 trên 10.000 phụ nữ trong một năm. Trong khi đó, tỷ lệ mắc cục máu đông ở phụ nữ có thai là 5-20 trên 10.000 phụ nữ trong năm. Phụ nữ sau khi sinh 12 tuần, tỷ lệ mắc bệnh này lên đến 40-65 người trên 10.000 phụ nữ trong năm.

Như vậy, uống thuốc tránh thai có thể tăng khả năng mắc cục máu đông, nhưng lại ít rủi ro hơn so với phụ nữ có thai. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng cục máu đông sẽ cao hơn khi bệnh nhân hút thuốc lá và trên 35 tuổi. Vì vậy, bác sĩ thường không cho uống thuốc tránh thai nếu bệnh nhân nữ hút thuốc lá và có tuổi.

tri mun bang thuoc tranh thai anh 2

Dùng thuốc tránh thai có thể khả năng mắc ung thư vú, dù tỷ lệ tăng gần như không đáng kể. Ảnh: Coleofduty.

Tác dụng phụ khác là tăng rủi ro bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim. Đặc biệt, khả năng này tăng cao khi kèm theo hút thuốc lá, tiểu đường và các bệnh nền khác.

Dùng thuốc tránh thai cũng có thể khả năng mắc ung thư vú, dù tỷ lệ tăng gần như không đáng kể. Tỷ lệ tăng cao khi dùng nhiều thuốc tránh thai. Thuốc này cũng có thể tăng khả năng mắc ung thư cổ tử cung. Trong khi đó, thuốc tránh thai có thể giảm rủi ro một số loại ung thư khác như buồng trứng, ruột, và niêm mạc tử cung. Vì vậy, bệnh nhân nên thảo luận kỹ với bác sĩ trước khi dùng thuốc tránh thai về thời gian dùng và các biện pháp kết hợp khác.

Các nghiên cứu chỉ ra sau 3-6 tháng dùng liên tục, thuốc mới có tác dụng. Vì vậy, nhiều bệnh nhân sau 1-2 tháng dùng thuốc ngừa thai không thấy tác dụng chữa trị mụn đã ngưng sử dụng. Trong lúc chờ đợi thuốc có tác dụng, bác sĩ có thể kê các loại thuốc bôi hay trụ sinh để hạn chế mụn.

Tóm lại, thuốc tránh thai có tác dụng tốt trong chữa trị mụn nhưng ít được dùng do mất thời gian và nhiều bệnh nhân chưa hiểu rõ tác dụng chính và tác dụng phụ. Trị mụn cần dùng nhiều thuốc kết hợp để có kết quả tốt nhất.

Tai biến nặng do nặn nhọt trên mặt

Khi phát nốt mụn nhỏ, người đàn ông khó chịu nên dùng tay sờ nắn khiến vùng mụn sưng phù, lở loét, mưng mủ phải nhập viện khẩn cấp.

PGS.TS.BS Huỳnh Wynn Trần

Bạn có thể quan tâm